Trần Quốc Toản chỉ được duy nhất một lần chép gộp và gọn toàn bộ tiểu sử vào sử sách chính thống cổ truyền-bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”- ở đoạn biên niên sử về năm Nhâm Ngọ (1282), khi sách này tường thuật diễn biến và kết quả của cuộc “Hội nghị vương hầu và trăm quan” nhà Trần, “bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”, chuẩn bị chống cuộc đại xâm lăng của đế chế Mông Nguyên lần thứ hai.
Theo đó, vì: “Còn trẻ tuổi, không được dự bàn, Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đấy lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Sau đấy, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong từ tước Hoài Văn hầu, lên thành tước vương”.
Tất cả chỉ có như vậy. Thành ra, việc “đến khi mất” của Trần Quốc Toản là như thế nào, hàng trăm năm qua, vẫn không được rõ. Cả về cội nguồn dòng dõi, tuổi tác sinh thành…, cũng thế. Cho nên, bây giờ, cần thử lần theo một số thông tin gián tiếp, tín hiệu bổ trợ…, để góp phần soi tỏ những vấn đề này.
Trước hết là về lai lịch của Trần Quốc Toản.
Có một hệ “tín hiệu chìm”, giông giống như một quy định, ẩn trong những tước hiệu của các tôn thất quý tộc đời Trần. Chẳng hạn: Ai mà thuộc dòng dõi của An Sinh vương Trần Liễu-con trưởng của Thượng hoàng Thái tổ Trần Thừa-thì thường mang ký tự (chữ) “Hưng” ở đầu tước hiệu của mình. Trong khi đó thì chữ “Chiêu”, ở đầu các tước hiệu khác, lại là ký tự có thể giúp nhận diện được ai là người thuộc dòng dõi vua Thái tông Trần Cảnh, vốn là con thứ của Thượng hoàng Thái tổ Trần Thừa, tức là em trai của An Sinh vương Trần Liễu.
Nương theo các “tín hiệu chìm” như thế này có thể tìm ra bậc tiền bối sinh thành của Trần Quốc Toản-vị quý tộc trẻ tuổi, có chữ “Hoài” ở đầu tước hiệu “Hoài Văn hầu” (sau được truy phong là Hoài Văn vương) của mình. Bậc tiền bối đó là: Hoài Đức vương Trần Bà Liệt.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, ở trang biên niên sử về năm Nhâm Thìn (1232), có câu: “Phong cho con của Thượng hoàng (Thái tổ Trần Thừa) là Bà Liệt làm Hoài Đức vương”, kèm với đoạn văn giải trình khá ly kỳ về trường hợp và người được phong làm Hoài Đức vương này, như sau: “Xưa, về thuở Thượng hoàng còn hàn vi (tức là trước lúc được tôn làm Thượng hoàng Thái Tổ nhà Trần vào năm 1226), có lấy người con gái thôn Bà Liệt thuộc huyện Tây Chân (tức là miền đất về sau được mang các tên huyện lần lượt là Nam Chân, Nam Trực, Nam Ninh, Trực Ninh của tỉnh Nam Định). Người đó có mang thì bị (Thượng hoàng) ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, bèn xin sung vào đội đánh vật (của triều đình). Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắc thở. Thượng hoàng (nổi tình phụ tử) thét lên: “Con ta đấy”. Người kia sợ hãi lạy tạ (mà buông Bà Liệt ra). Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh (phong làm Hoài Đức vương) này”.
Cùng với việc phong tước Hoài Đức vương, còn có việc cấp đất (làm “điền trang-thái ấp”) cho người “con rơi” (muộn được thừa nhận) của Thượng hoàng Thái tổ Trần Thừa. Đó là miền đất có trung tâm là làng Trang Liệt (Kẻ Sặt) ở tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Các tài liệu điều tra thực địa, địa phương chí, thần tích, truyền thuyết… ở vùng Từ Sơn, Tiên Du, của tỉnh Bắc Ninh bây giờ cũng thống nhất xác nhận điều này.
Trở lại với trường hợp Trần Quốc Toản. Cùng với tước hiệu “Hoài Văn”-có chữ “Hoài”-trùng với ký tự đầu ở tước hiệu “Hoài Đức” của Trần Bà Liệt, thì, các tài liệu địa phương chí và văn hóa dân gian vùng Từ Sơn-Tiên Du ở tỉnh Bắc Ninh, cũng đều thống nhất nói: Trần Quốc Toản là người quê làng Trang Liệt (Kẻ Sặt).
Vậy là đường dây chắp nối Trần Quốc Toản với Trần Bà Liệt được xác lập: Vị thiếu niên dũng tướng, yêu nước, lừng danh và công huân ở đời Trần và của nhà Trần, là con cháu của Hoài Đức vương Trần Bà Liệt, dòng dõi của Thượng hoàng Thái tổ Trần Thừa.
Trần Bà Liệt được Thượng hoàng Thái tổ của triều đại nhà Trần thừa nhận và phong vương-cấp đất vào năm 1232, lúc đang tuổi tráng niên, có chân trong đội đánh vật của triều đình. Vậy, ông sinh vào khoảng 20 năm trước đấy: Quãng năm 1212.
Trần Quốc Toản không đủ tuổi trưởng thành để được dự “Hội nghị vương hầu và trăm quan”, tức dưới 16 “tuổi ta” vào năm 1282. Vậy, người cầm đầu đội quân “Phá cường địch, báo hoàng ân” coi như được sinh vào khoảng năm 1267.
Với năm sinh này, Trần Quốc Toản có thể là con trai của Trần Bà Liệt, nếu vị Hoài Đức vương này đến khoảng 55 tuổi mới sinh hạ được vị hầu tước trẻ tuổi Hoài Văn; hoặc-nhiều khả năng hơn-có thể là cháu nội của Trần Bà Liệt, nếu vị vương tước này sinh hạ được người nối dõi đầu tiên-là cha đẻ (mà đến bây giờ, vẫn chưa rõ lai lịch) của Trần Quốc Toản-ngay vào năm mới được thừa nhận và phong tước-cấp đất.
Để cho đến năm 1285, khi bùng nổ cuộc kháng chiến cam go và oanh liệt chống Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai, thì “đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ (khiến) giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch”-như lời sử cũ đã chép.
Trần Quốc Toản đã đánh những trận nào, với khí thế mãnh liệt như thế, trong năm 1285? Dõi theo từng đoạn ghi chép chiến sự rất kiệm lời của sử cũ, có thể thấy đó là:
– Trận “Cửa quan Nghệ An”.
Đây là trận đánh chặn cánh quân Mông Nguyên do “nguyên soái” Toa Đô chỉ huy, từ nước Chiêm Thành đánh qua vùng Quảng Bình ngày nay, để ngược lên phía Bắc, vượt (xuyên) các tỉnh bây giờ là Hà Tĩnh, Nghệ An, tràn qua Thanh Hóa, ra vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tạo một gọng kìm khổng lồ để hợp binh với gọng kìm chủ lực do chủ tướng Thoát Hoan chỉ huy, kẹp quan quân và triều đình nhà Trần vào đấy mà tiêu diệt.
Trước toan tính lợi hại của giặc, triều đình nhà Trần đã cử Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cầm một đạo quân lớn, vào nhanh trong xứ Nghệ (khi ấy là cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ) chặn đánh cánh quân Toa Đô. Tuy nhiên, chắc chắn lúc bấy giờ, có một tướng quân tên Toản, nhưng mang họ Trần. Đó chính là Trần Quốc Toản. Và, từ Trần Quốc Toản thành ra Trịnh Đình Toản, thì đó có thể là do “tam sao thất bản”, hoặc khắc ván in nhầm tự dạng, trong quá trình truyền lưu sách “An Nam chí lược” từ thế kỷ 14 đến bây giờ.
Đạo quân “Phá cường địch, báo hoàng ân” của Trần Quốc Toản thành lập ở Bắc Ninh, vào tháng 2-1285 đã dự trận ở tận trong “Cửa quan Nghệ An”, cùng với dũng khí ngất trời như sử cũ đã chép, thì còn rõ ràng là một đạo quân có sức cơ động rất cao.
– Trận “Tây Kết 1”.
Gọi là trận “Tây Kết 1”, vì còn có một trận “Tây Kết 2” nữa, do các vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông thân chinh chỉ huy, diễn ra vào tháng 6.1285. Còn “Tây Kết 1” thì đánh vào tháng 5.1285, trước đó một tháng.
Như thế là, vào tháng 2.1285 còn đang tham chiến ở trong xứ Nghệ, nhưng đến tháng 5.1285, đạo quân “Phá cường địch, báo hoàng ân” của vị thiếu niên dũng tướng Hoài Văn Quốc Toản-một lần nữa, cho thấy sức cơ động chiến đấu rất cao, khi-đã có mặt và xung trận ở giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng.
– Trận “Chương Dương Độ”.
Trong thế trận đại phản công-thu phục kinh thành, vào cuối tháng 5-1285, triều đình kháng chiến nhà Trần đã cử Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải chỉ huy trận đại tập kích, đánh hạ căn cứ Chương Dương, tiến lên giải phóng kinh đô Thăng Long. Trong trận quan trọng này, tất cả các sử liệu đều thống nhất chép rõ: “Có mặt Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và đạo quân “Phá cường địch, báo hoàng ân” của vị thiếu niên dũng tướng.
– Trận sông Như Nguyệt.
Vào những ngày đầu tháng 6.1285, cánh đại quân Mông Nguyên xâm lược của chủ tướng Thoát Hoan, bị kích bật ra khỏi Thăng Long sau trận Chương Dương Độ, đã tìm đường tháo chạy về nước, theo đường sông và bến Như Nguyệt. Phải “xua” giặc dạt từ Như Nguyệt về Vạn Kiếp, chọn tìm đường tháo chạy về nước ở ngả ấy, và do đấy, bị “no đòn” ở “chiếc bẫy” Vạn Kiếp đã giăng sẵn.
Nhiệm vụ trọng đại này được giao cho Trần Quốc Toản và đạo “Tiệp binh” (quân cơ động tinh nhuệ)-như lời sử cũ chép-của vị thiếu niên dũng tướng. Và, với sức cơ động chiến đấu đã nhiều lần được chứng tỏ, đạo quân “Phá cường địch, báo hoàng ân” cùng với vị chủ tướng trẻ tuổi-vừa đánh xong trận Chương Dương Độ, tiến lên giải phóng Thăng Long-đã nhanh chóng di chuyển lên Như Nguyệt, kịp thời và vững chắc chốt chặn ngả đường toan tháo lui về nước của đại quân Nguyên Mông, xua dạt Thoát Hoan sang hướng Vạn Kiếp.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn, nhưng đã phải trả giá cho chiến công lừng lẫy bằng sự hy sinh tính mạng của vị chủ tướng trẻ tuổi: Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.
Không hiểu sao, tất cả các bộ sử chính thống cổ truyền của dân tộc lại không có câu nào nói về sự tích lớn lao này. Chỉ sau đấy, sau trận Như Nguyệt đầu tháng 6-1285, sử cũ cũng không có câu nào nhắc đến tên Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản nữa. Và như thế, gián tiếp mách bảo việc hy sinh của vị thiếu niên dũng tướng, anh hùng và công huân, là ở trận Như Nguyệt.
Bài viết liên quan: