Dưới chân tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn trong Lễ dâng hương Đức thánh Trần, ai nấy đều cảm nhận không khí vô cùng thiêng liêng nơi đảo xa-một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Trần Nhân Tông).
Nước Việt Nam ta, đất nước của anh hùng và thi sĩ, lên lưng ngựa cầm gươm, xuống yên ngựa làm thơ, những vần thơ hộ quốc an dân đánh đuổi giặc thù mấy nghìn năm còn vang vọng. Đất nước đến như ngựa đá cũng phải lấm bùn bôn ba cùng nhân dân vượt mọi hiểm nguy, nếm mật nằm gai mà dựng nên từng trang vàng sử sách. Đất nước luôn coi trọng nhân dân, đặt nhân dân cao hơn hết thảy mọi ngai vàng như lời của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước lúc lâm chung cầm tay vua nói “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc mới là thượng sách giữ nước” vẫn còn văng vẳng đâu đây.
Lễ chào cờ đầu năm 2023 tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: PHẠM KIÊN
Dưới chân tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn làm Lễ dâng hương Đức thánh Trần. Ai nấy đều cảm nhận không khí vô cùng thiêng liêng nơi đảo xa-một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Tiếng sóng biển ngoài kia như mang theo từ Bạch Đằng giang nguồn cội vượt trùng khơi muôn dặm biển để sắc hồng hòa sắc xanh cùng màu cờ Tổ quốc. “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” đã trở thành câu nói bất hủ không chỉ của sứ thần Giang Văn Minh mà chính là tiếng nói của muôn dân đã đi vào lịch sử. Lịch sử dân tộc ta, đất nước ta, nhân dân ta luôn thấm đẫm máu xương, trí tuệ và khát vọng để có được Tổ quốc đường hoàng, to đẹp, một vị thế Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay.
Hành trình của đoàn công tác qua 10 điểm đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1. Đó là các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le A, Đá Tây B và đảo Trường Sa Lớn. Ở đâu cũng gặp những gương mặt tươi rói, trẻ măng. Ở đâu cũng gặp cội nguồn lịch sử. Cội nguồn từ những tượng đài sừng sững giữa biển trời Tổ quốc như tượng Quốc công Trần Quốc Tuấn đang hiển hiện dưới mây trời. Người trọn đời mơ thái bình, trọn đời cầm gươm trận, tuyệt không màng ngôi cao, càng bỏ buông di hận. Người đã đi vào những vần thơ khí phách đằm đẵm nỗi người. Những vần thơ từ cội nguồn chảy thẳng vào huyết quản người chiến sĩ: “… Ba lần đuổi Nguyên-Mông/ Trần triều thơm sử sách/ Người khoan thư sức dân/ Như mây trời thanh sạch/ Trên đảo Song Tử Tây/ Tượng Quốc công sừng sững/ Như sóng Bạch Đằng giang/ Ngàn năm còn vang vọng”. (“Dưới chân tượng đài Trần Quốc Tuấn” – thơ Phùng Văn Khai).
Đoàn công tác trở về hội trường trên đảo, tôi đứng lặng dưới chân tượng Quốc công. Nhóm chiến sĩ trẻ gác tượng đài gương mặt lông tơ, nước da rám nắng, mắt đen láy thật dễ thương ngồi xuống thềm tượng đài dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông xù xì cội rễ. Các chiến sĩ kể cho tôi biết, mỗi khi gió bão Trường Sa nổi lên cuồn cuộn, tượng Quốc công như dang tay kiếm chắn một vùng sấm sét giữa biển trời.
Trường Sa bắt nguồn từ đâu? Chắc chắn Trường Sa phải bắt nguồn từ nguồn cội. Chỉ có cội nguồn dân tộc, cội nguồn con Lạc cháu Hồng từ thuở hồng hoang đã chia nhau xuống biển, lên rừng sinh cơ lập nghiệp, lập làng, lập nước, lập đảo chủ quyền giữa trùng khơi mới là chỉ dấu đích đáng nhất, danh chính ngôn thuận nhất từ ngàn xưa đến ngàn sau. Trường Sa là cội nguồn dân tộc, là một Trường Sa xanh thắm hòa bình, hòa hiếu với lân bang. Đó luôn là một Trường Sa thẳm sâu đạo lý và vững vàng pháp lý. Một tấc biển Trường Sa, một giọt nước, mỗi hạt cát và cả bầu trời trong mát bao la đều là của chúng ta, của tổ tiên, nguồn cội đã trao truyền tới hôm nay và mai sau lớp lớp cháu con chính là tường đồng, vách sắt gìn giữ hòa bình như gìn giữ trái tim và khối óc của mình. Trường Sa từ nguồn cội ấy là một Trường Sa bất biến của đạo lý hướng tới văn minh của loài người, là một Trường Sa trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân và Tổ quốc.
Nhân dân huyện đảo Trường Sa tham gia Lễ chào cờ đầu năm 2023. Ảnh: PHẠM KIÊN
Hôm nay ở Trường Sa, đi đâu cũng thấy cội nguồn dân tộc, gốc rễ quê hương. Quê hương đi mấy vẫn gần. Đi vạn dặm biển Trường Sa vẫn trong một quê hương thơm thảo. Quê hương càng đi càng trở về nguồn cội. Quê hương càng đi càng tìm được giọt lệ tiếng cười của riêng mỗi chúng ta. Tiếng chuông chùa văng vẳng như khơi dẫn, lan tỏa, thẩm thấu tiếng quê hương. Tiếng chuông chùa cũng là tiếng của khát vọng hòa bình.
Dưới mái chùa đảo Sinh Tồn Đông, bên vị sư trụ trì hiền như tượng, tôi như thấy mình đang ở ngôi chùa làng ngắm tượng đất thuở ấu thơ. Những vần thơ bất chợt từ bao la biển trời Tổ quốc ùa về: “Tiếng chuông chùa ngân vọng/ Trên đảo Sinh Tồn Đông/ Sư thầy hiền như tượng/ Bên lính đảo quây quần/ Từ đất liền ra đảo/ Hương cau thoảng sân chùa/ Lính trăm miền tới đảo/ Thêm tròn đầy tiếng ru-Chuông chùa Sinh Tồn Đông/ Ngân vọng lời tiên tổ…”. (“Tiếng chuông chùa trên đảo Sinh Tồn Đông”- thơ Phùng Văn Khai).
Trường Sa từ nguồn cội chính là từ những tiếng chuông chùa ngân vọng, hương bưởi, hương cau ngan ngát sân chùa. Ngôi chùa làng mạc ngàn đời ông bà ta, mẹ cha ta gửi hồn cốt vào triết lý hiền minh của đạo Phật đang ở đây, giữa các đảo nổi, đảo chìm Trường Sa nghìn trùng sóng vỗ. Tiếng chuông chùa ở Trường Sa chính là một thông điệp từ nguồn cội mang mong muốn hòa bình, sự yên bình để phát triển bền vững tới muôn sau.
Trường Sa từ nguồn cội còn là những lời nói của Bác Hồ như văng vẳng trên sóng biển: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy tâm huyết của Người cũng là khát vọng đã thành hiện thực của Tổ quốc ta, nhân dân ta. “Đêm Trường Sa chúng con nhớ Bác/ Tổ quốc nơi đầu sóng nghìn trùng/ Mà vững chãi hơn tường đồng, vách sắt/ Như trái tim Người thăm thẳm mênh mông” (“Đêm Trường Sa nhớ Bác” – thơ Phùng Văn Khai).
Những lời thơ hòa điệu nhạc trong suốt chuyến hành trình đã như thắp lửa không chỉ mỗi trái tim ở trong đoàn mà còn lan tỏa dài rộng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ nơi đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn DK1. Những đảo chìm nhỏ bé thiêng liêng, bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc. Những người lính đêm ngày chăm chút từng cây rau non, hạt dền, hạt mướp. Cây cối cũng như người thơm thảo Trường Sa.
Trường Sa từ nguồn cội như đất thắm xanh cây. Trường Sa hôm nay các đảo nổi, đảo chìm cây xanh, chim non đều đến ở. Một khung trời vuông góc đảo chìm Đá Nam, Đá Thị quây quần sum họp tới hơn chục loại rau xanh: Mồng tơi mướt mát leo giàn, bí bầu hoa vàng thắm sắc, râu mướp xoăn tít buông dài chùm quả, húng láng, rau đay phởn phơ gió nô đùa. Cải xanh, cải bẹ, cải thìa, cải mèo, cải củ năm, sáu loại. Ớt đỏ, ớt vàng, ớt chỉ thiên cay nắng gió Trường Sa. Nào là riềng, sả, gừng, mơ lông, đinh lăng, toàn vị thuốc gia truyền thân thuộc bên nắm lá vối Trường Sa sóng sánh sâu đậm nghĩa tình. Thế giới rau xanh, cây xanh, cây di sản ở Trường Sa đã và đang in vào từng trang sách.
Đoàn công tác trong suốt hành trình với vô vàn công việc cũng là ngần ấy tiếng cười, tiếng hát vang vọng giữa trùng khơi. Công việc mỗi người đôi khi lặng thầm như muối biển. Thật lạ kỳ như chiếc giếng làng ở một số đảo Trường Sa: “Ngọt ngào như khúc dân ca/ Chiếc giếng khơi ở Trường Sa ân tình/ Thảo thơm bát nước quê mình/ Bao la biển sóng dập dềnh trùng khơi…” (“Giếng làng ở Trường Sa”- thơ Phùng Văn Khai).
Trường Sa đó, thật gần! Trường Sa đó, cột mốc chủ quyền thiêng liêng mà tổ tiên ta từ ngàn năm trước đã lấy máu xương của mình góp thành đất đai Tổ quốc.
Trường Sa từ nguồn cội vững vàng tới muôn sau!
PHÙNG VĂN KHAI- Báo Quân Đội Nhân dân
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: