Màu sắc đặc trưng của đa phần tác phẩm hội hoạ mùa Thu dường như là tông màu ấm (vàng, cam, đỏ) được gợi bởi thiên nhiên thay áo trong sương khói bồng bềnh. Dải màu này cũng luôn lộng lẫy và lãng mạn trong các bức tranh thu. Bằng một cách nào đó, dẫu ngần ấy màu, tranh thu của Hoàng A Sáng vẫn mang chất riêng của núi rừng – ảo diệu và đầy bản sắc.
Bức tranh Mùa Thu của họa sĩ A Sáng
“Thực ra, trong nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng, không ai quy định về tông màu ấm khi sáng tác về mùa thu. Với nghệ thuật không có đúng – sai, chỉ có đẹp hay không đẹp, đề tài cũng chỉ là cái “cớ” để nghệ sĩ thể hiện… Nhưng riêng mùa thu, hình như có gì đó hết sức đặc biệt. Thời tiết lúc này rất dễ chịu, không nóng quá, cũng chưa lạnh quá, nắng gió chan hoà, đặc biệt là sáng sớm của mùa thu, một cảm giác thanh nhẹ, sương sớm bồng bềnh, đôi lúc man mác lạnh, thỉnh thoảng lại ấm áp. Lúc này, pha một ấm trà nóng, nhón một chút cốm xanh, hay ăn thật chậm một củ khoai lang, rồi nhấp ngụm trà… Tôi thấy mọi thứ bay bổng, êm dịu, thanh khiết đến thiêng liêng… Tôi ngẫm, cũng không hẳn do thời tiết, mỗi mùa đều có cái hay cái dở của mình, chỉ riêng mùa thu là không có tí dở nào với thời tiết, bởi mùa thu đã lấy hết cái hay của cả bốn mùa: sáng sớm se se lạnh, gần trưa hơi oi oi, cái oi oi này chỉ đủ để trán ta lấm tấm mồ hôi nhẹ, nhưng đến trưa lại man mát, càng về chiều thì càng dễ chịu. Tôi có cảm giác buổi hoàng hôn mùa thu là tất cả như đã no đủ, ăn cái gì cũng ngon, uống cái gì cũng dễ, rồi đi vào giấc cũng cũng hết sức nhẹ nhàng…
Có lẽ vì thế mà ở xứ xở của chúng ta, mùa thu đã từ ngàn năm nay đi vào nghệ thuật. Các bậc tiền bối đã có những vần thơ hay đến tuyệt tác về mùa thu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, “Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng” (Nguyễn Du), rồi các ca khúc Hà Nội mùa thu, những bức tranh mùa thu Hà Nội cứ thế ra đời và không ai quy định, cũng chẳng ai bắt buộc mà cái tông màu vàng, màu ấm, màu nâu, nhưng cứ thế chúng tự nhiên hiện ra. Có lẽ, chỉ với tông màu đó mới lột tả được mùa thu. “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ một cái thuyền câu bé tẻo teo… (Nguyễn Khuyến), thơ viết thế đã thành tranh mất rồi, nhưng các hoạ sĩ chẳng mấy khi vẽ một cái ao lạnh lẽo, bởi khi ấy, không khí thu đang ấm áp, cảm xúc và tinh thần rất sảng khoái, thế nên rất ít hoạ sĩ nào lại chọn màu lạnh. Với tôi, một khi đã thu thì nên ấm áp và cái ấm áp này không nên nóng như màu đỏ, hoặc gắt như màu cam, hay thâm trầm như nâu, buộc phải là vàng, các loại vàng: vàng chanh – vàng thư – vàng nhạt – vàng đậm – vàng ngả xanh – vàng ngả cam – vàng ngả nâu – vàng chính nó…
Trong hội hoạ, màu lạnh thường được dùng trong những bức tranh cần lột tả sự tĩnh lặng, thâm trầm, tông màu này những hoạ sĩ kiểu như tôi – thích sự tĩnh lặng, yên bình, nói cách khác là tranh rất “hiền” – thường hay dùng. Người ta nói, người thế nào, tranh thế nấy, tính hoạ sĩ hoạt bát, sôi nổi, thích khám phá (ngoại cảnh, nội tâm), ưa sự mạnh mẽ, muốn gây ám ảnh… thường dùng nhiều màu nóng, ngược lại, tuýp người như tôi ưa dùng tông màu lạnh, cũng có thể tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi, cái tông màu lạnh đã ăn sâu vào tâm trí mình…
Chỉ riêng mùa thu – mùa thu của núi rừng – thì có một sự “dịch chuyển” kỳ lạ, tôi tự gọi là sự biến hình kỳ vĩ của núi đồi, sự gột rửa của dòng sông, sự trở mình của cánh đồng… Tất cả đang xanh biếc, bỗng nhiên chuyển dần sang màu ấm. Bắt đầu từ những rặng núi, qua một mùa hè, cây cối xanh tươi, chỗ nào cũng xanh rậm rì, nhưng chỉ một đêm, khi những đoá cúc dại nở rộ – một màu vàng óng ả bắt đầu xâm lấn, đúng như kỹ thuật pha màu trong hội hoạ, màu vàng đi đến đâu thì màu xanh chuyển sắc đến đó, núi bắt đầu từ từ chuyển sang sắc vàng – xanh, rồi xanh nhạt, rồi vàng nhạt và cuối cùng là vàng chín.
Khi những đợt cúc dại nở, mới chỉ phần chân núi chuyển màu vàng ấm, rồi những cây xau xau (một loại phong núi) chuyển mình thay lá – một nốt nhạc cao trào của mùa thu núi rừng. Vừa hôm qua, rừng xau xau vẫn xanh ngan ngát, sớm nay thức dây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi màu vàng bất tận hiện ra. Bây giờ thì cả dòng sông cũng không chịu được nữa, bóng vàng của rừng cây đổ xuống, màu vàng lấn át tất cả. Đặc biệt hơn, khi ấy cánh đồng cũng vừa gặt xong, những gốc rạ cũng chuyển sang màu nâu thẫm như nhấn thêm một chút đậm đà cho toàn thể bức tranh…
Tôi nghĩ, không chỉ hoạ sĩ, ngay cả các nhạc sĩ khi sáng tác về mùa thu, bị mùa thu chi phối thì màu vàng đã mồn một hiện ra, tôi thấy cả nốt nhạc cũng rơi như lá vàng mùa thu. Thế thì hoạ sĩ như chúng tôi làm sao chịu được? Cảm xúc lúc này cũng bay theo màu vàng, tay và bút một cách tự nhiên tìm đến màu vàng và vội vàng pha chúng như chính cách chuyển dịch từ hè sang thu…
Thế rồi, những buổi hoàng hôn mùa thu, khi những cơn gió từ phương Bắc đổ về, bạn sẽ được chứng kiến một màn ảo thuật của thiên nhiên. Gió cuối mùa nên lúc mạnh lúc nhẹ, khi gió mạnh, cả một cầu vồng lá vàng bay lên, chúng to lớn, lấn át, xào xạc như một con rồng hiện hình, tất cả vàng lấp lánh. Chúng bay qua cánh đồng, vượt lên sườn núi. Chúng hùng vĩ, kỳ ảo, rít vang như nốt nhạc quãng tám, rồi bất thình lình tan ra vì gió ngớt. Lúc này chúng lại rơi xuống như một cơn mưa lá vàng, lấp lánh, lấp lánh, lấp lánh như câu kết đẹp nhất của một bài thơ hay!
Bạn biết đấy, hội hoạ là nghệ thuật của thị giác, hoạ sĩ cũng như người thường, cảm thụ thiên nhiên bắt đầu bằng thị giác, sau đó là khứu giác và tất cả các giác quan. Cả tôi và bạn, nếu đứng trước mùa thu thì tất thảy đều phải công nhận với nhau rằng, mùa thu ngoài sắc vàng, còn có mùi sạch sẽ, thơm tho và cuối cùng là sự biến ảo kỳ vĩ của thiên nhiên. Thế nên, là hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, kĩ sư, bác sĩ… hay anh công nhân, chị lao công… Chúng ta đều như nhau, vì chúng ta là con người và được mùa thu ban tặng một năng lượng tuyệt vời.
A Sáng
Bài viết liên quan: