Tôi nể phục Hoàng Nhuận Cầm là một người lao động. Đọc và viết, viết và đọc… không ngừng. Làm việc đến kiệt lực. Tâm hồn anh là một tấm pha lê trong suốt, không có gì ngoài tình yêu Tổ quốc và thơ ca. Và thơ ca cũng là Tổ quốc của Cầm…
Tôi nhận được tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đột ngột qua đời vì bệnh phổi vào ngày 20.4.2021. Chỉ mươi ngày nữa là đến 30.4, Hoàng Nhuận Cầm đã không còn dự được 46 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Minh Châu, một ca sĩ trẻ bỗng bật khóc và hát một ca khúc phổ thơ Cầm: “Hò hẹn mãi, cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi”... Bây giờ thì rơi thật rồi, rơi cả rồi! “Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó/ Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi!”
Bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên đã thuộc lòng những bài thơ “Chiếc lá đầu tiên”, “Phương ấy”… trong trẻo của Cầm, lại đồng cảm với những nỗi đau sâu, những hẹn hò day dứt…
Họ Hoàng của Hoàng Nhuận Cầm vốn gốc làng Đông Ngạc, trước đây thuộc huyện Từ Liêm nay thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đông Ngạc tức làng Vẽ. Dân gian có câu “Giò Chèm, nem Vẽ”; “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Họ Hoàng, họ Phạm, họ Phan, họ Nguyễn, họ Đỗ… làng này vốn có truyền thống khoa bảng, họ nào cũng sinh ra những danh nhân lớn cho đất nước.
Ông nội của Hoàng Nhuận Cầm là một nhạc sĩ, một võ sĩ quyền anh có hạng, từng là Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Bắc Kỳ. Bố của Hoàng Nhuận Cầm là nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của những ca khúc mỹ lệ và đằm thắm như Mơ hoa, Ngày về, Lỡ cung đàn…
Tôi nể phục Hoàng Nhuận Cầm là một người lao động. Đọc và viết, viết và đọc… không ngừng. Làm việc đến kiệt lực. Tâm hồn anh là một tấm pha lê trong suốt, không có gì ngoài tình yêu Tổ quốc và thơ ca. Và thơ ca cũng là Tổ quốc của Cầm. Tôi cho rằng, trong thời kỳ hiện đại, đây là một người Hà Nội nhất trong thơ, Hà Nội trong sự cao sang trong trẻo, như mặt nước Hồ Gươm chưa vấy đục bao giờ. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo thì gọi Cầm là “một thi sĩ cổ xưa nhất còn lại”.
Hoàng Nhuận Cầm sống hồn nhiên, tình nghĩa. Anh yêu bạn, ai nhờ cái gì anh cũng hết lòng. Với tôi, anh thuộc thơ tôi hơn cả chính tôi.
Với gia đình, Hoàng Nhuận Cầm là người cực kỳ hiếu thảo. Có được món quà gì, phần thưởng gì, cũng đem về Hàng Bạc cho bố mẹ và chia sẻ với các em. Hoàng Nhuận Cầm yêu con với tình yêu thiên thần: Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/ Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn, cha đã nuốt thay con… Nhớ lại những câu thơ này, khiến tôi nhớ tới Thư và các con trai của anh, những đứa trẻ lớn lên trong những ngày cực kỳ khó khăn về cơm áo, sớm mang những nỗi buồn trĩu nặng của đời. Các cháu vẫn lớn lên, vẫn thiên thần nhờ tình yêu bất khả ngữ ấy của cha.
Hoàng Nhuận Cầm vốn là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp khóa 15. Năm 1971, anh nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973, anh đoạt giải Nhất, với những bài thơ nóng hổi khói bom nhưng vẫn tươi mát một tâm hồn Hà Nội.
Về học lại khóa 21, vào năm cuối, chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra. Anh lên biên giới và có một bài thơ nổi tiếng “Tôi không thể nào mang về cho em”
Tôi không thể nào mang về cho em/ Trên những đồi biên cương chảy máu/ Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu/ Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An.// Thương yêu quá! Việt Nam/ Lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ/ Con đứa lên rừng, đứa lần xuống bể/ Ngày đất trời vỡ trứng Âu Cơ…
Thơ chiến tranh của Hoàng Nhuận Cầm vừa cụ thể, vừa khái quát, không lên gân mà làm cho người lính nào cũng thêm nhớ, thêm yêu đất nước mình, từ tiếng gà xóm mẹ đến khúc hát ầu ơ… Và từ những sợi tình rung ngân ấy mà căng thêm viên đạn hướng về phía quân thù.
Hoàng Nhuận Cầm là người mà tài năng bộc lộ trên nhiều lĩnh vực, rõ nhất là thơ ca và điện ảnh. Anh cũng là cây bút có phong cách trong phê bình.
Tôi yêu thơ tuổi hoa, thơ viết về tình yêu, về thân phận của Hoàng Nhuận Cầm. Có lẽ đó là mảng thơ đặc sắc nhất của nhà thơ này. Và nếu như một nhà thơ có ảnh hưởng, có thể tạo thành một trường phái được gọi là nhà thơ lớn, thì trước đây, tôi đã gọi Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ lớn, một nhà thơ Hà Nội đặc. Những vấn đề anh đưa ra càng ngày càng có tầm vóc, muôn thuở.
Cách đây vài chục năm, Hoàng Nhuận Cầm có viết về cái chết, không phải tiên tri, không phải dự báo cho riêng mình, nhưng đã chạm đến nỗi cô đơn khủng khiếp của con người, cái đáng sợ của cõi tạm:
Một mai chết thật hao gầy/ Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/ Một mai chết hết tội tình/ Một mình mình hát, một mình mình nghe/ Một mai đi chẳng trở về/ Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu…
Hoàng Nhuận Cầm từng nói: Thơ hay phải “tự sát”. Tôi thấy anh từng đốt câu thơ cũ, vinh quang cũ của mình để tìm đến cái mới, đến những câu thơ viết đợi mặt trời: Mùa xuân ấy, dưới màu hoa rất đỏ/ Anh xếp ba lô lặng lẽ đốt thơ mình; Tôi đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên, dù chua xót một lần thôi…
Bài thơ mới nhất tôi được nghe anh đọc là viết về nỗi buồn. Đó là bài “Tôi có đủ nỗi buồn để sống”. Ở đây, chất Hà Nội trong thơ anh vẫn nguyên vẹn nhưng lại có thêm chất của một người rất kinh lịch, rất hiền triết. Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng nay ra ngồi mép sông Hồng/ Bãi ngô non vẫn còn nguyên vẹn đó/ Ai biết mình vừa mất mát gì không (…)Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn…”.
Hoàng Nhuận Cầm đi. Tôi lại hướng lòng mình về phía sông Hồng. Mênh mông quá nỗi buồn. Lại nhớ mình đã từng viết cho anh trong một đêm rất lâu rồi khi hai đứa đi tìm bạn, tìm thơ trên nhiều con phố cổ Hà Nội: Sông suối ngàn năm ra tới biển/ Tao mày róc rách ở đâu đây….
Cuồn cuộn thời gian, cuồn cuộn mây nước bây giờ đã là cõi của Hoàng Nhuận Cầm.
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Báo Quân Đội Nhân Dân 21.4.202
Bài viết liên quan: