Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Trong các tác phẩm của nhà thơ, nhà báo Tản Đà, lãng mạn thoát ly là khuynh hướng chủ yếu, ông dẫn dắt người đọc bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú toàn là mộng, nhưng rất thực.
Lãng mạn thoát ly
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Nguyên quán của ông ở làng Lủ – tức làng Kim Lũ, nay là phường Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội).
Trong văn xuôi Tản Đà, sự lãng mạn thoát ly là khuynh hướng chủ yếu. Chưa cần nhìn sâu vào nội dung tác phẩm, ta chỉ cần lướt qua các tên sách: “Giấc mộng con”, “Khối tình”, “Trần ai tri kỉ”, “Tản Đà nhàn tưởng”… đã thấy ông như một người đa tình triền miên trong tình và mộng.
Yếu tố thoát ly trong văn xuôi Tản Đà một phần dựa trên nhân sinh quan yếm thế Lão Trang, trên quan niệm “thế sự ngược đại mộng”. Nhưng trái hẳn với tiền nhân, ông không đem cái quan niệm ấy ra làm một quan niệm triết lý, một thuyết hẳn.
Ông là một nhà ngụy thuyết (unsophiste). Khi ông nói đời là một giấc mộng, ông còn nhìn thấy mảnh giấy, đầu bút và suy nghĩ sáng suốt chứ không đắm chìm trong cõi mộng. Dường như ông đang cố tưởng rằng ông vẫn ở trong mộng, luôn tự muốn đánh lừa trí tưởng tượng của mình, sau đó đem cái quan niệm kia ra phụng sự cho một vài chí hướng.
Vốn xuất thân trong hàng ngũ phong kiến đã đến ngày mạt vận, sinh hoạt gần gũi với tầng lớp tiểu tư sản thành thị, bản thân đứng ngoài các cuộc đấu tranh của dân tộc, lại gặp nhiều éo le, thất bại, nên tư tưởng trở nên tiêu cực thoát ly, điều đó không có gì là lạ.
Tản Đà quan niệm đời là bể khổ nên tìm cách trốn đời, tìm đến văn xuôi, mặc sức để cho ngòi bút của mình tung hoành trang giấy thả hồn mình tự do bày tỏ tình cảm, suy nghĩ chứ không gò bó bởi những quan niệm cũ của các nhà Nho xưa về văn xuôi phải chuẩn mực.
Chán kiếp phong trần, ông muốn bốc mình theo cánh chim bằng Trang Tử mỗi lần sải cánh lướt chín vạn dặm để đưa mình vào những cõi trời kỳ ảo, mông lung. Tản Đà có yếu tố thoát ly trong tư tưởng, nhưng căn bản ông vẫn là nhà Nho có chủ trương nhập thế, cho nên Tản Đà chưa đi tới chủ nghĩa lãng mạn thoát ly tư sản.
Nói cách khác, Tản Đà bị giằng xé giữa chán đời và gánh lấy trách nhiệm với đời, giữa tư tưởng thoát ly và tư tưởng nhập thế. Trước tiên, ông tìm đến rượu: “Việc trần ai, ai tỉnh ai lo, say túy lúy nhỏ to đều bất kể. Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế…” rồi kế đến rượu là thơ “Rượu say thơ lại khơi nguồn” (Ngày xuân thơ rượu).
Mộ nhà báo – thi sĩ Tản Đà tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Trần Hòa.
Thực trong mộng
Chỉ có gặp người tri kỉ Tản Đà mới thổ lộ, bộc bạch những nỗi niềm riêng, đưa người đọc nhập vào giấc mộng của ông, dẫn dắt người đọc bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú toàn là mộng nhưng rất thực.
Ông xây dựng được một “cõi đời mới” đặt trong tương quan với “cõi đời cũ”. Từ đó bộc lộ quan điểm của mình bằng những cuộc nói chuyện giữa viên thống trưởng và những người khách mới đến. Phải chăng “cõi đời mới” mà Nho sĩ Tản Đà đặt ra là ước mơ ông hằng ao ước về một xã hội tốt đẹp.
Đằng sau giấc mộng ấy là thái độ phủ nhận thực tại. Cuộc sống ở “cõi đời mới” sao mà công bằng và văn minh đến vậy. Con người có thể sống trong một xã hội dân chủ, một xã hội hoàn toàn trong sạch: “Không có thiên tai, không có địa biến, không có sự trộm cướp, không có sự án tù, không có kiện cáo, không có sự buôn bán danh lợi, không có câu thế thái nhân tình. Ngoài sự lo ăn, lo dùng chỉ chuyên chú suy cầu nhã tiến hóa” (Giấc mộng con – Tiêu diêu du).
Thoát ly vào thế giới mộng tưởng, thế giới thần tiên huyền ảo thực chất là để ông tự an ủi mình, để đi tìm những người tri âm, tri kỉ vốn hiếm hoi trong đời sống trần tục.
Không dừng lại ở những cuộc gặp gỡ với các người đẹp như Dương Quý Phi, Tây Thi, Chiêu Quân… ở chốn thiên đình mà ông còn tiếp xúc với những anh hùng hào kiệt, các danh nhân, các nhà hiền triết phương Đông lẫn phương Tây: Nguyễn Trãi, Hàn Thuyên, Khổng Tử…
Cao điểm ở chủ nghĩa lãng mạn thoát ly là ở “Giấc mộng con II”, Tản Đà ngang dọc thích thẳng lên trời, nhưng thực ra Tản Đà lên trời không để trốn đời, để vui thú hưởng lạc ở cõi thiên đình, mà để giãi bày tâm sự thầm kín mà chàng thanh niên Nguyễn Khắc Hiếu ở cõi trần “muốn nói nhưng không nói được” nên phải mượn chuyện mộng mị để nói chuyện đời.
Ông mộng. Đời ông là một giấc mộng lớn, trong giấc mộng lớn ông lại có những giấc mộng con, có giấc mộng con thứ nhất rồi lại giấc mộng con thứ hai, thứ ba, ông mộng rồi lại mộng. Dường như ông chỉ sống vì mộng mà thôi.
Ngay những dòng hồi kí tự truyện của ông ta thấy được không khí chung của đời sống xã hội, của tâm lý xã hội nhiều lớp người trong những năm đầu thế kỉ XX. Tản Đà không chỉ thoát lên tiên mà ông còn tìm đến với thiên nhiên như một người bạn để tiêu sầu, qua đó để thấy được những nét đẹp của quê hương, đất nước trong chuyến đi từ Bắc vào Hà Tĩnh, đến Huế sau đó vào Nam Kỳ… đằng sau đó là những tâm sự thầm kín của nhà văn.
Như khi kể lại chuyện cúng ba đồng bạc làm chòi cho bọn trẻ lấy củi tránh mưa, ông viết: “Cơn vui đồng chủng đồng bào, tưởng như ngư phủ – đào nguyên chưa hẳn có thú vui như thế vậy. Tan cuộc vui đó rồi đứng dậy từ biệt. Đầy thuyền tống tiễn con cháu Tiên Rồng, hả cho ai tấm lòng xã hội đã bao lâu, buồn cho ai vô trạng với quốc dân, chỉ đoái trông con cháu Rồng Tiên gió mưa trên mặt nước” [40.623].
Hoặc như khi viết về Thuận An: “Trước kia hai nghìn quân đóng giữ Thuận An, bây giờ một tên lính trấn hải. Thời đại suy đi, giang sơn biến cải, thiên công đa sự, nhân sự vô thường, người du quan và khách văn chương sao khỏi tình tự vấn vương vậy” [40.627] (Trích trong tác phẩm Giấc mộng lớn).
Trước đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng bất mãn, cũng thoát ly, trốn vào thiên nhiên làm bạn với trăng gió, cỏ cây nhưng tâm hồn ông hầu như đã đi vào chỗ thanh thản, tiêu sái. Tác phong đã có cái gì xa rời mọi thứ dục vọng nặng nề, mà gần cái “tiên phong đạo cốt” của kẻ thoát trần.
Tản Đà sống trong thời kì quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa chi phối mãnh liệt sinh hoạt của mọi người, chủ nghĩa cá nhân công khai bộc lộ, cho nên nội dung thoát ly của Tản Đà cũng in dấu vết thời đại nhuốm màu sắc vật chất chủ nghĩa.
ĐẶNG THỊ HOA
Báo Giáo Dục & Thời Đại
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: