Mới vào hạ mà nóng như giữa mùa. Đám cỏ tranh ven sông, mép lá cháy vàng, cả ngày cứ ượt ra vì mất nước, nhờ đó mà lũ bò có cái để ăn, nếu không, có lẽ gặm đến bật gốc cỏ trên triền đê chúng cũng chẳng thể nào lấp đầy những cái bụng chình ĩnh.
Mới sáng ra, lão Khuấng đã ngồi dạng háng giữa mui thuyền hóng gió. Cái quần đùi vén lên quá bẹn không khác gì đóng khố. Tấm lưng trần loang loáng mồ hôi, đen sắt lại. Lão với tay kéo chiếc điếu bát vào lòng, vê vê mấy sợi thuốc, chậm chạp bỏ vào nõ. Ngón tay trỏ dập dập mồi thuốc gọn lại, lão lật miếng ván ngay dưới chỗ ngồi, lấy cái bật lửa. Cũng rất chậm, lão dựa xe điếu vào ngực, búng búng đóm châm, bập bập cho lửa bắt mồi thuốc, ưỡn ngực, kéo một hơi thật dài, ngửa cổ khoan khoái. Từng sợi khói vừa thoát khỏi miệng bị gió cuốn đi, tan nhanh vào hơi nước phơ phất trên sông. Như để cho hương vị từ thuốc lào ngấm vào cơ thể, lão chống tay sau lưng ngửa mặt nhìn trời.
– Tiên sư nó. Cứ xanh ngăn ngắt thế kia, lại nóng đến chảy mỡ.
Bà Hoàn, vợ lão, đang lúi húi nấu bữa sáng nghe thấy nhưng không nói gì. Tiếp lời có khi ăn chửi ngay, bà không lạ gì tính nết mưa bóng mây của lão.
– Liệu mà lo ăn mấy ngày sắp tới. Tôi có việc, không chài lưới, cá mú gì được đâu.
Lão nói trống không, chẳng với ai, nhưng bà biết nó dành cho bà.
– Ông muốn làm gì thì làm. Gạo còn đủ ăn. Nước sông cả đời. Sao cứ phải ráo tỏng thế cho mệt.
– Nói trước cho mà biết. Không lại re réo suốt ngày như chó cắn.
Nhà văn Phạm Thanh Khương ở Hà Nội
Những ngày đầu mới về ở với nhau, nghe lão cấm cẳn, cục cằn, bà thấy chán, cứ nghĩ thân mình tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, khổ nó vận vào thành số phải chịu. Cũng đôi ba lần bà nghĩ đến việc bỏ xứ mà đi, thậm chí chết quách cho rảnh nợ. Nghĩ là thế, nhưng rồi, lòng bà lại thương. Cuộc đời lão chưa có được ngày sung sướng. Hồi còn trong quân ngũ, cha mẹ lão già yếu, việc đánh bắt cá không được thường xuyên nên thu nhập chỉ đủ từng ngày. Hôm nào không chài lưới được là hết đỏ lửa. Từ ngày lão về, dù có sức khỏe, nhưng cũng chỉ cắt cảnh đứt bữa. Rồi bố mẹ lão lần lượt qua đời. Người sông nước, gia tài duy nhất là chiếc thuyền đã cũ, đến cái mái lợp nứa mục cũng không có tiền để thay mới. Bà về với lão chỉ vì thương chứ thực lòng cũng ngại. Đói khổ bà không sợ, sợ nhất tính cục cằn. Cũng may, chưa bao giờ lão tạt tai hay đánh đập gì bà. Chỉ tội, lúc nào có chuyện bực mình là chửi mất mặn mất nhạt, quá bằng rút xương, rút tủy người ta… Chẳng biết có phải duyên số hay không, nhưng bà vẫn nhớ cái ngày còn là dân xóm Bãi, có một lần ra mua cá của lão đúng khi mụ Đỏm buôn cá cũng đang ngã giá. Cũng chỉ là chê cá kém tươi, thả lâu trong khoang thuyền nên gầy, đòi giảm giá, thế mà lão cáu tiết, mắng vuốt mặt không kịp, định ném cả vịt cá xuống sông. Đêm ấy về, bà mơ thấy lão đứng đầu giường, cứ xa xả nói. Bà quay lưng lại, tấm tức khóc. Sau này, khi đã là vợ chồng, bà kể, lão khùng khục cười.
– Cái số của bà là phải lấy tôi nhá. Với tôi, không nên không phải, túm cổ vứt mẹ nó lên bờ chứ việc gì phải mỏi mồm. Tôi chứ không phải thằng Tác nhá. Hèn người đi.
Lão nói ý về chuyện nhà anh Tác, xóm trên bờ ở khúc Dậm, ăn nói nhẹ nhàng, ai gặp lần đầu cũng nghĩ hiền lành, ấy vậy, xích mích thì đánh vợ như két, vớ được cái gì là phang luôn. Có lần, anh ta bế vợ vứt thẳng xuống ven sông rồi nhảy lên nhận xuống bùn. May thuyền nhà bà ở gần, thấy thế, lão Khuấng nhảy xuống cứu, đưa cô vợ lên bờ rồi lôi cổ anh chồng dìm nước cho đến khi ngắc ngoải mới túm cổ áo, lôi vứt lên vệ đê, bắt phải hứa không được hành hạ vợ. Chả biết có phải vì sợ lão hay không, nhưng từ đó, anh ta tử tế hẳn. Thỉnh thoảng cô vợ ra bến, gặp thuyền nhà bà, lại gọi cho ít khoai hay nải chuối nhà chín cây làm quà. Mỗi lần như thế, lão Khuấng lại chui vào khoang, bắt con cá, ném lên bờ, dặn mang về nấu canh chua cho ông chồng nhắm rượu.
Cuộc sống sông nước không như lúc đầu bà tưởng. Nó đơn giản vô cùng. Đánh bắt chài lưới là việc của lão. Bán cá, lo gạo nước, sắm sanh là việc của bà. Được cái, lão Khuấng dễ tính. Sống ăn sống, chín ăn chín, gì cũng được. Món khoái khẩu của lão là cá chuối nấu canh chua. Hôm nào đi lưới có cá chuối, to nhỏ gì cũng cứ đánh vẩy, cắt khúc, bỏ vào rán qua rồi đổ nước ấm đun. Đến khi chín, lấy mấy quả cà chua cắt dọc làm bốn làm năm bỏ vào, tra ít rau thơm cùng be rượu bưng lên là lão sướng lắm. Mấy năm nay bão lũ nhiều, cá từ các ao nuôi thả bị nước tràn bờ nên việc đánh bắt cũng có phần dư dả. Tằn tiện, chắt bóp cả năm vợ chồng bà cũng thay được cái mái mới.
Nghe lão Khuấng nói ráo việc tự lo mấy ngày ăn, bà biết sắp tới có việc rất quan trọng. Những chuyện như thế này không được hỏi. Hỏi là lão nổi cáu. Mặc. Lão muốn làm gì thì làm. Ngay cái hôm lão bảo chuyển thuyền từ khúc Dậm về dưới khúc Hồn, lòng bà dù bất an nhưng không dám nói. Trên khúc Dậm, chẳng gì cũng còn có vài ba gia đình chài lưới. Dưới khúc Hồn, vừa xa các xóm ven bờ lại cách trở các vạn chài, nửa đêm gà gáy, nhỡ có làm sao thì ai giúp… Nghề sông nước, bão gió, mưa lũ, trái gió trở trời ốm đau bất chợt, sinh tử như cái lá lật. Mấy năm trước, lão Vấn cùng vạn chài bị đau ruột thừa. Vì ngại đi khám, lại chả có ai biết bệnh tình, cứ xoa cao cùng mấy thứ lá chữa đau bụng hàng ngày cho uống. Nửa đêm, ruột thừa bị viêm rồi vỡ. Tới mức ấy mà cũng có biết nguy kịch đâu, đến khi thấy lịm dần mới vội vã đưa đi. Đến cổng viện cũng là lúc lão tắt thở. Rồi chuyện nhà lão Hơn. Mấy ngày cứ thấy sốt và mệt, ai cũng bảo bị cảm. Thấy có thể ngồi dậy, nhúc nhắc đi lại nên gia đình vẫn để ăn cơm. Được mấy bữa, lão kêu đau, vật như cá vật đẻ, mồ hôi vã ra như tắm, người nhà vội chạy đi tìm bác sĩ ở trạm xá xã, đưa về đến nơi thì lão đã chết. Nghe kể triệu chứng và khám lại, bác sĩ chỉ biết ngồi im, há hốc mồm vì gia đình “điếc không sợ súng”, đã bị thương hàn lại vẫn nấu cơm cho ăn nên dẫn đến bục ruột mà chết. Mới mấy bữa trước là lão Thủy. Sau bữa rượu liên hoan cùng các vạn chài khác vì nhà lão đánh được con cá sủ vàng bán mấy chục triệu, lão Thủy ôm chiếu lên mặt đê ngủ. Sáng hôm sau, mặt trời quá con sào vẫn chưa thấy lão dậy. Người nhà gọi không thấy thưa vội ghé thuyền vào xem sao. Lay thì người đã cứng đơ, lạnh ngắt từ bao giờ…
Sáng ra, thấy lão Khuấng cởi trần, mồ hôi ướt chảy thành dòng trên lưng, bê bát mì tôm trứng lên cho lão, bà nhẹ nhàng.
– Nóng thế, sao không nhảy xuống sông mà ngâm cho mát?
– Ngu gì thì cũng ngu vừa vừa thôi chứ, hết cả phần thiên hạ. Bà muốn tôi chết hay làm mồi cho cá khúc sông này hả?
– Ờ thì… thấy ông nóng quá, tôi bảo nhảy xuống tắm cho mát rồi lên chứ có ý gì. Cứ độc mồm độc miệng, có ngày rách mép – Vừa nói bà vừa khom người chui vào nhà thuyền.
Lão Khuấng lừ mắt. Chả biết có phải vì đang nghĩ gì nên ngồi im, chứ như những lần khác, chắc lão đã đùng đùng lên rồi.
– Còn ở khúc này thì phải nhớ cắm sào cả hai đầu. Múc nước nấu ăn, rửa ráy, giặt giũ nhớ buộc dây vào gầu ném xuống mà kéo lên. Cấm mon men ven bờ bắt cua cáy. Giặt giũ, rửa ráy cũng không được ngồi trên thuyền rồi nhoài người ra.
Bà chả cần lão phải nhắc. Những chuyện bí ẩn về khúc Hồn này, cả vùng có ai là không biết đâu. Lòng bà chợt thấy vui vui. Dẫu sao, lão vẫn còn lo cho bà nhiều lắm. Không lo sao lão lại nhắc thế. Bà cười tủm, đỏ mặt, vội quay đi khi thấy cái quần đùi lão đang mặc, vướng vào đầu đinh, tụt xuống, chim thò lõ khi lão với tay, vịn vào cửa nhà thuyền đứng lên.
***
Mấy chục năm trước, khúc Hồn vẫn còn mang tên bến Bãi thuộc xóm Bãi, là nơi rất đông vui, người qua kẻ lại. Nó là một phần của làng Nang nhưng lại dường như tách rời vì xung quanh được bao bọc bởi cơ man tre. Ngoài cùng là lớp tre gai, tiếp đến tre bóng nước, rồi tre đá. Để vào được xóm chỉ có con đường chạy xuyên tâm lát gạch nghiêng mở ra hai lối: một đủ cho xe trâu kéo chạy về các khu trong xóm, một hướng ra phía bờ sông với các bậc lên xuống lát bằng đá xanh, chiều dài có thể cập được cả chục chiếc thuyền vận tải về ăn hàng gọi là bến Bãi. Bến Bãi thực sự là chỗ giao thương buôn bán giữa xóm Bãi với thế giới bên ngoài. Cũng nhờ đó mà xóm Bãi ngày càng giàu. Bên trong xóm được chia làm năm khu rõ rệt với các làng nghề gốm sứ, gai vó chài lưới, mộc mĩ nghệ, khảm trai, bạc. Về truyền thuyết, theo các cụ già trong làng thì ngày xưa, xóm Bãi này chưa có tên, không có người ở, chỉ có cỏ ống nhang, năn, lác và lau, sậy mọc kín. Rồi một hôm có chiếc thuyền buôn đi ngang, do không thông thạo luồng lạch nên mắc cạn. Chả biết có phải đất lành chim đậu hay chờ nguyên vật liệu sửa chữa mà số khách thương hồ ấy lên cắm lều bạt trên bờ rồi ở lại. Người đứng đầu tên là A Voòng – nguyên là viên quan nhỏ dưới trướng của Ngô Tam Quế. Vì loạn Tam Phiên, sợ bị triều đình nhà Thanh truy sát, A Voòng thu vén của cải đưa cả nhà và đám gia nhân xuống thuyền bỏ trốn. Khi quyết định ở lại, A Voòng chia nhóm người đi theo thành từng khu. Các khu này ra sức khai khẩn đất để mở rộng nơi canh tác và cũng là nơi sinh hoạt. Từng khu ấy, dân cư cứ đông dần lên. Trong nhà, A Voòng cho đào ao thả cá sấu để trừng trị những kẻ làm phản, bất tuân. Không ai biết được xác A Voòng chôn ở đâu hay mang về cố quốc. Con cháu A Voòng thay nhau làm người quản lí khu đất xóm Bãi. Cứ thế, xóm Bãi tồn tại qua bao nhiêu năm cho đến hôm nay…
Với bà Hoàn, xóm Bãi từng là nơi cho bà niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng đẩy bà đến tận cùng nỗi đau. Vì chuyện ấy, thi thoảng, mỗi khi vợ chồng có điều gì, lão Khuấng lại lôi ra róc rỉa, nói kháy. Những điều lão nói đều đúng nhưng sao bà thấy đau. Cái đau không thể nói thành lời, như ai đó lấy dao róc từng miếng thịt, rứt từng miếng da. Năm ấy, sau khi bà tham gia dân công hỏa tuyến trở về, cha già mẹ yếu, tuổi cũng “đã toan về già” gần ba mươi, trai làng người chiến trận chưa về, đàn ông lành lặn thì lên ông lên cụ, hoặc không tật nguyền cũng bệnh nọ chứng kia. Vậy là khi có người xóm Bãi sang làm mai mối cho con út trưởng tộc nhà A Voòng, bà gật đầu liền. Tiếng là dâu, nhưng bà cũng chỉ giống kẻ ăn người ở. Mờ sáng dậy cơm nước phục vụ gia đình. Ăn thì dưới xó bếp, nhà có khách khứa cấm bén mảng, tối tối đun nước gừng ấm, ngâm chân và xoa bóp cho bố mẹ chồng và chồng. Mọi việc chi tiêu, quản lí người ăn kẻ làm do quản gia. Khi sinh con cũng không được bế bồng hay chăm sóc mà giao cho vú nuôi. Lúc nào nhớ, cức sữa, cũng chỉ được vú nuôi cho ghé vào trông thấy năm mười phút rồi phải rời đi. Ở xóm Bãi có hai nơi không chỉ người ăn kẻ ở mà ngay bản thân bà cũng không được đến gần, đó là cái ao trong khuôn viên và cồn nổi gần bờ ngoài sông. Cái ao có hình tròn, bốn xung quanh được xây tường bao, phía trên là hàng cọc sắt nhọn bẻ cong ra phía ngoài. Ao thông ra sông bởi một con lạch nhỏ. Đầu ngoài con lạch có một cánh sắt như chiếc phai chắn nước ở các mương thủy lợi. Nếu muốn lấy hay tháo nước từ ao ra sông chỉ cần quay trục, kéo tấm phai chắn. Phía ngoài tấm phai chắn có một chiếc đăng sắt kiên cố quây lấy cồn nổi. Bà cũng đôi ba lần dò hỏi người ăn kẻ ở nhưng ai cũng sợ sệt, tìm cớ bận việc bỏ đi hoặc lảng sang chuyện khác.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng
Thông dạ ba năm, bà sinh liền ba người con giai. Tưởng cuộc đời cứ thế trôi đi đến khi nhắm mắt xuôi tay, ai ngờ, một tối, bà thấy cả xóm Bãi nhà nào nhà nấy rục rịch thu dọn đồ đạc, gom góp tiền vàng. Ngay gia đình nhà chồng, người quản gia cũng hối hả kiểm tra sổ sách chi tiêu. Nửa đêm, bà nghe có tiếng gà động chuồng và tiếng rít quay tấm phai chắn kéo lên. Sang ngày hôm sau, cổng vào xóm Bãi được đóng kín. Các gia đình nhà nhà im ỉm then cài. Quản gia nhà chồng luôn miệng giục người giúp việc lo gói cái này, bỏ cái kia. Công việc xem ra rất gấp, bà không thể nào hỏi cho rõ ngọn ngành. Chập tối, sau bữa ăn, tự nhiên bà thấy nhức đầu, lên giường nằm nghỉ rồi ngủ thiếp đi.
Sáng tỉnh dậy, bà thấy nhà vắng tanh, không một bóng người. Bung cửa, bà chạy khắp xóm, chỉ thấy trong các ngôi nhà đồ đạc bỏ lại ngổn ngang. Cánh cổng vào làng, ra bến đều mở toang. Bên bến còn mấy nhà thuyền về nửa đêm đang chờ ăn hàng. Hoảng hốt bà chạy một mạch vào làng. Rất nhiều người đứng túm năm tụm ba ở cổng, thấy bà hớt hải chạy vào, họ đều xúm lại, có ý đón hỏi điều gì đó. Nghe bà kể, ông giáo lắc đầu bảo, bà bị gia đình chồng đánh thuốc mê để họ mang con của bà đi. Đến lúc ấy bà mới hay chuyện người Hoa ở Việt Nam đang ùn ùn trở về tổ quốc theo lời kêu gọi, vì suốt ngày trong lớp rào tre nên bà không biết… Bà ngã sập xuống như cây chuối bị phạt ngang thân.
Từ ngày các gia đình xóm Bãi bồng bế nhau bỏ đi, quãng sông ấy hay có các hiện tượng lạ. Mấy nhà nuôi vịt, vào mùa lúa chắc hạt, theo thói quen, lùa qua đồng xóm Bãi. Khi đến đó, có con vật gì to lắm lao lên đớp. Tiếng quẫy nước của nó làm rạp cả khoảng cỏ. Rồi trâu, bò, chiều tối lùa qua cũng thường xuyên bị con quái vật lao lên tha đi. Có chuyện, một chị đi gặt, khát nước, lội ra mép sông, vừa đưa cái nón hợt hợt trên mặt nước, con quái vật nhao lên, ngoạm cả người tha đi mất tích. Dân làng cũng đã dầy công phục nó nhưng bất thành, tất cả lưới, dây câu, chài, vó chẳng ăn thua gì. Có nhà chài còn bị mất cả đứa con trai lên năm khi ngồi trên thuyền, đưa chân ra mạn đung đưa và bị kéo xuống. Đôi ba người đi mua thuốc bom về làm bộc phá, phục khi nào nó nổi lên thì ném. Dường như con quái vật biết trước, phục chỗ này thì nó lại nổi chỗ khác. Cũng từ đấy, người làng không ai dám bén mảng ra khúc sông đó. Mọi người bảo nhau, con quái vật đã thành tinh. Họ còn truyền tai, hôm nào phải ngày mưa thâm tối trời là có đàn cáo và đàn lợn trắng cứ bơi vòng quanh chỗ gò đất nổi ở xóm Bãi. Những lúc ấy, thường có tiếng động ầm ầm như sụt đất, lở đê.
Từ đó, quãng sông có tên là khúc Hồn.
***
Liền mấy hôm, mặc trời lắc thắc mưa, lão Khuấng cứ ăn sáng xong là lấy chiếc mủng nhỏ bằng tôn dùng để thả lưới chèo dọc khúc Hồn. Để ý, bà thấy lần nào đi, lão cũng cầm cuộn dây câu cùng mấy con gà nhép mua về thả chuồng phía cuối đuôi thuyền. Lão đi như thế, khi về thường không thấy mấy con gà nhép đâu cả, trên khuôn mặt, các nếp nhăn như giãn ra.
Hôm nay, mờ sáng, lão Khuấng lấy bộ quân phục ra mặc, rời thuyền vào làng. Tiền bán cá của hai vợ chồng lão để bà quản hết. Lo lão đói, bà bảo để nấu cho bát mì ăn rồi đi. Lão chẳng nói chẳng rằng, rút cầu ném lên bờ, nhún người nhảy lên. Chân vừa chạm đất, lão nói mà không nhìn lại.
– Cứ ăn đi. Vào làng một loáng rồi tôi về.
Nhìn dáng chúi đầu, tất tưởi đi của lão, bà thấy sao mà tội nghiệp. Cả cuộc đời lão chưa có được lấy một phút thảnh thơi. Bất chợt nhớ ông giáo có lần nói với bà, đàn ông cúi đầu, đàn bà yểu cổ là khổ. Làm bạn với lão bao năm, có bao giờ bà để ý chuyện đó. Suốt ngày lo đánh chài, thả lưới trên sông, xong việc, trút cá vào khoang rồi ôm cái bát điếu, nậm rượu, lăn ra ngủ. Mọi việc lão để bà lo hết.
Bà về làm bạn với lão có lẽ do trời định. Hôm ấy, chả biết run rủi thế nào, chập tối, mụ Đỏm trên đường đi chợ về vào nhà bà xin nước uống. Chưa ngồi xuống hè, mụ đã bô bô:
– Đời người thế mà khổ. Kiểu này ba bẩy hai mốt ngày chắc chôn xuống lỗ.
Đưa cho mụ Đỏm bát nước chè tươi, bà hỏi:
– Ai khổ? Trong làng có người sắp chết à?
– Cái lão Khuấng ấy chứ còn ai vào đây. Ốm ba bốn ngày nay, chài lưới chẳng đi đánh được. Nằm co quắp như con mèo hen. Hỏi chả nói lên lời.
Nghe mụ Đỏm nói, bà muốn ra thăm xem sao, chả gì lão cũng một thời làm lính. Chiến trận chả chết, có khi lại chết vì đói ngay trên khúc sông làng. Dù lòng muốn nhưng nhớ cái hôm lão tức mụ Đỏm suýt bê cả vịt cá quẳng xuống sông lại ngại. Tính lão như Trương Phi, vì lòng tốt ra thăm có khi còn bị chửi, đầu chả phải lại phải tai. Người ta có thân người ta lo. Nghĩ thế nhưng cả đêm bà nằm mà không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Rồi bà tự nhủ. Ừ thì ra thăm, nếu có hỏi, lấy cớ mua mớ cá. Nếu đúng như mụ Đỏm nói thì giúp, bằng không, mua con cá, rồi về.
Chờ trời sáng, bà đi ra. Đứng trên đê bà đánh tiếng mãi không thấy trả lời. Mon men theo hai cây tre ghép lại làm cầu, bà đánh liều xuống thuyền. Đến mui vẫn thấy miếng vải che nắng còn buông, bà len lén vén lên. Trong nhà thuyền mờ mờ, lão Khuấng nằm co quắp như con tôm, tiếng thở nặng nhọc, trên người phủ tấm chăn chiên cũ. Đánh liều bước vào, đưa tay lên mũi lão, bà thấy hơi thở lão rất yếu. Trán nóng hầm hập. Vội lật tấm chăn, mồ hôi lão ướt sũng áo. Kinh nghiệm những ngày đi dân công cho bà biết lão bị sốt rét tái phát. Lật sạp thuyền để tìm thứ gì đắp cho lão, bà thấy mấy cái vại sành đựng gạo, muối không còn một hạt. Bà chạy vào làng gọi người đưa lão lên trạm xá. Lão chẳng còn ai thân thích nên thời gian ấy, bà cơm cháo, nước nôi cho. Khi lão khỏe lại, thỉnh thoảng bà ra nhà thuyền xem gạo nước mắm muối để mua giúp. Cứ mỗi lần bà ra, lão lóng nga lóng ngóng nhưng nét mặt có vẻ vui hơn. Muốn mua sắm gì lão lại nhờ bà. Quen dần, cá đánh được, lão nhờ bà bán. Mụ Đỏm mỗi lần ra, thấy bà và lão như thế xem ra cũng vui. Một lần, khi mua cá xong, mụ Đỏm ghé tai bà:
– Này. Theo tôi, bà về ở với lão cho có đôi có đàn. Cái của nợ ấy không làm lâu ngày nó cũng ngứa ngáy. Có lão, chả gì, khi cần cũng có cái gậy để chọc.
Nói xong, mụ Đỏm cười khi khí rồi tong tả gánh cá đi. Tự nhiên bà thấy nóng hai bên má. Cũng là kiếp người đã từng qua năm tháng chiến tranh, lòng bà thấy thương lão nhiều hơn. Thế rồi lần đó, khi bà ra lúc lão đang lật miếng gỗ ghép làm sạp ngăn chỗ ngủ với đáy thả cá, cầm con cá trên tay, lão bảo:
– Bà về ở với tôi nhé. Coi như bà thương tôi vậy.
Dứt lời, lão vứt con cá xuống khoang. Đôi tay như gọng kìm kẹp chặt lấy thân thể bà ép xuống sàn. Chiếc nhà thuyền tròng trành như muốn lật.
Nhớ lại tháng ngày bên lão, nỗi đau mất con dù lúc nào cũng day dứt nhưng những bận bịu mưu sinh khiến bà nguôi ngoai đôi phần. Phận người mong manh, duyên như chiếc lá. Biết giữ gìn phận càng dầy; biết nhẫn nhịn, chịu đựng duyên ở lại. Về ở với lão Khuấng, có khi đói, khi no, vất vả lam lũ lúc tuổi đời chẳng còn son trẻ nhưng cũng có bờ vai để tựa. Tính cáu bẳn của lão có khi cũng từ cuộc mưu sinh mà ra. Ở đời có ai nghèo sang, chỉ có nghèo hèn mà thôi. Bà đưa mắt nhìn dòng sông. Gió đang từ phía đuôi thuyền thổi lại. Chui qua nhà thuyền, bà nhổ con sào để cho đuôi thuyền về cuối gió.
– Đồ ngu. Muốn nhổ sào cho thuyền ngược hướng gió thì cũng phải nhớ rút cái cầu lên chứ. Không có cầu, tổ sư thằng nào, con nào lên được. Không biết thì để đấy. Lanh cha lanh chanh.
Nghe tiếng quát, bà nhìn lên. Lão Khuấng vác trên vai cây tre đá đã được róc sạch. Loại tre này thẳng, thân to đều, chỉ bằng cổ tay người, lên đến gần ngọn mới vuốt lại, cây thường dài khoảng sáu, bẩy mét, tay không có gai, ngắn và nhỏ. Mắt tre bé, các đốt không sần sùi, chỉ cần lấy dao liếc qua đã nhẵn. Khi tre già, ruột đặc, rất cứng, người ta hay chặt về đẽo vát hai đầu làm đòn càn. Các nhà thuyền thường chọn làm sào chống. Vào mùa gió, nếu thuyền đang bị xoay, chỉ cần lao vào mép đê, tay vuốt giữ cuối ngọn sào là có thể đã neo được.
Đợi bà cắm lại con sào, lão vứt cây tre xuống vạt đê rồi kéo cầu để lên thuyền.
– Ông vừa vào xóm Bãi về đấy à?
– Phải.
– Sào nhà mấy cái còn tốt. Ông lấy về làm gì?
– Lấy về làm gì bà không phải hỏi. Chỉ được cái lắm mồm.
Lão chui vào nhà thuyền lục tìm con dao, loại dao người Mông đi rừng mang theo. Con dao này chỉ khi nào có việc quan trọng lão mới dùng đến. Nó làm bằng thép cứng từ nhíp ô tô rồi đánh sống mà không nung, vì thế, gần sống dao vẫn còn những vết búa đập chứ không nhẵn như các con khác. Loại dao này giống dao chọc tiết lợn của người dưới xuôi nhưng không cắt vuông góc chỗ tiếp giáp cán và tay cầm mà vuốt thành đường cong từ cán dao, phình đoạn giữa rồi nhọn phía đầu. Chỗ phần to nhất của dao cũng chỉ rộng bằng ba bốn ngón tay, dài khoảng hai lăm đến ba mươi phân. Ra khỏi nhà, người Mông bao giờ cũng buộc nó bên thắt lưng. Để tránh bị thương, người ta làm cái vỏ bằng gỗ để đút vào. Tuy dao nhỏ, gọn nhưng có thể chặt, chém, đâm đều được. Nó cũng là thứ vũ khí để người đi rừng tự bảo vệ khi bị thú dữ tấn công.
Lão cầm con dao lên đê róc rồi vuốt lại cho nhẵn các mắt, đốt tre. Nâng lên đặt xuống, ngắm nghía một hồi, lão chặt lấy phía gốc vừa đủ độ dài để sử dụng rồi mang thanh sắt xoắn còn nguyên rãnh, loại mười hai li, một đầu vuốt nhọn, đầu còn lại có ngạnh như lưỡi câu ở hai bên mà mấy hôm trước lão cậm cạch hết đập rồi tôi cả ngày, cắm vào làm mấy động tác đâm nhứ như muốn lao cả người về phía trước mà nhấn. Xong, lão lấy miếng nilon cuốn phía đầu có ngạnh, mang xuống gác dọc thuyền.
– Đinh ba nhà có sao lại phải làm cái này?
– Ai nói cái này là đinh ba. Lúc nào cũng hỏi rợ. Đây là cái lao.
Lôi chiếc điếu bát ra kéo vào lòng, làm ba bốn điếu liền cho đã thèm, lão với tay kéo ấm tích, ngậm vào chiếc vòi, tu.
– Bà cất cái gói chứa bột cây hôm trước đưa cho ở đâu? Cả lọ nọc rắn nữa?
– Tôi giấu nó dưới đáy khoang mũi ấy. Mà ông định đi thả thuốc đánh cá đấy à? Đừng làm thế, nhỡ đâu, người mua ăn phải rồi nguy hại.
– Vớ vẩn. Biết làm gì mà nói.
Lão lục lấy gói bột cây, nhỏ vào đó giọt nọc rắn, trộn đều rồi đem tẩm vào đầu mũi lao. Gác cẩn thận lại chỗ cũ, lão lấy con dao Mông ra mài, thỉnh thoảng lại cạo cạo vào bắp chân để thử. Áng chừng đã sắc, lão giật một sợi tóc, để ngang lưỡi dao thổi. Phù. Sợi tóc bị cắt làm hai. Nhìn lưỡi dao, bà sởn da chân da tay, lo thắt cả ruột. Lão mà sơ suất thì… Chỉ nghĩ thế bà đã sa sẩm mặt mày. Lão đưa mắt nhìn trời, nhếch miệng cười vu vơ.
– Liệu nấu cơm sơm sớm. Trời này chiều nay râm, không có gió. Đầu giờ chiều có việc đấy.
***
Theo lời lão dặn, khi đến quãng giữa khúc Hồn, bà chậm tay chèo, chỉ đủ cho chiếc thuyền trôi trên nước. Lão Khuấng ngồi phía mui, buộc vào một đầu sợi dây dù có mắc chùm lưỡi câu to con gà nhép làm mồi, đầu dây kia buộc vào cọc lèo rồi thả mồi xuống sông. Dùng cây gậy đẩy nó ra xa thân thuyền, lão đứng dạng hai chân, tay cầm lao hướng về phía con gà nhép đang lập lờ trên mặt nước. Khi đối diện với cồn nổi, lão ra hiệu để bà cho thuyền đi thật chậm rà sát vào đám cỏ lúp xúp bên bờ. Hết một lượt lại quay trở lại. Đến lần thứ ba, khi qua chỗ cỏ lau bị nước ngập ngang thân, bà thấy có vệt sóng gợn lên bám theo. Tay lão Khuấng nắm chắc chiếc lao, người hơi ưỡn về sau, mắt nhìn không chớp vào gợn sóng. Từ dưới nước, con vật nhô đầu lên, sần sùi như khúc gỗ lũa. Chiếc đuôi quẫy mạnh, đẩy cả thân đen thùi lũi lao nhanh về phía trước làm nổi lớp vẩy dựng ngược lên khỏi mặt nước. Cái miệng ngoác, những chiếc răng trắng nhởn như hàng răng bừa trên hai hàm mở rộng, táp con gà. Khi miệng con vật vừa khép lại, cũng là lúc lão Khuấng rướn người, dùng tất cả sức mạnh và sức nặng của cơ thể, đâm chiếc lao vào cổ nó. Trúng cú đâm, con vật lắc đầu, đánh đuôi làm thành một dải sóng cuộn lên, hất nước tung tóe vào thuyền. Lão Khuấng đẩy cây lao ra phía giữa sông, khiến con vật bị lật, phơi bụng lên mặt nước. Nhanh như cắt, con dao Mông cắm thẳng vào cái phần trắng vừa nổi lên, lão giật mạnh tay, chuồi người về sau, kéo con dao về hướng đuôi, bật người khỏi thân con vật ra giữa sông. Con vật oằn lên, quẫy mạnh, đập thân vào thuyền. Bám vội hai bên mạn, đầu bà giáng vào vòm nhà thuyền ngã lăn ra. Cái dây dù lão buộc vào cọc lèo căng lên, kéo con thuyền nghiêng về giữa dòng chao đảo…
Tỉnh lại, bà vội nhoài ra ngoài. Bà lo, không chừng, lúc con vật quật đuôi đập trúng thì lão khó mà sống. Máu từ trán bà chảy xuống mặt nước, hòa vào máu con vật. Cả một vùng nhờ nhờ màu máu bao quanh con vật nằm phơi bụng trên mặt nước. Đó là một con cá sấu. Con vật nằm ép mạn, dài gần hết thân thuyền. Liệu lão có nằm dưới thân nó không? Bà cố đẩy con vật ra xa. Bỗng phía mũi díu xuống, có tiếng động mạnh. Lão Khuấng nhô người lên, bám hai tay vào mạn, nhún, bật lên sạp. Lão nới sợi dây dù có chùm lưỡi câu khi trước buộc vào cọc lèo mũi rồi lần tay theo sợi dây nối chiếc lao. Lão thả lỏng dây buộc vào đuôi thuyền, ngay phía dưới chỗ đặt bếp, đẩy mũi ra giữa sông, ra hiệu cho bà chèo về bến. Tới nơi, lão lấy chiếc mủng bơi ngược lại khúc Hồn. Lúc trở về, trong lòng mủng là một chiếc bia bằng đá phủ rêu. Đặt nó lên mặt đê, lão tất tả vào làng. Gió tự nhiên nổi lên. Phía khúc Hồn, có đám mây đen cứ cuộn lên rồi lại sà xuống. Một vài hạt mưa đã rơi lộp độp trên mái nứa. Có tiếng người lao xao từ hướng làng, tiếng bước chân chạy mỗi lúc một gần. Người làng kéo ra chật cả đoạn đê. Có người còn lội xuống mép sông để xem cho rõ con vật vừa bị lão giết. Lão Khuấng đứng trên đê cùng ông giáo, dùng dao cạo sạch lớp rêu phủ trên mặt bia. Ông giáo ngồi xuống, lấy tay sờ sờ lên từng nét chữ. Sau khi xem xét kĩ, ông giáo đứng lên, xuổi tay.
– Đây là bia mộ của người có tên A Voòng. Mấy chữ to nhất ghi: Vân Nam A Voòng chi mộ. Dòng chạy dọc bên cạnh, người ta hay nói là “lạc khoản”, ghi: Đại Thanh Canh Ngọ niên. Tức là, mộ A Voòng, người Vân Nam. Bia mộ này được làm vào thời Đại Thanh, vào năm một ngàn sáu trăm chín mươi.
Đêm ấy, lão Khuấng cứ trằn trọc mãi không ngủ. Lão nhớ lại những ngày còn trên biên giới phía Bắc. Những người dân bên kia muốn chiếm đất của dân mình thường đem người chết sang chôn trộm. Bị phát hiện, họ bảo đấy là đất của họ nên họ mới chôn. Khi già làng chỉ rõ nguồn gốc mảnh đất, họ lại lấy cớ người chết vừa chôn không chuyển đi được, phải chờ ít nhất ba năm. Nghĩa tử là nghĩa tận, thấy họ hứa sau ba năm sẽ chuyển về, bà con đồng ý. Thế là họ bỏ lại, cả chục năm không thăm nom. Rồi đùng cái, lừa bên mình không để ý, họ mang gạch, đá đến xây. Thế là từ đất chôn nhờ, nghiễm nhiên trở thành của họ. Ngày ở trên đó, khi có việc như thế này, mấy anh em lại nói già làng, bảo con cháu ra đấu tranh. Nếu họ không chuyển, dựa vào tâm linh, dọa sẽ cho người đào lên mang sang trả. Lúc đó, động mồ động mả thì gia đình phải gánh chịu. Sau ba bốn lần làm thế, người bên kia mới thôi trò.
Sáng sau, lão Khuấng dậy sớm lắm. Khi bà dậy đã thấy lão đang trên đê với thợ làm bia mộ. Bà lên xem, lão Khuấng đang nói với người thợ, đục vào phía trên đầu tấm bia của A Voòng ba chữ bằng quốc ngữ: Kẻ ở nhờ. Lật phía sau, lão nói thợ đục hai chữ: Việt Nam. Xong, kẹp chiếc bia vào nách, lão xuống mủng, chèo về khúc Hồn.
Trở lại thuyền, lão Khuấng bảo bà nhổ sào mũi. Lão lại phía đuôi, chèo thuyền ngược dòng Hệ về thượng nguồn. Hai cánh tay lão khoan thai, nhẹ nhàng đưa thuyền lướt trên đầu sóng. Được mấy hôm có mưa, đám cỏ tranh vươn lên tua tủa như gươm
PHẠM THANH KHƯƠNG
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: