Tôi đã đi suốt tập thơ với hai trăm bài, đầy đặn, chững chạc với một hệ thống đề tài, chủ đề phong phú, với cách biểu hiện đa dạng, nhưng ấn tượng nhất vẫn là nhân vật đàn bà, dẫu sự xuất hiện của họ không phải ở một tần suất quá cao. Tôi viết về người đàn bà trong thơ Vân Anh không phải bởi tác giả là đàn bà, mà bởi nhận thấy những phẩm chất đặc biệt của nhân vật đàn bà trong thơ chị.
Thêm nữa, nhân vật đàn bà vốn chẳng xa lạ gì trong văn Việt và trong thơ Việt: người đàn bà hóa đá trong đợi chờ tê buốt; người đàn bà trông con trong miền hoang hoải nhớ mong; người đàn bà băm bèo thái khoai trong sự nhẫn nhịn truyền kiếp; người đàn bà chấp nhận thân phận của chiếc giẻ chùi chân[1] trong nỗi cam chịu truyền đời; người đàn bà bị đè nghiến bởi tinh thần gia trưởng tục tĩu[2]… Tất cả, theo dòng lịch sử, đã tạo nên một kiểu đàn bà có lẽ chỉ có ở các dân tộc mà trật tự nam quyền trở thành một thứ vũ khí thống trị trăm năm, ngàn năm…
Những người đàn bà trước đây thường bước vào văn chương một cách tội nghiệp, khắc khoải và u buồn. Hình như chỉ đến thời hiện đại, đâu đó trong sáng tác của nhóm Tự Lực văn đoàn, sau nữa Y Ban, Nguyễn Huy Thiệp, Vi Thùy Linh và một số không hẳn nhiều, các tác giả khác, người đàn bà Việt mới gắng gỏi tìm cho mình một vị trí nào đó trong manh chiếu cuộc đời vốn chật chội, đông đúc và chủ yếu dành cho kẻ mạnh. Tôi không hiểu lắm về đàn bà. Và hình như chính điều đó khiến tôi có đôi chút ngạc nhiên khi tiếp xúc với họ trong thế giới nghệ thuật của Vân Anh.
Nhìn năm sinh của nhà thơ, người đọc có thể hiểu và dễ dàng thỏa thuận với tác giả về cách nhìn đàn bà truyền thống. Dĩ nhiên, bởi trừ trường hợp đặc biệt, còn nữa, đàn bà Việt ai mà chẳng trở thành mẹ, thành vợ với những nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý mà tội nghiệp. Người đàn bà trong thơ Vân Anh trước hết là người đàn bà truyền thống ấy, cao cả trong tình yêu thương, đức hy sinh, cao cả trong cả sự cam chịu và thiệt thòi. Đấy là những người mẹ, như mẹ tôi, như mẹ bất cứ ai trong cõi Việt này: tảo tần khuya sớm, yêu thương một cách vô điều kiện, vui sướng vì sự sướng vui của kẻ khác trong khổ hạnh chính mình:
“Sau mỗi lần trái tim bị cào xước
Mẹ nhẫn nại giúp con liền sẹo…”
Những vần thơ viết về mẹ như thế không nhiều trong thơ Vân Anh. Mà nhiều để làm gì, khi bao nhiêu người đã viết để vừa khóc than vừa ca tụng nỗi khổ của mẹ. Điều đặc biệt là hình như Vân Anh không nói về mẹ ở những đói nghèo, hi sinh về vật chất; hình như Vân Anh không, hoặc ít nói về câu chuyện áo cơm. Thơ Vân Anh chỉ chia sẻ với mẹ những nỗi niềm ứa ra từ nơi thẳm sâu của chia sẻ mẹ con rất đỗi đàn bà.
Tôi nghĩ có nhiều người hiểu về đàn bà. Nhất là các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tâm lý phụ nữ. Nhưng mấy thứ đó chỉ có ý nghĩa xã hội, với cái nhìn lí trí nhiều khi đến vô cảm. Hiểu về đàn bà của Vân Anh là cái hiểu của người trong cuộc, cái hiểu của người vắt, không phải óc, mà là tim mình ra để hiểu. Thơ văn truyền thống thường tụng ca phẩm hạnh đàn bà. Vân Anh không chỉ tụng ca phẩm hạnh. Nữ sĩ quan tâm nhiều hơn đến phẩm tính đàn bà. Đó là những người thật sâu sắc, thật mạnh mẽ. Xin mở ngoặc là tôi phần nào đó thấy nhà thơ Tùng Bách đã đúng khi nói về sự “bạo hành” rất đàn bà trong thơ Vân Anh:
“Là nước
Đàn bà đẩy
con thuyền công danh đàn ông
sang bờ bên kia… khát vọng
Là nước
Đàn bà nhấn
con thuyền công danh đàn ông
chìm dưới đáy đại dương… tuyệt vọng”.
(Đàn bà)
Mấy câu thơ khá “lộ thiên”, không mấy ẩn ý nếu nhìn vào chữ. Nhưng nhìn vào cách ngắt câu, cái cách nhà thơ để chữ “đẩy” và chữ “nhấn” cuối dòng, người đọc có thể thấy bao nhiêu quyết liệt trong sự khẳng định một cách thẳng thắn, không hề do dự, không hề khoan nhượng. Xin nói rằng, quyết liệt, thẳng thắn trong sự cởi mở nhiều khi đến cực đoan, hình như là một nét rất cơ bản làm nên phong cách thơ Vân Anh.
Tất nhiên, đấy chỉ là cái phần mà hình như nữ sĩ đang gồng mình lên để khẳng định vị thế đàn bà trong một đời sống mà tinh thần gia trưởng đè nặng lên đôi vai mềm giới tính. Ở một miền khác, thẳm sâu hơn, thơ Vân Anh là tiếng nói sẻ chia trong sự ngậm ngùi về nỗi bất hạnh của giới: đàn bà xưa nay thế, nhẹ dạ, cả tin, đầy âu lo, ngộ nhận và lầm lạc. Sau những lầm lạc ấy, họ cũng chỉ đành chia sẻ với người đàn bà thân thiết nhất cuộc đời họ cũng là người đàn bà mà họ sẽ là. Chị viết trong bài Nhớ mẹ:
“Mẹ ơi!
Con bơi qua ba mươi sáu bến sông
mỗi lần trái tim đàn bà bị xé rách
Mẹ xốc nách
Về thôi! Mẹ giúp con liền sẹo
Sẹo chằng chịt như đậu mùa biến chứng
Vết tích ngu ngơ
Mẹ dạy con chín mươi chín điều hay
Điều thứ một trăm không dạy nổi
Trái tim đàn bà
hễ đi là… lạc lối”.
Cái “dại” của người đàn bà trong thơ Vân Anh là cái “dại” cả khát vọng dâng hiến, dâng hiến đến tận mình. Đôi khi sự hiến dâng chỉ mang một dáng vẻ đơn sơ:
“Chẳng bao giờ có được đâu anh
Em vẫn khát một ngày thứ Bảy
Sánh vai nhau giữa phố phường tung tẩy
Đi chợ sắm sanh cho bữa cơm chiều.
Giản đơn thôi, một bát canh riêu
Ăn với mấy quả cà nén kỹ
Món cá kho khô, anh thường ưng ý
Em tự làm ra, tra mặn ngọt vừa ngon”.
(Khát)
Ở trên tôi có nói rằng truyền thống văn chương Việt, nhất là thơ, thường viết về người đàn bà trong tương quan với các mối quan hệ xã hội và đánh giá họ trên tiêu chí của các giá trị đạo đức. Sau năm 1975, đặc biệt sau 1986, sự trở về với con người khiến một số tác phẩm văn chương tìm đến với cách đặt người đàn bà trong mối quan hệ với chính họ. Bên cạnh người đàn bà khổ đau mà cao cả, người đọc dần thấy xuất hiện, ngày càng nhiều, những người đàn bà khao khát được sống là mình, được là chính mình với giấc mơ giải phóng năng lực, năng lượng, kể cả là người đàn bà của chiến tranh hay của đời thường. Nguyễn Minh Châu đã từng viết những trang êm lắng và da diết về nỗi bất hạnh đàn bà trong Lá thư vui – một truyện ngắn trữ tình viết trước 1975. Tuy nhiên ở đây con người bản năng vẫn chưa được nhắc đến. Hình như con người ấy về sau xuất hiện một cách bạo liệt trong Đùa của tạo hóa (Phạm Hoa). Người đàn bà của đời thường theo tiếng gọi bản năng xuất hiện nhiều trong thơ, chẳng hạn của Vi Thùy Linh, và lừng lững trong I am đàn bà của Y Ban.
Người đàn bà trong thơ Vân Anh cũng mang khát vọng bản năng mạnh mẽ, quyết liệt. Vâng, chiến tranh mang đến đau khổ cho biết bao người, nhưng người đau khổ nhất chắc chắn là đàn bà. Người Việt, trong lịch sử đau khổ của mình, đi hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, chăng mấy khi mà “cây súng rời vai”[3], người đàn bà theo đó mà trở thành những nạn nhân bi thảm nhất. Sau những tràng vỗ tay, sau những tấm huân chương, họ lặng lẽ trở về với những đớn đau lặng lẽ của mình. Có lẽ không ở đâu như ở đất nước này, sự đợi chờ của đàn bà đã găm khắc vào sông núi: mẹ trông con ra ngồi cầu Ái Tử, gái chờ chồng lên đứng núi vọng phu! Người đàn bà góa trong bài Xứ Nghệ, mặc dù ý thơ không nói rõ, nhưng tôi dám chắc chính là nạn nhân của chiến tranh, hoặc ít nhất là từ một khái quát về người đàn bà cô đơn trong và sau chiến tranh:
“Những người đàn bà góa
Cô đơn thiêu đốt thịt da
đổ lúa ra xay
đổ trấu ra xay
Xay cạn đêm…
Cháy dọc mùa đông
trằn trọc lửa củi sim
Sưởi ấm giấc mơ người đàn ông lực điền”.
(Xứ Nghệ)
Và đây chính xác là người đàn bà của chiến tranh:
“Này sợi khát khao…
Chăng dài đêm đông
Này sợi nhớ…
Căng cả bốn mùa”.
(Đàn bà và chiến tranh)
Đoạn thơ trên nói về bản năng đàn bà, một cách mạch lạc, da diết, không ngượng ngùng, không ra vẻ đạo đức. Đòi quyền sống đàn bà, hình như, với Vân Anh, nhân bản mới là thứ đạo đức tối thượng. Có những câu, đoạn thể hiện một cách mãnh liệt và thẳng tưng thứ khát vọng bản năng:
“Cồn cào trong tâm khảm
Cơn khát tự hoang sơ
Như sóng vỗ tràn bờ
Giao hoan cùng cát trắng”.
Ý thức nhân bản này khiến trong thơ Vân Anh xuất hiện không ít những đoạn, những lần miêu tả vẻ đẹp thân xác đàn bà trong tính phồn thực của họ:
“Nơi ấy
Người đã đợi
Mà ta không tới
Lành lặn áo đồng trinh
Căng mẩy
MỘT MIỀN XƯA”.
(Màu kỷ niệm)
Có khi Vân Anh chia sẻ với những người không được sống là mình:
“Chùa Giải oan
Sao phấn son cõi tục vương?
Cầu kinh mòn canh
Gõ mõ lõm đêm
Thít chặt khát thèm
Hổn hển sau mấy lần áo vải”.
(Viết trước chùa Giải oan)
Thói đời người ta thường gặp nhau, tìm nhau ở tiếng nói tri âm. Chính từ mặc cảm đàn bà của mình, Vân Anh hay tìm đến và sẻ chia với những người đàn bà đau khổ xa xưa, nhất là những người có tài năng, có cá tính mạnh, và khát vọng bứt phá, trong đó Hồ Xuân Hương là hiện tượng nổi bật. Sự sẻ chia ấy mang đến cảm thức u buồn của thời gian, theo thời gian, mang đến ý niệm vĩnh cửu một nỗi buồn mang tên đàn bà.
Đọc thơ Vân Anh, tóm lại, có thể hình dung chị đã được sinh hạ và nuôi dạy bởi một người mẹ khổ hạnh, gia giáo và nhân hậu. Tôi lại không hiểu nốt về đời riêng của nữ sĩ, nhưng bằng linh cảm của một người đọc, tôi tin rằng chị cũng đã từng là người mẹ khổ hạnh, cũng là người mẹ đã dồn hết mọi yêu thương cho con mình, bằng trái tim thi sĩ.
LÊ THANH NGA
Tạp chí Sông Lam
Bài viết liên quan: