Triết lý nhân sinh trong cảm thức thơ Hoàng Vũ Thuật

Sinh quyển của thi ca Hoàng Vũ Thuật đầy ắp nỗi buồn và lo âu về thân phận. Thơ của Hoàng Vũ Thuật không có câu chuyện, mà là thơ của những khoảnh khắc bay bổng, nơi chủ thể trữ tình chìm đắm trong cái khắc khoải, sầu muộn không có nguyên nhân cụ thể. Nỗi buồn và lo âu ấy không phải đến từ một sự vụ cụ thể trong đời, mà nó toát lộ từ những cảnh trạng hiện sinh. Nó trở nên phổ quát đến mức trở thành nỗi buồn sâu kín bản thể, tạo ra nền tảng để nhà thơ suy niệm về ý nghĩa của cuộc đời.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Đối với thi sỹ, cái tôi trữ tình là đại diện cho những kiếp nhân sinh mà họ quan sát, gặp gỡ và cảm tưởng. Con người thi ca tìm thấy và chịu đựng được khổ đau của mình, nhưng không chịu đựng được khổ đau của nhân loại. Họ cất tiếng thay cho nhân loại, bằng trái tim đã thấm thía những nỗi đời của mình. Trong hành trang của mỗi con người, cái rung động ngây thơ của tuổi trẻ, cái nổi loạn của thanh xuân trong một lý tưởng hoãn mĩ dần được thay thế bằng sự trầm lắng của con người nhận thức thực tại. Người đời thường chấp nhận rằng thực tại rất khó có thể được cải hoá theo lý tưởng nếu chỉ bằng nỗ lực cá nhân. Nhưng con người thi ca nhận thức sâu hơn điều đó, về tình thế tồn tại của mình, đó là cái thế lẻ loi và cô đơn bắt buộc của con người đối diện với hữu thể, với vũ trụ. Tất cả những mơ tưởng ban đầu của thi nhân vốn đã nhuốm một nỗi lo âu bản năng. Thế nên, thi nhân của tuổi sáu mươi và thi nhân của tuổi mười tám gặp nhau không mấy ngượng ngùng. “Khi ý nghĩa sống trở về/ ông đứng lên bằng trái tim mặt trời ấm áp tinh khôi / đi lại bằng đôi chân cha mẹ cho mình” (Hồi Sinh – Hoàng Vũ Thuật).

Ở nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, ta nhận thấy có một điển hình của cuộc chuyển mình về nhận thức của hai chủ thể: từ con người của đời sống cá nhân đến con người hiện sinh đứng trước vũ trụ. Cái cảm thức hiện sinh của ông cựa quậy và thức giấc trong từng khoảnh khắc, giúp ông bước thẳng từ ngôi nhà, góc phố sang vũ trụ mơ tưởng của riêng mình với đầy những chiêm nghiệm tồn tại: “Thân phận của ngày tuồn vào chiếc phễu khổng lồ của đêm” (Nhịp của đêm). Tư tưởng của thi sỹ nếu được ví như một mũi tên, thì luôn được định hướng để nhắm đến bí ẩn của tồn tại. Sự nghiệp của Hoàng Vũ Thuật đi từ những trải nghiệm cá nhân, đến hoà nhịp với nhân loại, đến xây dựng thế giới của riêng mình và qua đó, đối thoại với vũ trụ và tồn tại.

Âu lo là một trong những phạm trù hiện sinh quan trọng. Âu lo không phải đơn thuần là một cảm giác. Với hiện sinh thuyết, âu lo hiện rõ như một thái độ sống, bởi lẽ “Con người không sẵn lòng để nghĩ suy về tính vĩnh cửu một cách nghiêm chỉnh, nhưng lo âu  về nó. Lo âu có thể bày ra hàng trăm sự thoái thác khác nhau” (Soren Kierkegaard). Cùng với hữu thể, âu lo có trong mỗi con người kể từ khi được “quăng ném” vào thế giới. Âu lo về một tương lai không biết trước, về một hiện diện không chắc chắn, về một ý nghĩa sống chưa được cắt nghĩa rõ. Vô tình bằng những sinh hoạt hằng ngày lấp đầy đi thời gian, dường như con người tránh né được âu lo hiện sinh. Nhưng âu lo hiện sinh vẫn len lỏi và chẻ vụn ra thành những nỗi niềm riêng của từng cuộc sinh tồn: sự mưu sinh, tình yêu, sự công nhận, sự tôn trọng, được và mất, lưu luyến và đáng quên, thăng hoa và cụt hứng, điểm tô và tránh né…Những giải pháp tạm thời được đưa ra, hoặc để giải tán nỗi lo, hoặc để tránh né và chấp nhận sự mất mát, thương tổn, tạo nên những diễn ngôn khác nhau về “kinh nghiệm sống”. Nhưng đó chỉ là “phần ngọn”, âu lo hiện sinh không và không bao giờ biến mất. Vì con người vẫn còn ở đó với cuộc đời hữu hạn giữa vũ trụ vô cùng. Có người tìm đến đáy của âu lo và có người tránh né suốt cuộc đời, một cách phi thường hoặc bình thường. Nhưng chỉ có thi nhân và những nghệ sỹ lớn mới đủ dũng cảm để đối diện và lý giải tồn tại, ôm ấp và nâng niu nỗi âu lo hiện sinh như một nguồn sống của sáng tạo.

Cách nhìn này sang sự nghiệp thi ca Hoàng Vũ Thuật khiến chúng tôi nhận thấy cảm thức âu lo trải dài suốt sự nghiệp của ông. Từ trái tim tuổi trẻ đến mái đầu bạc, cái âu lo hiện sinh cứ chập chùng mai phục, biến thế giới thực tại thành một chất liệu để chủ thể hiện sinh sẵn sàng phóng chiếu nỗi lo (và dường như vì thế, thế giới riêng của Hoàng Vũ Thuật cứ dần dần được xây dựng lên từ những viên gạch nhỏ ngay từ ban sơ? Chúng tôi hy vọng có thể làm rõ điều này trong chương tiếp theo). Ở những tập thơ đầu tay, giai đoạn những bài thơ sau này được in trong tập “Những bông hoa trên cát” (1979), “Thế giới bàn tay trái” (1989) là cảm thức bơ vơ lạc loài trước cuộc đời và tình yêu. Và ở giai đoạn sau, những “Một mai gió chở tôi về” (2019) hay “Người câu gió” (2022) v.v… là cảm thức về cái chết trước một thế giới đổ vỡ, nỗi ảm ảnh hư vô về kiếp nhân sinh.

Ngay từ những tập thơ đầu tiên, một Hoàng Vũ Thuật trẻ trung đã sẵn có cảm thức bơ vơ, lạc loài. Cái cảm thức ấy xen giữa ngay những phút giây tưởng như lạc quan nhất.

Hoàng hôn về thành phố trống trơ

Bức tường đổ vùi trong ráng đỏ

Đã hiện lên trên bầu trời thành phố

Những ngôi sao trong chuyện cổ xa vời

 

Những ngôi sao xanh có tiếng bà cười

Bên bếp lửa ngày xưa bà kể lại

Ngoài đường phố đèn giăng lấp láy

Tôi mơ màng lạc giữa rừng sao

(Hoàng Hôn trên thành phố – rút từ tập “Thơ viết từ mùa hạ” (1984)

Chủ thể trữ tình trong những vần thơ đầu của Hoàng Vũ Thuật là con người mang một nỗi luyến tiếc, hoài vọng về nơi mình thuộc về. Một “cố hương” theo ý nghĩa thực tế. Trong bài thơ “Hoàng hôn trên thành phố”, một sự sụp đổ đã diễn ra bởi hiện thực, sau một cuộc chiến, nhưng cũng từ đó, một điều gì đó mới được phát lộ. “Những ngôi sao trong chuyện cổ xa vời” vọt lên giữa cái mất mát của dáng hình thực tại, chủ thể trữ tình có ngay một chỗ bám víu mới, thông qua một liên lạc về mặt tinh thần với quá khứ. Hiện hữu chỉ là một thuộc tính của tồn tại.  Bức tường – hiện hữu của quê hương – đổ vùi không làm mất đi tồn tại quê hương, khi những yếu tính khác vẫn còn đó: “ngôi sao”, “tiếng bà cười”, “bếp lửa ngày xưa”. Tuy nhiên, ta vẫn nhận thấy có một cái gì đã lay đổ: “tôi mơ màng lạc giữa rừng sao”. Bảy câu thơ đầu đi từ thế giới  bên ngoài đến thế giới nội tâm của chủ thể, nhưng phải đến câu thơ thứ tám mới là một sự đối diện. Cái “lạc” kia là của một cái tôi bâng khuâng giữa hạnh phúc và mất mát như Lưu Nguyễn đã mất đi đường về Thiên Thai. Nhưng tất cả còn rất chìm lặng và lãng đãng của một âu lo vừa chớm nở. Bài thơ nhìn chung mang cảm hứng lạc quan xen lẫn tiếc nhớ của một người vẫn còn tuổi trẻ và còn đủ thời gian để thâu nhận và khám phá những  biến đổi của hoàn cảnh bên ngoài lẫn tâm tình bên trong mình.

Nhưng men theo sự nghiệp thơ Hoàng Vũ Thuật, cảm thức ấy cứ lớn lên mãi không thôi. Một Hoàng Vũ Thuật bị bứng đi khỏi điểm tựa quê hương không phải bởi ngăn cách không gian, mà bởi trở lực thời gian. Ở các tập thơ như “Đám mây lơ lửng” chẳng hạn, ta bắt gặp một thi nhân thực sự đã tiến gần đến chân trời hiện sinh:

Tôi đã xa

dòng sông chảy ra từ mái tóc thơm huyền thoại

cây cầu bắc ngang cổ tích

người bạn thơ hoàng tộc dỗi hờn

(Tôi đã xa – rút từ tập “Đám mây lơ lửng” – NXB Hội Nhà văn, 2000).

Ta có một gạch nối của “Hoàng hôn trên thành phố” đến “Tôi đã xa”, sau mười sáu năm giữa hai lần xuất bản, cái tồn tại quê hương trong tinh thần rồi cũng đi mất. Nhưng lần này không phải là một tác động ngoại lực nữa, “tôi đã xa” là một mệnh đề chủ động. Cái “tôi” ở đây dường như là cái tôi được quan sát, là phần tôi được nhìn nhận đã tách mình đi khỏi thế giới tinh thần nguyên sơ không sao cứu vãn được. Đó là tình thế lạc lõng mà chủ thể trữ tình chỉ có thể chọn tư thế quan sát và tường thuật. Nhưng cũng từ đây, thơ Hoàng Vũ Thuật nhuốm màu lạc lõng, một cái lạc lõng ban đầu do một tình thế hiện sinh (sự tách mình ra khỏi không thời gian cũ) – nhưng về sau, lạc lõng như là một quê hương mới. Con người bị bóc khỏi thế giới ý nghĩa – hay được gọi bằng thuật ngữ Lebenswelt trong triết học Edmund Husserl – một vũ trụ của những gì tự hiển nhiên hoặc được cho sẵn, được định nghĩa trước. Thế rồi nghĩa ấy lung lay dần, và người thi nhân phải đối diện với vũ trụ trần trụi của hiện tượng luận.

“Tôi đã xa

bậc cầu thang xoáy hình trôn ốc

sự lặp lại mỏi mệt đời thường

chiếc ổ khoá Hải Phòng dễ mở

để vào ngôi nhà tạm

phên nứa ngăn từng ô

đôi khi tôi bước nhầm qua nhà hàng xóm

thời vua chúa vẫn còn đâu đây”

Sự lạc lõng được luỹ kế lên trong những đoạn thơ tiếp theo, cao trào tập trung ở chính giữa bài thơ: “Đôi khi tôi bước nhầm qua nhà hàng xóm”. Cái “mỏi mệt đời thường” không còn làm phiền tác giả nữa, trái lại, nó thuộc về một thế giới quen đã xa rồi. Mảnh vụn ấy của âu lo hiện sinh đã được xếp vào những gì cũ hỏng. Cái cần giải quyết trong cuộc đời bây giờ đã lớn hơn. Dứt khỏi cố hương tinh thần, cái tôi trữ tình bước qua không – thời gian và hiện hữu ở một nơi khác: “thời vua chúa vẫn còn đâu đây”. Đây là cuộc dịch chuyển của tôi sinh hoạt đời thường và tôi hiện sinh. Tôi sinh hoạt đời thường là của nhà xưa phố cũ, “chiếc ổ khoá Hải Phòng”, dứt bỏ ngay cả chính cái nhớ nhung xưa cũ, thành một tôi không còn đoái hoài:

“tôi đã xa cả niềm nhớ nhung

ngày mỗi ngày lớn dậy

như cây bồ đề vụt cao trong những ngôi chùa cổ

như cơn mưa nơi ấy

kéo dài dầm dã tới nơi đây”

Cái từ chối dấu vết đời thường không phải là một tư tưởng, mà là một cuộc tự suy tư về bản thể. Dường như dưới bề ngoài của một cái tôi “đã xa” là một cái tôi hiểu đúng về hiện sinh của mình hơn.

“Anh cũng vậy giữa mà sương phủ

Sánh sao cùng trinh trắng tình em

Hãy chôn đi những vần thơ xấu số

Để trời xanh muôn thuở bình yên

(Những câu thơ tôi viết)

“Còn tôi như đứa trẻ, lại như người già

Bật khóc khi cơn đau, hạt cơm khi nhạt miệng”

(Đám mây lơ lửng)

Sinh quyển của thi ca Hoàng Vũ Thuật đầy ắp nỗi buồn và lo âu về thân phận. Thơ của Hoàng Vũ Thuật không có câu chuyện, mà là thơ của những khoảnh khắc bay bổng, nơi chủ thể trữ tình chìm đắm trong cái khắc khoải, sầu muộn không có nguyên nhân cụ thể. Nỗi buồn và lo âu ấy không phải đến từ một sự vụ cụ thể trong đời, mà nó toát lộ từ những cảnh trạng hiện sinh. Nó trở nên phổ quát đến mức trở thành nỗi buồn sâu kín bản thể, tạo ra nền tảng để nhà thơ suy niệm về ý nghĩa của cuộc đời.

Trong suốt hành trình thi ca, sau khi đã trải qua binh biến, được mất của một cái tôi trong cõi người ta, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chọn một ngả đường lớn, đó là đi truy tầm ý nghĩa của cuộc đời. Không có một câu hỏi nào cụ thể, nhưng bàng bạc trong thơ ông lại là băn khoăn liệu cuộc đời có đáng sống hay không? Thường thấy trong thơ Hoàng Vũ Thuật là một sự gắng sức lý giải điều này, trong tình yêu, trong ám ảnh về cái chết, đôi khi bất lực, đôi khi tràn đầy niềm tin. Nhưng điều quan trọng nhất, ánh mắt của nhà thơ nhìn về phía đó, phía của bí ẩn tồn tại. Nhìn về phía này: nhà thơ nhận thấy cái chết vẫn còn đang chờ đợi. Trái tim của thi sỹ vừa tin yêu cuộc đời nhưng vừa lo sợ đã bỏ lỡ đi những gì đẹp đẽ trác tuyệt, và không còn cách nào nữa để với tới đích đến của tồn sinh, bởi thân phận thì hữu hạn, thời gian thì vô cùng.

Với tất cả những cảm quan đã biểu lộ, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chọn thế đứng của con người hiện sinh, giao cảm với vũ trụ, cố gắng lật mở, lý giải và chịu đựng cái bất lực lưu đày tất yếu. Từ đó, nhà thơ nhìn thấy nhân loại, thấy mọi kiếp người và thấy mình trong bức tranh chung ấy.

LÊ NGA

(Trích nguồn: Vanvn.vn)