Đò ơi- Tản văn của Doãn Thị Ngọc Bạch

Bạn đã bao giờ giật mình thảng thốt giữa đêm sương bởi tiếng ai đó gọi đò chưa? Tiếng gọi giống như tiếng vẫy cánh của con chim lạc đàn giữa mênh mông! Cái âm “Đò…” vừa thoát khỏi miệng đã tụt xuống tựa tiếng nấc cụt…  Rồi, từ đáy thẳm tâm hồn, năng lượng bỗng tụ lại với sức mạnh của niềm mong vọng…trào lên tha thiết: “ơ…ơ…ơi…”. .. “Đò ơi…”!

Làng ven sông Đáy. Bến đò ngang gắn kết tơ duyên của hai làng nông tang Thành Vật (Ứng Hòa) và Đức Thụ (Mỹ Đức)… Nông sản, hàng tiêu dùng  lại qua giữa chợ Đình và chợ Thụ; bà con tắt lửa tối đèn hai phía phù sa; thôn dã đi tìm ánh điện  đô thị; đô thị mệt nhoài khát ngọn gió quê… Đò ngang đâu chỉ chở người qua sông, mà chở bao nỗi niềm của cả một thời lao đao mà sâu nặng tình người…

“Bác Lái ơi, ai gọi đò đêm qua thế nhỉ”? “Có đứa trẻ ốm, đi viện Vân Đình”! “Thế còn sáng sớm nay”? “Là anh bộ đội trả phép”! “Vậy lúc giữa trưa nắng ạ”? “Là ông nhà thơ ngơ ngác lạc đường đấy”… Ôi giời! Ở cái vùng này, có lẽ bác lái biết nhiều chuyện nhất. Bến sông đây mà thiếu bác lái thì buồn chết đi được! Mà cái đò nằm không thì thật vô nghĩa, khác chi con người ta không có duyên với công việc, ăn không ngồi rồi, nói khoác nói lác, chả ai ưa! Nói cho công bằng, bác lái là người tử tế thật! Mấy mươi năm chở đò ngang, chưa để ai phải thất vọng dẫu nắng hay mưa, ngày hay đêm. Cũng chưa xảy ra chuyện lỡ chân, lạc dòng. Ai xuống đò thế nào thì không biết, nhưng cứ sang sông rồi  lòng lại nhẹ tênh, phơi phới chào nhau, hẹn ngày gặp lại…

Mình đã qua đò ngang bao lần? Sao mà nhớ được!Theo cậu sang sông chơi; theo dì ra phố ăn kem; gánh nhót cùng mẹ sang bến xe Vân Đình để mẹ đi xe hàng ra thị xã bán, thêm tiền nuôi đàn con ăn học; rồi đi học xa và về quê; rồi đi đón một người dưng mà người dưng lỡ hẹn để mình lúc chập choạng lại “Đò ơi!”… Nhớ cái mũi thuyền mòn vẹt. Bác lái nói giọng Thành Vật vui tai, nhìn thấy mình, bác bảo: “Cô con cụ Lang Thụ à? Lấy rẻ, hai hào thôi!”. Nhớ mùa nước mênh mông, dòng sông dềnh lên tới tận gốc đa Thành Vật. Những cuộn sóng ngầu đỏ xoáy mãi vào con đường đất lở lói. Mình có biết sợ là gì đâu, cứ bước xuống đò… Rồi chòng chành, rồi ngang sóng, lại xuôi xuôi, chéo chéo con nước…Nhìn bèo tây từng cụm trôi trôi; cành cây, rều rác lênh đênh… chẳng nghĩ ngợi gì. Sang được bờ, cách bến đò làng mấy chục mét phía dưới. Nghĩ lại, bây giờ mới thấy ghê. Nhưng còn hơn trẻ em miền núi mới vài năm gần đây thôi, phải bám vào sợi dây mà đu trên đầu lũ, sang sông đi học! Cũng chưa phải đi cầu khỉ chênh vênh trên vài thân tre, mắt chả dám nhìn xuống dưới…

Đò yêu ơi! Vui nhất là khi thuyền cập bến, thấy mẹ quảy quang gánh nhẹ tênh bước lên bờ. Hàm răng đen cười tỏa sáng lung linh. Má lúm đồng tiền như hai nụ hoa, ngây ngất đàn con… Và cũng thật vui sao khi chính mình cập bến, bước vào vòng tay của hai con, nghe chúng reo những câu không lời “Con yêu mẹ!”.

“Đò ơi…”! Ai khóc như mưa… khi vừa về đến bến, bác lái đò nói nhỏ: “Bà ngoại cháu mất rồi! Về nhanh còn kịp!”. Lúc xuống đò, bác cũng chẳng lấy tiền, chỉ nhìn với con mắt vời vợi cảm thông! Lại một ngày đau thương khác, chở hai con nhỏ cũng vừa chạm bến, thấy cậu ruột xuống đò.  Cậu khóc nấc: “Bố cháu vừa mất rồi, cháu ơi!”… Nước mắt không rơi nổi! Ruột gan đau quặn…phải vịn vào bác lái, lên đò…

“Đò ơi!…” niềm vui qua nhanh giống như tuổi xanh. Mới đó mà đã vài chục năm có lẻ. Sợi tóc tên đầu phảng phất màu tro xám… Bến đò một thủa nay là bến cầu phao, và sắp tới, cầu phao cũng hết nhiệm kì, nhường chỗ cho cầu bê tông cốt thép. Sông xưa giờ ít lũ vì nước đầu nguồn đâu đó đã bị chặn lại. Ít phải lo lụt lội nhưng lại xót xa chứng kiến dòng sông teo tóp gượng trôi xuôi, khác gì con người vừa qua cơn bệnh nặng, gượng dậy tập đi… Những cánh đồng khát nước réo gọi! Cỏ cây phạc phờ giơ cánh tay lá xác xơ kêu cứu…Hồn đò xưa phảng phất đâu đây qua tiếng gió thì thào trên lũy tre đầu bãi…

Những chuyến đò của mỗi người thì vẫn cứ sang sông, sang sông… Có chuyến xuôi chèo mát mái, có chuyến sóng dữ gió to… Quan trọng là người sang sông luôn tĩnh tâm để tự lái con thuyền an toàn tới bến. Những bến mới lại mở ra phía trước… Và đâu đây, tiếng gọi “Đò ơi!” vang lên khỏe khoắn , tha thiết lạ thường!

                                                                             Hà Đông, ngày 24/2/2023

Doãn Thị Bạch Ngọc