Cái đẹp hủy diệt của Mishima Yukio

Một ngày của năm 1950, cả nước Nhật bàng hoàng vì sự kiện một chú tiểu phóng hỏa đốt cháy tòa Kim Các Tự – di sản hơn 500 tuổi ở Kyoto. Sáu năm sau, Mishima Yukio đã thu thập tài liệu liên quan đến vụ việc, và viết nên tiểu thuyết “Kim Các Tự“.

Ông lý giải hành động đốt chùa là hành động của kẻ yêu cái đẹp – một tình yêu cực đoan đến mức hủy diệt. Kim Các Tự trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Mishima Yukio – nhà văn đương đại Nhật Bản, từng hai lần được đề cử Nobel Văn chương. Tác phẩm cũng từng được trao giải Văn học Yomiuri năm 1956.

Kim Các Tự – tòa kiến trúc ba tầng với “hai tầng trên dát vàng rực rỡ, nằm trong khuôn viên chùa Lộc Uyển” xuất hiện ngay từ dòng đầu tiên của cuốn sách. Ấn tượng ấy ở lại trong xuyên suốt ký ức của Mizoguchi – cậu bé được sinh ra và lớn lên ở phía đông bắc Maizuru (Nhật Bản). Đó là khi cậu nghe cha kể về vẻ đẹp diễm lệ của Kim Các Tự, trong hình dung của cậu như là một vẻ đẹp tuyệt đỉnh, bất biến.

iểu thuyết Kim Các Tự

Cho đến một ngày, cậu chính thức trở thành tiểu tăng của Kim Các Tự, được tận mắt nhìn ngắm báu vật trong tâm tưởng, nhưng vẻ đẹp trong đời thực của tòa Kim Các Tự chừng như đã khiến cậu thất vọng. Một tiểu tăng với tinh thần bất định, luôn tự ti vì tật nói lắp và luôn cảm thấy cô độc với những ý nghĩ của chính mình. Cái đẹp mà cậu nuôi dưỡng, cảm nhận về Kim Các Tự không thể giãi bày, chia sẻ cùng ai. Thực tế trước mắt và những gì phải trải qua trở thành ẩn ức khiến cậu nghĩ rằng, mình phải đốt cháy Kim Các Tự. Vẻ đẹp ấy chỉ nên tồn tại trong tâm tưởng, trong hình dung về cái đẹp vĩnh cữu.

Nhà văn Mishima Yukio dựng lại tòa Kim Các Tự đã bị đốt cháy bằng vẻ đẹp duy mỹ của ngôn từ. Ông miêu tả từng chi tiết kiến trúc, tái hiện trước người đọc hình ảnh di sản đã mất của Kyoto đầy vẻ diễm lệ, lấp lánh vô song. “Khói cuồn cuộn và lửa đang bốc lên trời. Hằng hà sa số tàn lửa bay chen giữa cây cối, và bầu trời phía Kim Các như được rải vàng kim” – khoảnh khắc Kim Các Tự hóa thành tàn tro và chú tiểu Mizoguchi ngồi trên đồi cao nhìn ngắm như một khoái cảm của hủy diệt và tồn tại.

Nhà văn Mishima Yukio

Cái đẹp trường cửu chính là cái đẹp đã bị hủy diệt – là một tư tưởng có phần cực đoan. Đây cũng là điểm gây tranh luận về tác phẩm của Mishima Yukio và cũng là triết lý làm nên giá trị trong tác phẩm của ông. Kim Các Tự là câu chuyện về cái đẹp, đồng thời cũng là câu chuyện về ẩn ức tâm lý của con người. Bối cảnh truyện diễn ra vào thời điểm cuộc chiến Thái Bình Dương nổ ra, Nhật Bản bị tấn công bởi không quân Mỹ… Ngôi chùa đã không bị bom đạn tàn phá, mà là do con người. Cái đẹp kiến tạo hay hủy diệt, đều do con người.

Một câu chuyện chứa đựng triết lý về thiền học, triết học, Phật học. Và toàn bộ tiến trình của đời sống đều là vẻ đẹp duy mỹ trong trang viết của Mishima Yukio. Cách ông miêu tả một cái chết, một đám tang, một nỗi thất vọng… cũng mang một vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ thường. Cái kết cho cuộc đời nhà văn cũng lạ thường như những trang văn của ông.

Nhà văn Mishima Yukio từng viết các tác phẩm Khát vọng yêu đương (năm 1950), Tiếng triều dâng (năm 1954, giải thưởng Văn học Shinchosha, đã xuất bản tại Việt Nam)… Sau khi hoàn thành bản thảo Năm tướng suy của người trời (tập thứ 4 trong tác phẩm trường thiên Biển phì nhiêu, 1970), nhà văn đã tự sát…

CẦM THI/PNO

Trích nguồn: Vanvn.vn