Nhà văn Phạm Thanh Khương vốn là sĩ quan Biên phòng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Biên phòng. Ông sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông tốt nghiệp Học viện Biên phòng và đến với văn chương từ các cuộc thi, trong đó, ông đã nhận được 18 giải thưởng khác nhau tại các cuộc thi sáng tạo tác phẩm văn học. Ông có lối viết văn chân thực, nhưng đầy triết lý và ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống đời thường.
Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện ĐÒ CÔI của ông in trong ấn phẩm Đường văn tập 3 (3/2024).
Tìm cha xuôi nước, tìm mẹ ngược dòng
(Khẩu ngữ làng chài)
1. Sau bao nhiêu lần chuyển tuyến rồi đi xe ôm, quá trưa, Hoài tìm đến được bến Tiêu Dương. Kéo đầu chiếc khăn vấn xủ dưới cằm, thấm mồ hôi, Hoài rón rén men theo lối lên xuống bến. Mấy bậc đất ai đó cuốc làm lối lên xuống, sau trận mưa rào, nước chảy xói lở rồi đất cát, rều rác đọng lại gần như đã xóa hết. Lối lên xuống trông không khác gì lối trâu kéo gỗ. Những túi thức ăn ném cạnh lối lên xuống bốc mùi khăn khẳm. Từ túi rác, những rỉ nước chảy ra nhày nhụa, nhớp nháp. Thấy động, lũ ruồi nhặng bay lên ao ao. Hoài cảm giác nước từ chỗ túi rác vướng trên cánh, khi chúng bay, văng cả vào mặt.
Hoài đưa mắt nhìn quanh một lượt. Giữa sông, cồn nổi chia dòng Cả làm hai. Dòng bờ tả, sậm màu sa, những chiếc sà lan chở cát, nước ngập mấp mé mạn, chỉ còn gờ be nhô lên. Hoài có cảm tưởng, chỉ cần một con sóng to có thể nhấn chìm chiếc sà lan xuống đáy sông. Phía sau những chiếc sà lan, khói đen đặc phả ra, gió làm tan loãng phủ trên mặt sóng một lớp bụi khói đen sì. Mùi dầu cháy phả sang tận chỗ Hoài đứng khen khét, nghèn nghẹn đến tức thở. Dòng phía bờ hữu, chỗ Hoài đứng, phù sa đọng lại, lòng sông cạn, chỉ một màu xanh của bèo sen. Những bông hoa bèo sen tim tím điểm trên dải màu xanh trông như vết ố, loang lổ. Chỗ Hoài đứng, thẳng với mom đất của cồn nổi, nước sông có màu nhờ nhợ nâu. Chỗ đất dưới chân, hình như có ai đó vừa lật đám cỏ chỉ, vén gọn lại, lật lên, nhìn rõ lớp rễ đan vào nhau, bện thành búi. Cây bời lời mép bến, những bông hoa nhỏ hình cầu, nép kẽ lá, như chén mắt trâu, đỏ sậm lẩn sau sắc lá nhờ nhờ xanh. Những chiếc lá bời lời hình trái tim nhưng một phần ba phía dưới, có một vết răng cưa, thắt lại, trông không khác gì quả bóng bay hình trái tim bị lấy dây thắt ngẫng. Dưới tán lá cây bời lời xòa xuống mặt sông, chiếc nhà thuyền chài chung chiêng khi có con sóng vỗ vào.
– Bác chài ơi!
Hoài cất tiếng gọi. Đáp lại tiếng Hoài, mấy chiếc lá bời lời vàng bị gió từ phía sông ùa đến, rứt khỏi cành, ném xuống mặt nước. Cuống lá rơi thẳng mặt nước, không để lại một tiếng động, chúng chỉ đủ tạo nên một vòng sóng rất nhỏ rồi biến mất.
Minh họa Internet
– Bác chài ơi!
Lần này có tiếng lục cục trong nhà thuyền. Một người đàn ông vâm vức, ngực nở để trần, mặc chiếc quần đùi, lom khom chui từ nhà thuyền ra, đưa tay dụi dụi mắt, dường như còn ngái ngủ.
– Tôi đây – Người đàn ông cất tiếng, giọng trầm, ầm ì như tiếng sóng.
– Bác… Hoài phát hiện ra người đàn ông chỉ trạc tuổi ngoài ba mươi vội đổi cách xưng hô.
– À, anh cho em hỏi. Đây có phải là bến Tiêu Dương không?
– Phải rồi. Chị hỏi có việc gì – Giọng người đàn ông lúc này xem ra có vẻ tỉnh táo hơn, ngữ âm cũng nhẹ hơn.
– Anh có phải là người chạy đò dọc không ạ?
– Phải rồi. Tôi đây. Thế chị muốn đi à?
– Dạ. Vâng… À mà…
Nhìn vào trong lòng thuyền, Hoài thấy trên đó không có khách, chỉ có người đàn ông vừa chui ra từ trong đó, bất giác cô thấy nghi ngại. Thân gái một mình, trên thuyền lênh đênh sông nước, liệu có chuyện gì xảy ra hay không? Dường như đoán biết suy nghĩ của Hoài, người đàn ông cất lời, giọng có vẻ khó chịu.
– Cô ngại một mình chứ gì? Nếu ngại thì thôi. Không phải đi đâu. Trời này mưa gió lúc nào không biết. Cỏ gà trắng hết cả đầu rồi đấy. Tôi cũng chả thiết đi.
Nói rồi, người đàn ông dợm bước, quay người, hơi khom xuống định chui vào nhà thuyền.
– Ấy. Không anh ơi. Chẳng qua là …. Anh có đi không ạ?
Người đàn ông quay lại nhìn Hoài một thoáng, giọng nhấm nhẳn.
– Tôi không đi thì đậu thuyền đây làm gì? Cô có đi thì xuống. Còn không, cô cứ ngồi đấy chờ, có thêm khách thì cùng đi.
– Không, không. Anh ơi. Em đi mà.
Người đàn ông, tháo dây buộc chỗ cành cây bời lời, túm lấy một cành xòa phía bến, kéo tay, chiếc thuyền ép sát mũi vào chỗ chân Hoài. Người đàn ông lên bờ, khom người lấy tay giữ cọc chèo ghìm cho thuyền đứng yên.
– Cô lên đi. Bước chậm thôi.
Hoài bước lên, chiếc thuyền hơi nghiêng, cô vội tựa vào thành cửa nhà thuyền. Người đàn ông đẩy thuyền ra khỏi bến, nhún chân nhảy lên theo, chui qua gian nhà vòm về phía cuối thuyền. Người đàn ông, đưa tay, gỡ hai mái chèo gác trên mái, hạ xuống, khoắng thật mạnh vào mặt sông. Tiếng mái chèo khoắng nước nghe roạp, tạo nên vòng xoáy trên mặt nước. Chiếc thuyền nghếch đầu, ngoẹo mũi hướng ra phía giữa dòng.
– Cô bỏ cái túi vào trong lòng thuyền. Trên này, không ai cướp hay lấy của cô đâu.
Nghe người đàn ông nhắc, Hoài mới nhớ. Chiếc túi xách từ khi lên thuyền đến giờ, Hoài vẫn ngoắc trên vai.
Bỏ chiếc túi vào trong lòng khoang, Hoài đưa mắt nhìn xuống dòng sông rồi hai bên bờ. Đang mùa mưa, dòng Cả sậm màu gạch cua. Dòng nước sẽ đưa những hạt phù sa này về phía cửa biển. Từ những hạt sa nhỏ bé, cần mẫn trôi rồi tụ lại, bồi đắp, lấn dần ra biển mỗi năm mấy chục mét. Hai bên bờ, những ngôi nhà tạm, mái lợp tôn han gỉ, loang lổ nằm trên mấy cái cột bằng bê tông trông lêu ngêu như tổ chuồng chim bồ câu. Thi thoảng xen giữa những ngôi nhà, đám cỏ lau, phần dưới gốc, lá đã già, úa vàng, rũ xuống, chỉ có mấy chiếc lá giáp cuống hoa trông còn xanh xanh.
Rời khỏi bến được một quãng, chiếc thuyền bỏ dòng chảy giữa sông, men bên bờ hữu thả trôi về dưới hạ lưu. Những lọn gió mát rượi, thoa lên mặt, lên mắt, lên má, luồn vào trong áo. Hoài đưa hai tay giang ngang, hít một hơi thật sâu. Cô cảm thấy sảng khoái, người nhẹ bẫng như đang bập bềnh trôi. Thuyền xuôi gió, xuôi dòng, nhẹ nhàng lướt đi. Hoài nghe rõ tiếng sóng trườn bên mạn thuyền lép tép, lép tép. Tiếng dây chèo xoắn lại kèn kẹt mỗi khi mái chèo đẩy về phía sau.
Hoài đưa mắt nhìn xa về phía trước. Dòng Cả càng về cuối nguồn ngày càng mở ra, những ngôi nhà chân cao cắm vào mặt sông như cái chuồng chim bồ câu cũng không còn. Bây giờ, hai bên bờ chỉ còn một màu xanh ngằn ngặt của bãi chuối, bãi dâu, bãi ngô, bãi mía. Thỉnh thoảng, từ trong bãi mía, có đôi ba con chim nhỏ giật mình bay vụt lên kêu líu ríu rồi lại sà xuống. Những con sóng giờ cũng không còn gợn cao nhìn thấy rõ nữa mà chỉ lăn tăn chạy chạy phía trước. Ánh nắng phủ lên trên mặt sông màu vàng vàng óng ánh.
Liệu đi dọc sông này có tìm được bố như mẹ nói không? Lời mẹ nói lại văng vẳng trong đầu Hoài. Cô nhắm mắt, tưởng tượng ra cảnh lúc tìm được bố.
2. Hoài cứ ngồi như thế trên mũi, cô cảm nhận thấy trong gió, có mùi thơm dìu dịu của bãi ngô, bãi dâu lẫn trong hương lúa nhè nhẹ phía trong triền đê tràn ra. Hoài ngồi đến khi nhìn thấy bóng con thuyền trôi trên mặt nước. Gió mỗi lúc mạnh hơn, bên sườn thuyền, tiếng sóng vỗ mạn soàm soạp.
– Cô ngồi dịch vào trong chút.
Người đàn ông từ phía sau đi lên. Bây giờ Hoài đã thấy mặc bộ áo cánh nâu, có hai cái túi gần gấu, phía vạt áo trước. Chiếc quần nâu ống què, gấu vê lại cho bó sát vào cổ chân. Người đàn ông rút bên cạnh thuyền một đoạn cây, cắm vào cái lỗ tròn giữa khoang mũi, ngay trước cửa gian nhà, tháo mấy cái dây buộc cho miếng vải bung ra bằng nửa chiếu đôi. Cầm đầu dây, người đàn ông trèo lên mái đi về phía sau, kéo. Miếng vải căng ra, gió thổi vào, phần giữa tấm vải phồng về phía trước. Lần đầu tiên Hoài mới thấy chiếc buồm nhỏ đến thế, khác đến thế và đơn giản đến thế. Chiếc buồm chỉ là tấm vải hình chữ nhật, hai đầu luồn hai thanh tre, treo lên đầu chiếc cột có mấy sợi dây gắn bốn góc. Nhìn chiếc buồm, bỗng Hoài thấy vui vui. Hoài liên tưởng đến hình ảnh minh họa thuở hồng hoang ông cha đi mở cõi. Có khác chăng không có hình ảnh một vị tướng, mặc giáp, áo bào bay phía sau, tay chống sườn, tay nắm đốc kiếm. Hoài thấy lòng nhẹ nhõm, thật thanh thản.
– Anh ơi. Anh tên là gì ạ – Hoài quay người, hai tay khoanh trên mái vòm nứa, tựa hẳn vào nhà thuyền, nhìn về cuối, chỗ người đàn ông đứng, một chân đặt lên đoạn gỗ làm cần lái.
– Cô cứ gọi tôi là Vớt.
Hoài nghe không rõ, hỏi lại.
– Anh tên là Vớt ạ
– Đúng rồi. Vớt. Vớt củi, vớt bèo, vớt cá, vớt ruốc ấy. Nhưng đây là vớt người.
– Thế ạ – Hoài nghe tên Vớt thấy là lạ, vui vui, cười nhẹ. Hoài pha trò.
– Dạ. Em tên là Hoài. Kiểu hoài phí, hoài của, hoài công ấy ạ.
– Tôi rõ rồi. Thế cô cần làm việc gì gấp hay sao mà đi vội thế?
– Sao anh biết em đang đi tìm gì ạ? Hoài rất ngạc nhiên vì người đàn ông lại biết được ý muốn của mình trong chuyến đi.
– Có gì đâu. Nếu đi du lịch, sẽ phải đi ít nhất đôi ba người. Và khi đi, họ mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống. Đằng này, cô đi một mình, chỉ có mỗi cái túi đeo vai. Nhìn dáng cô lúc ở bến, mồ hôi mồ kê nhỏ thành dòng trên mặt. Nếu không đi làm gấp chuyện gì đó thì sao phải vội vã thế.
– Em…
Thấy người đàn ông bắt đúng thóp, Hoài định kể lại điều cô muốn tìm. Biết đâu, người đàn ông biết chuyện thì sao. Từ ngày cô được sinh ra, đã bao lần cô hỏi mẹ về bố. Lần nào cô hỏi mẹ cũng đánh trống lảng sang chuyện khác hoặc im lặng. Suốt những năm tháng tuổi thơ, trong giấc ngủ cô cũng chỉ mơ được gặp bố mà ngay từ khi sinh ra đã không biết mặt. Những người xóm bãi mom sông chỉ nói với cô. Ngày đó, vào một đêm tối trời, mưa gió, mấy người soi ếch thấy người đàn bà bụng chửa vượt mặt lầm lũi đi ra bờ sông. Đến bên bờ sông, người đàn bà ngồi giữa mưa gió, chiếc nón cũ úp sụp lấy mặt. Rồi người đàn bà đó đi lên mỏm đất nhô ra phía sông định gieo mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Mấy người soi ếch kịp giữ lại, đưa về trong xóm. Ngay đêm ấy, người đàn bà đó sinh ra một bé gái, chính là cô. Các gia đình xóm bãi đều nghèo, ai có gì giúp nấy, ai có sao cho vậy, mẹ con cô sống qua từng ngày.
Để mẹ con người đàn bà ấy có chỗ chui ra rúc vào, xóm lại dựng cho túp lều góc bãi sông. Đất bãi hoang hóa nhiều, người đàn bà ấy được người trong xóm giúp cho giống ngô, dây khoai. Cứ thế mẹ con người đàn bà ấy lần hồi nuôi nhau qua từng ngày. Qua thời gian, mẹ con người đàn bà ấy trở thành thành viên của xóm bãi. Dân xóm bãi thấy người đàn bà ấy rất thành thạo việc sông nước. Vào những ngày nước cạn, người đàn bà ấy cũng đi đánh lưới. Cá đánh bắt được người đàn bà ấy không bán mà đem chia cho các gia đình như để trả ân nghĩa một thời. Nhiều khi, việc trồng cấy ngô khoai đồng bãi vãn việc, người xóm bãi thấy người đàn bà hay ra đầu mom nhìn về phía hạ lưu, đôi mắt buồn thăm thẳm. Mọi người chỉ đoán rằng, người đàn bà ấy chắc có oan ức gì nặng lắm mới định quyên sinh khi bụng mang dạ chửa như vậy. Mấy chục năm, Hoài và mẹ sống lẩn khuất trong cánh bãi mom sông. Mấy tháng trước, mẹ cô bị bệnh, biết sẽ không thể sống được nữa. Trước khi nhắm mắt, mẹ nói với cô. Nếu con muốn tìm bố, hãy tìm về bến Tiêu Dương rồi lần dọc theo con sông Cả xuôi về cửa bể. Bố con là người sông nước, làm nghề chài lưới. Nếu ông ấy còn sống, con sẽ tìm được. Nói xong, từ đôi mắt bà, nước mắt dào ra, thành dòng, ướt hết cả khuôn mặt.
Lo xong tuần bách nhật cho mẹ, Hoài thu xếp, gói ghém chút tiền có được, lần tìm về bến Tiêu Dương. Trên đường đi, Hoài miên man nghĩ. Mẹ đã mất, biết đâu, bố cô giờ cũng đang ngóng chờ tin của cô và mẹ thì sao? Như mẹ cô, bao ngày vẫn ngóng về phía hạ lưu. Có phải mẹ cũng có ý trông chờ bố đi tìm mẹ con cô? Hoài có nên kể với người đàn ông chạy đò dọc này không nhỉ? Nghĩ thế rồi Hoài lại lăn tăn. Bố cô làm nghề chài, cứ theo mẹ cho biết, bố bây giờ cũng đã già lắm rồi, phải bảy tám mươi. Lòng Hoài bỗng thấy thương xót. Bố già thế liệu còn sức chống chọi sóng nước mà đi thuyền đánh lưới. Không biết giờ bố sống ra sao lúc ốm đau, khi trái gió trở trời. Người đàn ông này còn trẻ, lại làm nghề đò dọc, sao biết được. Mới lại, vừa mới lên đò, chỉ biết tên, liệu đem chuyện nhà ra kể có hay không? Hay gì chuyện vạch áo cho người xem lưng.
– Dạ. Đúng là em có việc ạ. Việc gia đình.
Nghe Hoài nói thế, người đàn ông không hỏi gì thêm, lấy tay kéo cánh buồm hơi chếch theo chiều gió, hướng mũi thuyền, cắt ngang sông chéo về bên bờ tả.
– Sắp đến bến Hến rồi đấy. Độ nửa tiếng nữa là nghỉ ngơi. Cô có định mua bán gì hay thăm thú gì trên bến thì lên.
Thuyền cập bến Hến vì không cần mua bán gì, Hoài nói ở lại thuyền. Không biết đi thế này, từ bến Tiêu Dương về đến cửa sông bao nhiêu ngày. Từ bến Tiêu Dương về đây, cô ngồi mũi có ý xem còn làng chài nào bên sông không để khi quay lại dò hỏi. Nhưng hai bên sông, tịnh không còn làng chài nào, chỉ là những ngôi nhà cao cẳng thấp thoáng sau những bụi lau và hàng cây lúp xúp. Bất giác, Hoài chắp tay lầm rầm khấn: Bố ơi, mẹ mất rồi, giờ bố ở đâu. Con gái đi tìm bố đây. Lạy giời, lạy phật rủ lòng thương cho tôi được gặp bố. Con chỉ cầu xin được bố ôm vào lòng, dù chỉ một lần. Từ khóe mắt Hoài, dòng nước lặng lẽ chảy xuống má. Mặt sông mờ mờ như sương, những con sóng mỗi lúc một lớn, vỗ vào mạn thuyền soàm soạp. Chiếc thuyền lắc lư mỗi khi con sóng xô vào. Xa xa, phía cuối sông, mây đen vần vũ kéo về chình chĩnh nước. Trong gió, Hoài đã thấy có hơi nước, trời chắc lại sắp có giông.
Gió nổi lên, thuyền bị gió kéo ra, dồn vào, chiếc cầu bằng mấy cây tre ghép lại, gối chỗ mũi, chệch ra. Hoài nhoai người, nắm lấy đầu cầu thuyền. Đúng lúc, gió thổi mạnh, đánh thuyền dồn vào bờ rồi khi sóng giật ra, chiếc cầu thuyền rơi xuống, Hoài bị cuốn rơi theo.
Hoài giơ hai tay lên, đập tùm tũm xuống mặt nước. Cứ mỗi lần Hoài há miệng để thở nước lại ộc vào. Hoài thấy mình rơi xuống hố đen, dòng nước cuốn lấy, dìm cô xuống sâu hơn. Có ai đó, từ phía dưới, kẹp tay vào sườn, nâng Hoài lên khỏi mặt nước. Hình như có người đứng trên bờ, nắm tay Hoài, kéo lên. Hoài thấy mình xóc lên, xóc xuống như ngày xưa còn bé mẹ vác chạy lũ. Có ai đó đang ép tay lên ngực Hoài. Hoài hực lên một tiếng, nước trong miệng trào ra.
3. Vì gió to và mưa nặng hạt, quãng sông đã gần cửa biển, mở rộng, hay có gió quẩn. Ban ngày còn có thể tránh được, ban đêm, gặp phải cơn gió xoáy, chắc khó mà có thể sống được. Ngồi trên thuyền, nhìn xuống mặt sông, qua ánh đèn từ thuyền hắt xuống, những hạt mưa rơi bên cạnh nổi bong bóng. Bong bóng mưa bắt sáng từ ánh đèn hắt xuống sang sáng vàng rồi vỡ. Nhìn hạt mưa Vớt biết. Mưa nổi bong bóng lúc ấy hạt mưa rơi thẳng đứng, trên cao, không có gió, đám mây đứng yên một chỗ, bao giờ đổ hết nước mới thôi. Vớt quyết định đậu thuyền lại bến chờ sáng mai, gió yên sóng lặng rồi đi. Và cũng có ý, Hoài vừa bị đuối nước, ở bến, nếu có cần thuốc thang gì thì cũng tiện. Quanh bến, ngoài chợ ra còn có mấy cửa hàng thuốc tư nhân.
Hoài tỉnh lại thấy mình nằm trong nhà thuyền. Hoài đưa mắt nhìn qua mấy cái ô cửa sổ kính hình vuông, to bằng hai bàn tay bên vách. Một màu đen đặc phủ kín, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp. Hoài đưa mắt nhìn về phía có ánh sáng. Chiếc đèn bão treo đầu thuyền lắc qua lắc lại. Ngọn lửa cháy trên bấc bị gió lùa, phật phờ, khi lên khi xuống, như ánh mắt chớp chớp. Có tiếng người rì rầm phía chân, cuối thuyền. Hoài nghển cổ, chỉ thấy nhờ nhờ sáng qua tấm vải bao bố che lối cửa ra vào. Chống tay ngồi dậy, Hoài vạch tấm vải. Ánh sáng từ chiếc đèn bão dọi vào làm Hoài thoáng chói mắt. Hoài đưa tay lên dụi dụi. Trên sạp đuôi, phía trên có tấm nứa đan hình vòm, một đầu gối lên gian nhà thuyền, một đầu gối lên hai cái cọc ở hai góc. Vớt và một người đàn ông nữa đang ngồi nói chuyện, mỗi người ngồi một bên mạn, tựa vào miếng gỗ chắn be thuyền chống mưa hắt. Mấy chiếc chén và ấm trà ở giữa.
– Cô tỉnh dậy rồi đấy à? Chắc đói rồi đúng không? Chờ tôi làm bát mỳ ăn lót dạ.
Hoài lết người ra khỏi gian nhà thuyền, tựa vào bên mép cửa. Người đàn ông ngồi nói chuyện với Vớt mặc bộ quân phục cũ. Qua ánh sáng ngọn đèn bão và cửa bếp lò hắt ra, Hoài đoán, người đàn ông này phải gần bốn mươi, phía dưới đuôi mắt có những vết nhăn chân chim nổi rõ. Mái tóc cắt ngắn, lộ rõ vết hằn trên trán. Một đôi mắt rất buồn trên khuôn mặt buồn.
– Cô ăn đi. Anh em chúng tôi ăn rồi – Giọng người đàn ông mới đến chủ động nói.
Đỡ bát mỳ từ Vớt, Hoài đảo mỳ cho nở tơi từng sợi, cuộn vào chỗ rau trên mặt bát.
– Đây là anh Rơi. Rơi của rơi rụng, bỏ rơi, rơi vãi ấy – Vớt giải thích có ý đùa lại cô lúc trước khi hỏi tên anh và giới thiệu tên cô.
– Dạ. Anh cũng đi chuyến này với mình ạ? Hoài hỏi nhỏ.
– Đúng rồi. Anh ấy sẽ đi cùng cô và tôi chuyến này. Khi tôi và anh ấy về thuyền lúc cô đang lũm tũm đập chân chó ấy. Cũng may là tôi và anh ấy về kịp, chứ không, giờ này chắc cô làm bạn hà bá rồi.
– Dạ. Em cám ơn các anh. Hoài lí nhí.
– Thoát được may rồi. Chứ không, chắc đêm đêm cô về bóp cổ tôi đòi mạng – Vớt đùa – Còn anh Rơi đây đi tìm mẹ.
Hoài vừa ăn vừa nghe câu chuyện của hai người đàn ông. Thì ra anh ta đi tìm mẹ. Cứ theo người đàn ông kể, mẹ anh cũng người vùng bãi cạnh bến Hến này. Thế rồi mẹ anh đem lòng yêu một chàng trai làm nghề buôn bè, mỗi năm vài ba chuyến về đây. Lần ấy, trước khi ngược, chàng trai hẹn sau chuyến bè này về sẽ làm đám cưới. Chuyến đi ấy mãi không thấy về, trong khi mẹ anh đã có thai. Gái không chồng mà chửa, xấu hổ với xóm làng, bố mẹ đuổi cho ra khỏi nhà. Sau khi sinh con xong, gửi lại em gái lấy chồng xã bên trông nom rồi bỏ nhà đi. Bà ra bến sông chỗ Hoài vừa ngã lúc chập tối. Sáng sau, người ta ra bến thấy có đôi dép, cái nón với tờ giấy trên ghi mấy chữ để lại. Khi người nhà hay tin, thuê các nhà chài kéo câu, thả lưới tìm xác. Cả tuần quần thảo trên sông vẫn không tìm thấy. Gia đình làm lễ cầu hồn. Chiếc bẹ chuối có rắc tro bếp hiện hình vết chân nổi lên. Gia đình đinh ninh đã chết và hồn đã lên bờ. Mấy năm sau, người làng kháo nhau, thấy mẹ anh trên nhà thuyền chài, còn có cả tiếng trẻ con khóc. Ông bà có nghe nhưng bán tín bán nghi và tuổi cũng đã cao, mọi chuyện đã yên nên không cất công đi tìm. Lúc đó anh còn bé, không biết mẹ gửi dì nuôi và cũng không ai kể hay nói cho biết. Trước khi đi bộ đội, người dì mới nói cho anh rõ. Anh không phải con dì mà con của người chị gái gửi từ tấm bé, khi mới lọt lòng. Vào bộ đội, đơn vị anh lại đóng quân trong Nam. Ra quân, lấy vợ rồi ở luôn trong đó. Bao năm trôi qua, câu chuyện về mẹ cứ canh cánh trong lòng. Năm nay, khi các con đã lớn, anh thu xếp ra Bắc để tìm. Biết là khó có thể tìm được, nhưng còn tia hy vọng còn phải đi. Nếu bà có chết cũng biết chỗ yên nghỉ, biết ngày tháng để thắp hương, dẫu bà không có công nuôi nhưng có công sinh ra anh.
Nghe người đàn ông kể câu chuyện, Hoài thấy nghẹn trong cổ. Sợi mỳ bám chặt cuống họng, đắng ngắt, không thể nuốt trôi. Có đoạn sông mà nhiều phận người lưu lạc. Người đàn ông đi tìm mẹ, còn Hoài, đi tìm cha. Bên khóe mắt Hoài, tự nhiên có hai dòng nước mắt chảy dài. Hoài bỗng thấy thương và cảm thấy gần gũi người đàn ông xuống bến lúc chập tối. Người đàn ông ấy cũng như Hoài, đứa con mồ côi đi tìm lại nguồn cội của chính mình.
Để tránh hai người đàn ông thấy Hoài khóc. Cô chui vào nhà thuyền định ra mũi múc nước rửa bát. Hoài vừa quay người, Vớt đã nói ngay.
– Cô không phải ra đấy rửa bát đâu. Gió máy này, không khéo lại ngã xuống sông lần nữa thì khổ anh em tôi – Rồi Vớt chìa tay – Cô đưa bát đây. Cô cứ ngồi đấy uống nước đi. Nếu cô mệt, vào trong nhà thuyền ngủ. Tôi với anh Rơi ngủ ngoài này.
Nói rồi, Vớt lật tấm gỗ ngay bên cạnh chân, đưa Hoài con dao bầu.
– Cô cầm lấy, đặt ở dưới gối mà ngủ. Có hơi sắt, không ma nào dám bắt nạt cô đâu.
– Vâng. Cám ơn anh. Nhưng em muốn ngồi đây nghe hai anh nói chuyện.
– Tùy cô thôi – Người đàn ông mới lên thuyền nói – Nhưng chuyện anh em tôi toàn chuyện buồn. Có gì vui đâu mà cô đáng nghe.
– Em cũng đang đi tìm bố đây. Mẹ em cũng người dưới này, rồi sinh em trên mạn ngược. Từ khi được sinh ra đến nay, em chưa một lần gặp bố. Khi chết, mẹ chỉ nói. Bố em làm nghề chài lưới. Bà dặn. Cứ về bến Tiêu Dương rồi xuôi dòng về cửa bể. Nếu bố em còn sống, sẽ tìm được.
Không biết có phải vì câu chuyện của người đàn ông có tên Rơi, người xuống thuyền chỗ bến Hến cô được nghe hay không nhưng trong Hoài cũng muốn được chia sẻ, được san bớt nỗi tủi hờn của kẻ mồ côi. Như anh Rơi, cả đời không biết mặt cha, giờ đi tìm với hy vọng mong manh để biết mặt mẹ. Như cô, chỉ mong được nhìn mặt bố một lần, để được gọi một tiếng bố rồi mãi mãi phải chia xa cũng được. Hoài lúc ấy chỉ nghĩ, kể ra cho nhẹ lòng, biết đâu, những người đồng cảnh lại có thể cho biết thêm được điều gì. Mưa đã ngớt, tiếng hạt mưa rơi xuống mái nhà thuyền không còn nghe lộp bộp như trước. Gió cũng nhẹ, tiếng sóng vỗ vào mạn giờ chỉ còn có thể cảm nhận được qua chút bồng bềnh của thuyền.
Hoài đưa tay vén tấm vải bao bố cho khoảng không cuối đuôi thuyền rộng hơn. Người đàn ông cũng lấy tay, gỡ tấm ván gỗ ghép bên be thuyền cho thoáng. Phía ngoài sông, tiếng máy nổ ậm ạch của những chiếc sà lan ngược nước nặng nề, lầm lũi trong đêm. Hoài rùng người. Một cơn gió ùa đến, lành lạnh.
4.- Tôi à. Tôi thì sinh ra và lớn lên trên quãng sông này. Tôi không phải tìm ai. Có chăng, tôi chỉ mong vẫn còn sức mà chèo thuyền, làm nghề đò dọc để kiếm sống. Nghề chài lưới bây giờ không ai có thể sống được nữa.
Khi quay lại ngồi bên ấm trà, Vớt thủng thẳng nói khi Hoài và Rơi có ý hỏi thăm.
– Thì anh cứ kể cho anh em chúng em biết thôi mà. Biết đâu, anh em mình lại có chung hoàn cảnh thì sao? Phải thế không anh Rơi nhỉ – Hoài gặng chuyện.
Nhấp chén trà mới pha, Vớt đưa mắt nhìn ra ngoài mặt sông một thoáng rồi thủng thẳng.
– Cũng được thôi, có sao đâu. Coi như câu chuyện làm quà cho qua đêm mưa gió. Từ ngày làm đò dọc, tôi có để khách phải nhỡ độ đường, ghé bến qua đêm như này bao giờ.
Giọng Vớt thủng thẳng đều đều.
– Ngày ấy lâu rồi. Ấy là theo bố tôi nói lại. Cũng vào một đêm mưa to gió lớn như đêm nay. Bố tôi đưa thuyền về bến tránh. Khi thuyền ông về đến bến, qua ánh chớp và ngọn đèn từ thuyền hắt ra, ông thấy có người đàn bà đặt ngửa nón, để lại đôi dép và lấy trong túi áo cái gì vào đó rồi lội xuống. Lúc đầu ông chỉ nghĩ là người đàn bà đi tắm đêm, đến khi thấy bà cứ lội mãi ra xa rồi bị nước cuốn đi. Lúc ấy ông mới biết người đàn bà này đi tự tử. Ông vội nhao xuống. Khi ông kẹp tay vào bên sườn đưa bà lên thì thấy bà cố vùng vẫy như muốn thoát ra. Bực mình, ông đánh một cái rất mạnh vào mặt cho bà chết ngất rồi lặn xuống, túm hai chân kéo ngược lên bờ. Lúc ấy bến vắng lắm, không có ai để nhờ vả. Ông bế bà đưa vào nhà thuyền. Để cho bà đỡ lạnh, ông định lấy quần áo của mình cho bà mặc. Một người đàn ông đang kỳ sung sức, trước một cơ thể người đàn bà như thế trong đêm như thế. Chuyện gì xảy ra cũng đã đến. Để có thể chiếm hữu bà, ông làm chiếc cột giả, giờ là cột buồm, chặn phía cửa trước. Cửa sau ông làm cánh cửa có khóa ngoài. Khi nghỉ ngơi hay lúc tránh mưa bão, ông không về bến Hến mà đưa thuyền ra cồn nổi cửa Lạt để tránh. Khi có việc lên bờ, ông đưa thuyền ra đó cắm chặt sào hai đầu, giấu chèo xuống đáy rồi bơi mủng vào bờ. Bà bị nhốt trong nhà thuyền một thời gian dài như thế. Dẫu vậy, ông vẫn khoét lỗ cạnh be thuyền làm mấy cái cửa sổ nhỏ cho bà không thấy bức bối, tăm tối. Thời gian cứ thế trôi, khi đã bén hơi, nhất là khi bà biết có tôi, bà chấp nhận ở lại cùng ông. Tôi có tên Vớt là thế. Tôi có mặt trên đời từ người đàn bà ông vớt được ở bến sông.
Kể đến đây, giọng Vớt chùng, như ân hận điều gì đó. Vớt đưa tay lấy chén nước, đưa lên rồi lại đặt xuống.
– Thế bây giờ bà ấy ở đâu? Còn sống hay đã chết? Rơi vội vã hỏi.
– Bà ấy giờ ở đâu tôi cũng không biết. Còn sống hay chết tôi cũng không biết. Nhưng những gì xảy ra sau đó thì cho đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu được – Giọng Vớt vẫn thủng thẳng, chậm rãi.
– Vậy sau đó có chuyện gì ạ? Hoài lo lắng hỏi.
– Khi ấy tôi được khoảng bốn, năm tuổi gì đấy. Đó là hôm bố tôi phải đưa thuyền về bến Hến tránh bão. Lúc đầu bố tôi không về, nhất quyết ở lại cồn cửa sông, chính quyền không đồng ý, lấy cả ca nô ra kéo đi. Bố tôi đành phải chấp nhận nên mới về bến Hến. Thuyền nhà tôi về bến cứ chiều chiều lại thấy có người đàn ông vơ vẩn, lang thang ở bến như tìm ai đó. Chiều ấy, khi bão đã tan, bố định lên bờ mua bán mấy thứ như dầu, đèn, muối, gạo rồi nhổ neo. Khi lên bờ, bố cho tôi đi theo cùng, còn mẹ vẫn ở lại thuyền. Khi mua bán xong, bố và tôi quay lại bến, thấy trong nhà thuyền có tiếng động lục cục, thuyền cứ dập dềnh, chao qua chao lại. Lúc bố tôi phóng cầu để lên thuyền thấy có người đàn ông từ trong nhà chui ra. Mẹ tôi cũng ra theo sau. Tóc bà rối bời. Chứng kiến cảnh đó, không cần biết phải trái, bố tôi lấy chân, đạp người đàn ông kia xuống sông, bế mẹ tôi ném lên bờ. Ông nhổ sào, quay mũi chèo đi. Có điều rất lạ là, ông không đưa thuyền về cồn cửa biển mà chèo ngược lên phía bến Tiêu Dương. Tôi đứng trên mũi thuyền vẫn nhìn thấy mẹ nhao xuống bến cố bơi theo. Khi thuyền đã xa, tôi vẫn thấy bóng mẹ vật vờ chạy trên triền đê. Mẹ tôi vừa chạy vừa đưa tay lên chới với. Tiếng bà gọi chấp chới trên mặt sóng. Rồi bà ngã xuống, khuất sau bãi chuối. Từ đó, bố tôi cấm được nhắc đến mẹ. Và cho đến bây giờ, tôi cũng không biết bà sống hay đã chết.
– Ối. Mẹ ơi… Hoài kêu lên một tiếng, ật người vào thành cửa nhà thuyền rồi đổ gục xuống chiếc chiếu chỗ gian cuối thuyền mấy người đang ngồi nói chuyện.
– Sao lại đến nông nỗi này hả giời? Tiếng Rơi thảng thốt, hoang mang – Sau đấy anh có đi tìm bà không?
– Không. Một phần bố tôi cấm, phần nữa do chuyện sông nước, tôi không thể lên bờ. Sau này lớn, tôi nghĩ. Nếu bà còn nhớ tôi, chắc bà sẽ trở lại tìm.
Vớt đưa tay lên chấm chấm bên mắt, tựa hẳn người vào chỗ cọc chèo, hai tay bám chặt vào be thuyền.
– Thực ra câu chuyện này có liên quan đến lời nguyền của người làng chài. Chứ tôi biết, bố vẫn thương mẹ lắm. Nhiều khi, sau mỗi chuyến đi chài về, tôi thấy ông thẫn thờ cả buổi. Ngay khi chết, ông nhất quyết nói tôi phải đưa ra bãi nổi, nơi ông đã giữ bà trong nhà thuyền. Ý ông, nếu bà quay về còn biết chỗ mà tìm. Có lẽ ông nhận ra bà không biết đến điều kiêng kỵ của làng chài.
– Lời nguyền như thế nào? Không lẽ bà không biết? Tiếng Rơi thổn thức.
– Ngày xưa – Giọng Vớt nghe thoang thoảng như gió – Chuyện kể rằng. Ở một làng chài nọ, có hai vợ chồng rất yêu thương nhau. Trong một lần để vợ lại thuyền, người đàn ông cùng các con lên bờ chơi hội. Khi quay lại, ông thấy thuyền cứ dập dềnh, tròng trành. Ông vội nhảy xuống. Ông thấy người vợ đang trò chuyện thân mật với một người đàn ông khác. Cả ghen, ông cho rằng, người vợ bấy lâu nay ông yêu thương lại hư đốn lăng loàn như thế. Ông rút dao, chém chết người đàn ông và vợ mình rồi hất xuống sông. Nhưng điều đau đớn nhất là lúc ấy bà đang mang thai. Ông để mặc các con lại bờ, nhổ sào đẩy thuyền đi. Khi ông đưa thuyền ra giữa sông, tự nhiên có một trận cuồng phong ập đến. Thuyền ông bị xoáy lốc nhấc lên khỏi mặt nước rồi ném xuống sông, vỡ tan. Còn ông, bị sóng cuốn, dìm chết. Chỉ trong chốc lát, mấy đứa con chứng kiến chuyện xảy ra và thành kẻ mồ côi, bơ vơ. Có một điều rất lạ. Xác người đàn bà lại cứ ngược nước mà trôi về phía thượng nguồn. Xác người chồng theo dòng trôi ra biển. Xác người đàn ông kia thì bị đàn cá từ biển lạc vào xâu xé. Mấy người con chia làm hai, một nửa chạy ngược sông để vớt xác mẹ, nửa còn lại xuôi dòng theo bãi để lấy xác cha. Từ đấy, dân làng chài có lời nguyền, khi người chồng lên bờ, người vợ không bao giờ được cho đàn ông lạ xuống thuyền. Sóng nước, nhà thuyền dập dềnh, dễ làm lòng người sinh nghi. Tình ngay lý gian, không ai có thể khẳng định được chuyện gì xảy ra.
– Ôi trời. Sao lại có chuyện cay đắng đến thế hả trời – Rơi thốt lên, giọng đau đớn, chua xót – Sau này anh có đi tìm hiểu và biết thêm gì không? Giọng Rơi hối thúc.
– Có. Mãi sau này tôi mới biết. Người đàn ông bị bố tôi đạp xuống sông lúc ấy là người đi buôn bè trước đây hay về bến Hến bán gỗ, bán luồng. Do những năm trước, ông đi bè nhưng gặp nạn, đâm phải đá ngầm, bị nước cuốn, gãy chân, dập cột sống, chữa trị mấy năm mới khỏi. Khi khỏe, ông trở lại bến Hến, gặp được mẹ rồi bị bố tôi đạp xuống sông.
– Thế bây giờ hai ông ấy thế nào?
– Hai ông ấy ở ngoài cồn nổi cửa bể. Nếu anh muốn biết, mai tôi đưa ra.
Trời lại nổi gió, những con sóng dồn vào, đập bên mạn thuyền oàm oạp. Tiếng mưa rơi trên mái nhà lộp bộp ngày một mau. Chiếc thuyền đánh qua đánh lại, tiếng hai chiếc sào cắm đầu và cuối thuyền kèn kẹt như tiếng mọt nghiến răng. Gió táp nước mưa tràn vào chỗ khoang đuôi. Chiếc đèn bão treo đuôi thuyền bị gió đập va vào sào vỡ tan. Mùi dầu hỏa từ phao đèn sánh ra ngột ngạt. Phía giữa sông, như có tiếng của lốc xoáy. Tiếng nước bị lốc xoáy hút lên rơi xuống mặt sông rầm rầm. Hướng cửa sông, những vạch chớp vọt cày rạch vào nền trời loằng ngoằng, xé nát bóng đêm ra từng mảnh.
5. Sau một đêm dốc nước đổ xuống, gió quật tơi bời không còn gì để có thể mưa thêm, gió thêm được nữa, trời trong vắt. Một khoảng không gian tĩnh lặng đến không ngờ. Trên mặt sông, nắng chiếu xuống sáng loang loáng đầu sóng. Những ngọn sóng lăn tăn, gờn gợn đuổi nhau như lũ trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê hết đợt này sang đợt khác. Hoài ngồi trong nhà thuyền nghe rõ cả tiếng ếch nhái gọi nhau ôm oam, kèm chẹp từ các bụi cỏ, khóm lau vọng vào. Thoảng trên thinh không, rớt xuống tiếng kêu chèng chẹc yếu ớt gọi đàn của mấy con chim bay lạc. Vớt nhấc mái vòm đua ra gian đuôi và đầu mũi, đặt lại lên trên nóc nhà thuyền. Những tia nắng đầu ngày, chiếu xuống hình rẻ quạt sau đám mây màu hồng hồng, hắt vào tận mấy tấm ván lát sàn.
Nấu mỗi người bát mỳ trứng, ăn xong, Vớt nhổ neo, đẩy thuyền rời bến. Khi thuyền ra giữa dòng, Vớt kéo buồm, ra đuôi cầm lái. Chiếc thuyền nhẹ nhàng lướt đi trên mặt sóng.
Đôi mắt Hoài đỏ hoe, ngồi tựa vào vách nhà. Cả đêm qua ba người phải trú vào gian nhà thuyền tránh mưa, Hoài không ngủ được. Câu chuyện Vớt kể liệu người đàn bà ấy có phải mẹ cô không? Nếu là mẹ sao mẹ lại không kể cho cô biết? Sao lời nguyền của dân chài đắng cay phận người làm vậy? Cả đêm Hoài ngồi để mặc cho nước mắt lặng thầm rơi. Cô muốn khóc to lên để cho vơi bớt nỗi buồn tủi phận đàn bà. Dường như Rơi và Vớt biết điều đó nên không khuyên giải gì, họ cứ để kệ cho cô khóc. Rồi Hoài thấy đầu mình trống rỗng, không muốn biết điều gì đang diễn ra ngoài gian thuyền này nữa. Sáng, Hoài thấy lành lạnh, cô thả ống tay áo, cài cúc nhìn lơ đãng vào bên vách đối diện, nước sóng bắn lên làm lớp kính mờ mờ, bám lại như sương.
Rơi ra đứng đầu mũi, tay khoặc ôm giữ cột buồm, một tay đút túi quần, cổ áo dựng ngược chạm vào chân tóc, đưa mắt nhìn về phía xa xa. Gió thổi, luồn vào áo, chiếc dây lưng thắt lại, làm phồng ra, nhìn nghiêng như dáng người gù.
Khi thuyền về đến bến Bo, theo lịch trình sẽ ghé vào nghỉ ngơi. Vớt hỏi có ai lên để ghé bến nhưng Rơi và Hoài bảo thôi, thế là đi tiếp, ai cũng mong ra nhanh cồn nổi ngoài cửa Lạt. Trên sông, rất nhiều tàu chạy ngược trở vào, thỉnh thoảng chiếc ca nô của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão chạy đi chạy lại. Trên ca nô, chiếc loa dường như phát hết công suất mỗi khi đi qua chỗ có sà lan hay tàu bỏ neo đậu nhắc nhở việc tránh trú, neo buộc chống cơn bão sắp tới.
Khi nhìn thấy một vệt màu xanh xanh mờ mờ phía trước, Vớt nói với vào trong gian nhà thuyền.
– Sắp tới cồn nổi rồi đấy. Cô Hoài có định lên thăm chuẩn bị đi.
Hoài nhoài người, thò đầu ra cửa phía đuôi ngoái ngoác nhìn.
– Cô Hoài bỏ dép lại, đi chân đất thôi. Tiện thể cô lấy tôi thẻ nhang giắt bên vách nhé.
Đứng từ xa, nhìn lại, cồn nổi chỉ là một vệt màu xanh, không khác gì vết gạch ngang đứt đoạn trên sông. Khi đến gần, cồn nổi hình thoi, chạy dọc theo sông, cỏ lau cao quá đầu người, có nhiều khóm bị gió đánh nằm rạp xuống đất. Những khóm bám mép nước, đổ xòa ra mặt sông, lắc qua lắc lại trông giống đuôi con cá quẫy.
Vớt đánh lái cho mũi thuyền trườn lên chỗ đất sa mới bồi màu nâu nâu chỗ đầu cồn. Cầm cây sào, Vớt đứng dạng hai chân, nhún người nhấn cây sào lút xuống cả mét. Vớt kéo cầu, phóng một đầu lên bãi rồi đặt đầu còn lại lên chính giữa mũi thuyền. Vớt lên cầu bước xuống cồn, chỉnh lại cầu rồi lấy chân nhấn nhấn đầu chạm đất xuống chỗ sa mới bồi.
Rơi và Hoài lên cồn theo Vớt đi sâu một đoạn vào trong. Để có lối đi, Vớt cầm dao phát những ngọn lau đổ xòa chắn lối, rồi lại lấy chân, đạp những gốc lau nằm dí xuống đất. Đến khoảng đất trống, Vớt lấy dao chặt mấy cây dại mọc chỗ u đất nổi, đám cỏ chỉ mọc phủ kín trên mặt. Cạnh u đất có cây bời lời cành xòa xuống, những bông hoa hình cầu màu đỏ rơi xuống đang rữa ra nhoe nhoét, trầy trụa.
– Đây. Chỗ hai ông ấy ở đây.
Tay chỉ, miệng nói, Vớt nhận từ Hoài thẻ nhang rồi đưa tay ra sau, rút tờ báo cũ giắt lưng, bật lửa đốt. Thẻ nhang bắt lửa, gặp gió cháy ngùn ngụt. Vớt phải tách thẻ nhang xòe ra, vẩy vẩy cho tắt. Khói nhang cháy trắng, quyện vào gió mùi thơm thơm của bột rễ cây bài trộn với vỏ quế.
Hoài quỳ xuống chỗ cỏ chỉ, chắp tay lầm rầm khấn. Rơi cắm nén nhang lên chính giữa mô đất rồi đi vòng một lượt, đưa mắt xem xét xung quanh. Vớt sau khi chắp tay vái cũng đi xung quanh mô đất.
– Sao lúc trên thuyền, anh nói hai ông ở đây mà giờ chỉ có một ngôi là thế nào? Rớt hỏi.
– Là theo ý bố tôi. Người làm chài làm gì có đất. Chết, một là buộc đá dìm sông, hai là tìm bãi sông hay cồn nổi hoang chỗ nào đó đưa xuống. Trước khi chết, bố tôi dặn đem ra đây chôn. Ông còn nói, đặt cạnh ông buôn bè ấy nhưng đừng phân làm hai, cứ để chung một mô đất cho dễ tìm.
– Ông buôn bè chết lần bố anh đạp xuống sông à? Rơi ngập ngừng hỏi.
– Không. Dân buôn bè thạo bơi lội sông nước kém gì dân chài lưới. Sau lần ấy, mấy tháng sau, ông đánh một bè rất lớn trở về. Khi bè chuẩn bị chuyển từ bờ hữu sang bờ tả, chỗ bến Hến ấy. Lúc bè ra giữa dòng, bất ngờ có trận gió lốc, xé nát bè. Ông bị kẹp giữa hai cây gỗ không thoát ra được.
Chờ chỗ nhang cháy hết, Vớt giục.
– Cô Hoài khấn khứa gì thì nhanh lên về thuyền. Giông lốc lại sắp ập đến rồi đấy.
Mọi người vội vàng lên thuyền. Vớt thu cầu, nhổ sào, luồn vào gầm mũi, đẩy thuyền trượt ra sông rồi giương buồm, quay đầu.
Gió từ phía ngoài biển ập đến. Chiếc thuyền gần như lướt đi trên mặt sóng, chỉ nghe thấy tiếng rào rào dưới đáy. Đôi lúc, gặp chỗ gió quẩn, chiếc thuyền xoay tròn một vòng. Vớt chân bẻ lái, hai tay chuyển dây kéo cho buồm lúc dọc, khi ngang để giữ cho thuyền chạy đúng hướng. Những ngọn sóng cao trườm tới, chiếc thuyền như cái lá, nhỏ nhoi, đơn độc bị che lút trong các con sóng. Cánh buồm hình chữ nhật màu trắng, như chấm nhỏ nhấp nhô giữa màu nước nâu sậm của sa vùng cửa sông, xuôi gió, ngược dòng, trườn về phía trước./.
Phạm Thanh Khương
Bài viết liên quan: