Dọc đường thơ ấy gặp những người lính trấn ải Lưu Đồn – Bút kí của Nguyễn Đình Tú

Ở đời, ngẫm cho cùng, đi lại những con đường mà các thi nhân đã đi là cách làm cho cuộc sống trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Tôi đã dành nửa đời người để đi theo con đường mà một thi sĩ tài danh đã đi qua, nhưng mỗi lần cất bước trên con đường thơ ấy, tôi vẫn thấy mình đi mãi không hết hành trình chứa đựng những câu chuyện huyền thoại về một đội quân “kể mãi không hết những điều kỳ lạ”.

Mới hay con đường Tây Tiến năm xưa trập trùng xa ngái trùng bởi những câu thơ vô tiền khoáng hậu của nhà thơ Quang Dũng, nay lại càng trở nên xa ngái trập trùng. Con đường nhà thơ Quang Dũng bắt đầu hành trình của mình là từ đình làng Hoàng Xá (Ứng Hòa, Hà Tây cũ), ngược lên Hòa Bình, qua Sơn La, đến Thanh Hóa, sang Lào, rồi về nơi đầu nguồn sông Mã, để  sau này có con đường  Tây Tiến huyền thoại in đậm trong tâm tưởng người yêu thơ. Hành trình con đường thơ không có điểm kết thúc, hơn nữa còn mời gọi người ta cất bước trên con đường hiện thực. Đó là con đường thực sự thử thách bước chân chinh phục của người lữ hành lãng mạn.

Cũng phải nói thêm rằng, dẫu là con đường tâm tưởng hay là con đường hiện thực thì con đường mà tôi muốn nói đến là con đường của đoàn binh Tây Tiến có chàng đại đội phó Quang Dũng tham gia. Nói thế là bởi vì, trước đó từng có một đoàn binh Tây Tiến khác, sớm rời Hà Nội ra đi ngay sau ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đơn vị Tây Tiến đầu tiên ấy mang tên Đội võ trang trinh sát miền Tây, gồm 200 thanh niên Hà Nội đã ngược Sơn La, qua Sầm Nứa, đánh một trận Mường Láp tưng bừng, vỗ mặt đơn vị lính Pháp đầu tiên vừa lăm le quay trở về từ Vân Nam, Trung Quốc.

Nếu gọi Đội võ trang trinh sát miền Tây là đội Tây Tiến 1 thì Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào – Việt có chàng Đoàn phó tên là Quang Dũng là đội Tây Tiến 2. Sau này sẽ còn những đội Tây Tiến khác nữa, hợp nhất lại ở qui mô trung đoàn, khi ấy cuộc kháng chiến chống Pháp đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Con đường mời gọi tôi đi suốt một đời cầm bút mà tôi đang nói đến ở đây, chỉ là con đường mà Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào – Việt đã đi qua mà thôi. Con đường ấy đã được Quang Dũng huyền hoặc hóa bằng thơ ca, để tôi cũng nhiều lần lạc vào những mê lộ biên viễn, ngỡ như không thể tìm được lối ra.

Lần này, tôi muốn đưa cảm xúc của mình vượt thoát qua những mê lộ miền Tây xứ Thanh, hòng minh định một cung đường thơ vốn bao phủ quá nhiều giai thoại. Tôi đi cùng Hồ Ngọc Thu, một người cũng từng bị những câu thơ của Quang Dũng “ám” suốt từ những năm còn ngồi trên ghế phổ thông. Thu người huyện Nghi Sơn, tuổi Quý Sửu, cầm tinh con trâu. Hơn 30 năm tuổi quân, cả đời sống với đường biên, cột mốc, mang lon thượng tá quân hàm xanh nhưng nhìn Thu mảnh khảnh, thư sinh như một thầy giáo cắm bản vùng cao. Trước khi về làm phó chủ nhiệm chính trị biên phòng tỉnh, Thu là chính trị viên của Đồn Na Mèo. Na Mèo bây giờ thuộc huyện Quan Sơn. Nhưng ngược quốc lộ 47 lên đến ngã ba Đồng Tâm, chúng tôi không rẽ vào đường đi Quan Sơn mà bập vào quốc lộ 15A đi huyện Quan Hóa. Đi đến cuối đường 15A thì thị trấn Hồi Xuân hiện ra trong mắt tôi. Cái thị trấn nhỏ tí, chừng hai ngàn hộ dân bám theo mặt đường với 8 dân tộc Kinh, Thái, Mường, Hoa, Dao, Thổ, Tày, Nùng sinh sống đã không còn một mái nhà lợp ngói nào nữa. Thấy tôi cầm máy ảnh đi tới, đi lui suốt chiều dài ngắn ngủi của thị trấn như tìm một điều gì đã khuất lấp, Thu hỏi: “Nhà văn tìm gì?”. Tôi bảo: “Tìm một mái ngói thật xưa cũ”. Thu lắc đầu bảo: “Không còn đâu”. Đúng là không còn thật. Chỉ có những ngôi nhà xây bằng gạch, đổ mái bằng, lợp mái tôn hoặc mái fibro xi măng. Tôi muốn tìm lại hình ảnh từng làm cho những người lính Tây Tiến ôm nhau sung sướng sau ba tháng vùi mình trong những hẻm núi bọc sương. Nhưng tuyệt không thấy một mảnh ngói nào sót lại ở thị tứ vùng biên này. Thu hỏi: “Những mái gói kề nhau ở thung lũng này có gì đặc biệt?”. Tôi bảo, trong hồi ký của mình, thi sĩ xứ Đoài kể rằng, những người lính ấy lần đầu xa nhà, xa phố, mấy tháng trời chỉ trông thấy màu xanh, chỉ trông thấy mây và những đỉnh núi, chỉ leo lên những dốc ngược đứng, chỉ sống trong những căn nhà sàn lúc nào cũng thoảng mùi phân trâu, nay họ thấy nhà gạch nóc ngói như thấy lại phố xá, như được về với miền xuôi, nên đã nhảy cẫng lên, mừng vui khôn xiết. Nhưng rồi họ đã thoáng thất vọng khi biết đây chỉ là một thị tứ vùng biên. Dân số lại đa phần là người Hoa và người theo đạo Công giáo. Nghĩa là lại phải làm lại từ đầu công tác vận động tuyên truyền. Đồng bào người Hoa đóng cửa không tiếp bộ đội Việt Minh, bà con giáo dân chỉ biết đến Chúa và cha xứ, không biết đến Cụ Hồ. Đêm diễn kịch đầu tiên đồng bào không đến xem. Muốn tiếp cận và vận động bà con giáo dân thì phải tiếp cận cha xứ. Thế là chờ đúng thời điểm cha xứ làm lễ cho các con chiên ngoan đạo thì tiếng kèn Tuba ồm ồm vang lên, rồi tiếng trống Grosse caisse đệm vào thình thình như sấm, rồi kèn Trombone, kèn Saxophone, kèn Clairon, kèn Clarinette… cả bốn chục nhạc cụ cùng chơi bài Ave Maria, bài Mừng Chúa giáng sinh và một số bài mới sáng tác của Hội Thánh Việt Nam. Bà con giáo dân từ ngạc nhiên chuyển sang cảm động, từ cảm động chuyển sang yêu quý những người lính của Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào – Việt lúc nào không hay. Thế là bà con mời bộ đội Cụ Hồ vào nhà, mang quần áo đến cho bộ đội mặc, đưa gạo, thịt, hoa quả đến cho bộ đội ăn để lấy sức diễn kịch. Đêm kịch nào bà con cũng đến xem đông nghịt. Ngồi hàng ghế đầu bao giờ cũng là ông cha xứ tóc bạc phơ và ông lý sự vụ Hoa kiều đầu hói bụng phệ. Được chừng nửa tháng, khi quân đã khỏe, nhiệm vụ tuyên truyền đã xong, bà con giáo dân và Hoa kiều đã hiểu, đã một lòng ủng hộ công cuộc kháng chiến kiến quốc của chính phủ Cụ Hồ, thì những người lính Tây Tiến lại tiếp tục lên đường.

Rồi các cụ đi đâu? Tôi quay sang hỏi Thu: “Anh qua lại đất này nhiều, có thấy quanh đây có cái bến sông nào không?”. Thu lắc đầu, sông Mã và sông Luồng phía trên này dốc và hung hiểm lắm, dân không qua lại bằng thuyền, làm gì có cái bến đò nào! Tôi hỏi: “Thế lên Mường Lát đi lối nào?”. Thu chỉ cho tôi chiếc cầu ở cuối thị trấn, nằm vắt qua sông Mã, cũng là điểm cuối cùng của quốc lộ 15B để nối vào với tỉnh lộ 520 đi lên cổng trời Mường Lát. Tôi đứng giữa cầu chỉ xuống bờ đông, bảo: “Đúng rồi”. Cái gì đúng rồi, Thu nhìn tôi ngơ ngác. Đây chính là bến Hồi Xuân. Khi những người lính Tây Tiến chuẩn bị rời bến này để sang bờ tây, họ đã vô cùng bất ngờ khi thấy một hàng dài người già, phụ nữ và trẻ em kéo từ thị trấn Hồi Xuân ra đây tiễn “các anh lên biên giới công tác”. Trong đoàn người ấy có một thanh niên lực lưỡng gánh theo hai thúng quà nặng trĩu để tặng cho bộ đội Tây Tiến. Trong gánh quà ấy, quí giá nhất là 2000 viên ký ninh còn nguyên trong hộp sắt tráng bạc. Chỉ có những Hoa kiều giỏi buôn bán mới kiếm ra được số thuốc quí hơn vàng như thế. Hồi Xuân có lẽ là điểm dừng chân thư thái và yên bình cuối cùng của đoàn binh Tây Tiến. Bắt đầu từ đây, họ liên tục phải đối mặt với những dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, heo hút cồn mây súng ngửi trời…

Đúng là đèo dốc quanh co, cứ lên mãi, lên mãi, núi nối tiếp núi, đèo nối tiếp đèo, nhìn sang trái chỉ thấy những vách xanh lừng lững chắn ngang tầm nhìn, quay sang phải vực sâu thăm thẳm, mở ra những lòng thung trải dài ngút ngát. Lúc đầu tôi còn đếm, một đèo, một đèo, lại một đèo, một dốc, hai dốc, lại ba dốc, nhưng rồi tôi chả làm cái công việc vô nghĩa ấy nữa. Đếm thế khác gì đếm có bao nhiêu cái ngã tư có đèn xanh đèn đỏ ở Hà Nội. Cho tới khi chúng tôi dừng lại dưới một gốc đa trên đỉnh Pu Noọc Coọc thì Thu bảo tới cổng trời Mường Lát rồi nhà văn ạ. Trước mắt tôi, nhìn về biên viễn phía tây mở ra cả một khoảng mênh mông trời xanh mây trắng. Viền theo đường chân trời là núi đồi nhấp nhô, uốn lượn, thấp thoáng những bản làng chênh vênh, nép mình bên khe núi. Cúi xuống sườn đồi ngay dưới chỗ tôi đứng là rải rác những căn nhà mái tôn vách gỗ của những người Mông bản Khằm nằm vắt ngang cổng trời. Tôi nói với Thu, nhà thơ Quang Dũng chọn địa danh nào đưa vào thơ thì địa danh đó hóa thành bất tử. Ông không đưa Hồi Xuân vào trong bài Tây Tiến có lẽ vì cái tên đó không đặc trưng miền núi lắm, đã là một thiệt thòi cho thị trấn bé nhỏ xinh đẹp ấy rồi, nhưng cổng trời với những địa danh như bản Khằm cũng không thấy ông nhắc đến thì kể cũng lạ nhỉ?

Thu bảo, thời ấy cái chỗ tôi và nhà văn đang đứng đây không có tên, hoặc mỗi dân tộc gọi nó bằng một cái tên theo kiểu của mình, như đồng bào Thái gọi đỉnh đèo này là Pu Noọc Coọc vậy. Ngay cả mấy chục hộ người Mông kia cũng chưa có mặt ở đây vì họ mới di cư về khu vực này từ năm 1996. Cái tên Cổng Trời chỉ được gọi từ năm 1975, khi đơn vị thanh niên xung phong đầu tiên của Thanh Hóa mở đường lên đến đây. Lại cũng có đồng bào gọi đây là Vùng Trời Thủng, vì nghe nói ngày xưa mưa ở đây kinh khủng lắm. Mưa dầm dề hàng tháng. Mưa như thủng trời vỡ đất. Mưa như nước thiên đình trút cả xuống chỗ này. Mưa khiến nước suối dâng lên đột ngột, cao tới hàng chục mét, đục ngầu, cuộn xiết, chảy đến đâu như cào cấu, moi ruột núi đồi ra đến đấy. Những người lính mở đường qua đây theo miêu tả trong tiểu thuyết Vùng trời thủng của nhà văn Kiều Vượng từng bị hổ vồ, trâu rừng đuổi, lợn lòi nhay, rắn độc cắn, ong đất đốt, nứa lao xuống xọc lòi ruột… Cứ thế mà suy ra thì cái thời đoàn binh Tây Tiến qua đây có lẽ cổng trời này cũng chỉ là một đỉnh dốc như bao đỉnh dốc mà họ đã từng đi qua mà thôi. Nếu phải chọn một cái tên dốc để đưa vào thơ thì sẽ không có cái tên dốc nào đáng nhớ hơn hình ảnh anh bạn dãi dầu không bước nữa, gục lên súng mũ bỏ quên đời…

Tôi gật gù đồng ý với Thu, nhưng tôi vẫn ngó nghiêng xem liệu có con đường tắt nào bắt vào với cái yên ngựa có tên là cổng trời này không. Không có. Vậy thì hẳn cái dốc ấy nằm dưới lớp đường nhựa ngược đứng mà chúng tôi vừa đi qua để tới đỉnh đèo này. Tôi nghi lắm. Không, tôi chắc chắn. Đúng là con dốc ấy chứ không thể là con dốc khác. Thấy tôi cứ lẩm bẩm như một kẻ mộng du, Thu hỏi: “Nhà văn tìm thấy điều gì à?”. Tôi gật đầu: “Cha con ông Sự”. Thu lại hỏi: “Cha con ông Sự nào?”. Tôi bảo: “Trong đội nhạc binh”. Thu nhíu mày: “Đội nhạc binh nào?”

Ừ, có lẽ Thu không biết trong Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào -Việt từng có một đội… nhạc binh. Đoàn được tổ chức theo qui mô đại đội. Trung đội đầu tiên xuất quân từ đình Hoàng Xá, khi lên đến Hòa Bình thì hội quân với trung đội thứ hai, đó là hơn ba chục anh lính kèn từng phục vụ cho Tòa thống sứ Bắc kỳ. Sau Quốc khánh 2 tháng 9, đội nhạc binh xin tình nguyện phục vụ cho chính phủ Cụ Hồ tại Bắc Bộ Phủ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trung đội nhạc binh được biên chế về với Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào – Việt. Thế là hơn ba chục con người, phần lớn đã có tuổi, ôm trống kèn vượt núi băng rừng, nhập vào đoàn quân Tây Tiến. Đây là trung đội duy nhất của bộ đội Cụ Hồ có lễ phục thống nhất, ngoài trang phục quân nhạc, tất cả đều đi ghệt và xỏ găng tay trắng. Đọc hồi ký của nhà thơ Quang Dũng, tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh ông Sự chơi kèn Tuba ngồi tắm bên bờ suối, có một tay trống trẻ đứng đằng sau kỳ lưng cho ông. Rồi khi đoàn binh Tây Tiến vượt qua con dốc “cao chừng hai ngàn thước”, thì ông Sự mệt quá, ngồi nghỉ lại trên một mỏm đồi, tay trống trẻ tuổi lại hì hụi quì bên cạnh bóp chân cho ông. Tại sao lại có tình cảm ấy ở những người lính kèn? Vì họ là hai… cha con. Năm ấy ông Sự 45 tuổi, cậu con trai 22 tuổi. Trước ngày Hà Nội nổ súng, cậu con trai tha thiết bảo ông bố ở lại thủ đô, công cuộc Tây Tiến gian khổ để cậu nhận lãnh. Nhưng ông bố bảo, trong đội còn có người cao tuổi hơn ông mà họ vẫn hăng hái lên đường, chẳng lý nào ông lại ở nhà. Hơn nữa nếu không có sự trường hơi của ông thì ai có thể thổi được chiếc kèn Tuba “cao bằng thằng bé lên 9” để hòa tấu cũng hơn bốn chục nhạc cụ của đội nhạc binh ‘hoành tráng nhất Đông Dương” lúc ấy. Thế là cậu con trai, tay trống cái cự phách của đội nhạc binh đành chiều ông bố, tạm biệt mẹ và các em ở nhà, cùng cha lên đường Tây Tiến. Càng đi càng thấy thương cha, mỗi khi leo dốc, vượt đèo, mỗi khi dừng lại nghỉ ngơi bên bờ suối vắng, mỗi khi hắt hơi xổ mũi ở một bản làng heo hút, cậu con trai ông Sự lại ngồi cạnh chăm sóc cha. Cái hình ảnh phụ tử chi binh ấy nó ám ảnh tôi kinh khủng. “Thế nên nhà văn muốn tìm cái con dốc nào mà hai cha con ông Sự đã ngồi bóp chân cho nhau chứ gì?”, Thu nói. Tôi bảo, đúng thế, nhưng không chỉ bóp chân đâu, trong một lần bị giặc đuổi, hai phần ba quân số bị sốt rét phải rút chạy lên đỉnh dốc này. Chính là cái dốc này chứ không thể là cái dốc nào khác. Không hiểu sao tôi cứ tin thế. Cả một bản người Mông cũng chạy theo. Càng chạy thì Tây càng đuổi riết. Mà thằng Tây nó khỏe, nó đuổi theo người ốm rất nhanh. Cuối cùng anh em bảo nhau không chạy nữa, phục ở chỗ đỉnh dốc, chiến đấu với nó đến cùng, có chết thì cùng ôm nhau nhảy xuống vực mà chết chứ chạy để nó bắn chết từ phía sau lưng thì còn đâu cái oai phong của quân Tây Tiến nữa. Thế là hai anh đội viên nằm chắn ngang con dốc làm bệ tì. Mấy đồng chí khác đặt súng trường lên, rê nòng súng về phía cuối con dốc. Cứ thằng Tây nào thò lên là nổ súng. Các đồng chí khác cũng tìm gốc cây, vách đá thủ sẵn lựu đạn trong tay, nếu Tây tràn lên đỉnh dốc thì sốt run người cũng cố lao ra ôm chúng nó rút chốt cùng chết. Ông Sự cũng không chạy nữa. Ông mang cây kèn Tuba ra thổi. Con trai ông thấy thế cũng kê lại ngay ngắn chiếc Grosse caisse, rồi cứ thế cầm dùi nện liên hồi vào mặt trống. Những người lính kèn khác bị những cơn sốt rét làm cho mất máu, bước đi liêu xiêu cũng tự động lấy kèn ra thổi. Còn chút hơi tàn cũng thổi. Thổi để động viên chiến sĩ lâm trận. Thổi rồi chết gục bên cây kèn đồng trên đỉnh dốc mù sương này cũng thỏa nguyện. Tiếng súng nổ từ chiều đến tối. Tiếng kèn trống cũng vang lên không dứt, xao động cả hoàng hôn biên ải. Thằng Tây sau nhiều lần xung phong không vượt qua được đoạn đèo, lại thấy xác đồng bọn chết đè lên nhau ở phía cuối con dốc, liền hò nhau rút chạy. Khi những tiếng xì xồ xa dần, lính Tây Tiến ta mới ôm chặt lấy nhau, thở ra những hơi sương sung sướng vì đã đuổi được thằng Tây giữa cơn sốt ác tính. Cha con ông Sự thu trống, cất kèn, cùng bà con thu dọn chiến trường. Mọi người gọi mấy đồng chí nằm chắn ngang con dốc làm bệ tì dậy để dìu nhau về một bản người Mông gần đấy nghỉ ngơi. Nhưng gọi mãi không ai chịu dậy. Ông Sự chạy đến đặt tay lên mũi hai người đồng đội. Lỗ mũi họ lạnh ngắt. Họ đã tắt thở tự bao giờ…

“Thảo nào trước khi lên đây, tôi thấy nhà văn có vẻ mặn chuyện với anh Vĩnh”, Thu nói sau khi lặng người đi bởi câu chuyện tôi kể.

Đúng vậy, trước khi cùng Thu ngược Mường Lát, tôi muốn biết trên cung đường này còn không những trường hợp “phụ tử chi binh” như cha con ông Sự năm xưa. Khi tôi nêu suy nghĩ đó với các anh ở Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Thanh Hóa thì thật ngẫu nhiên tôi lại được biết đồng chí đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh cũng chính là… con trai của một người lính biên phòng. “Hồi nhỏ, tôi thần tượng ông bố tôi lắm nhà văn ạ – Đại tá Vĩnh kể – những năm tháng bé thơ, được bố cho lên doanh trại chơi, ở cùng bộ đội tôi thích lắm, chỉ mong sau này lớn lên cũng được giống như các chú, các anh. Hồi đó tôi không lý giải được, nhưng có một cái gì đó nghiêm ngắn, tự lập, nam tính, can trường… tỏa ra từ những người lính, khiến họ hấp dẫn tôi vô cùng. Vào cấp ba là tôi toàn mặc đồ lính. Gọi là đồ lính nhưng thực chất là quần áo được may từ những tấm vải màu xanh da trời, rất bền và sạch. Thời đó gọi là “áo bay”. Oách lắm. Có cảm giác như mình mạnh mẽ, người lớn, và trưởng thành hơn các bạn. Hết cấp ba tôi thi vào Đại học biên phòng. Đúng là thích gì được nấy. Mặc áo lính liên tục từ đó đến giờ. Thấm thoát cũng hơn ba mươi năm rồi. Cũng phấn đấu lên được quân hàm đại tá bằng ông cụ rồi…”.

“Ông cụ” nhà anh Vĩnh thời còn công tác được coi là pho sử của biên phòng xứ Thanh. Sau khi giữ vị trí chủ nhiệm chính trị biên phòng tỉnh thì cụ chuyển ra ngoài Cục chính trị Bộ tư lệnh biên phòng, chuyên viết sử cho lực lượng, và về nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Biết tôi đắm đuối với cung đường Mường Lát phía trước, chỉ huy trưởng Vĩnh bảo, còn nhiều trường hợp phụ tử chi binh (cha con cùng là lính) đang sống sau những dãy núi bọc sương ấy, hơn thế, còn có cả những cặp huynh đệ chi binh (anh em cùng là lính) cũng đang ngày đêm sống bên đường biên cột mốc. Nhà văn cứ lên đường đi, cứ đến với các đồn trên đó đi, sẽ bắt gặp rất nhiều hóa thân của những người lính Tây Tiến năm xưa.

Giờ thì chúng tôi đã lên tới đất Mường Lát rồi. Địa bàn công tác của đoàn binh Tây Tiến trước đây được gọi chung là Quan Hóa, nhưng theo địa giới hành chính bây giờ thì đã được chia thành ba huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Lên tới cổng trời tức là chạm vào xã Trung Lý, xã đầu tiên của huyện Mường Lát, cũng tức là lên một bình độ mới, cao hơn bảy trăm mét so với mực nước biển, được khoanh bởi một đường biên giới dài hơn trăm ki lô mét giáp với tỉnh Hủa Phăn của Lào. Bám theo các xã dọc đường biên này có 5 đồn biên phòng đứng chân, nhưng Thu dẫn tôi đến đồn Quang Chiểu trước tiên. Tại sao lại chọn đồn này, Thu bảo, vì đây là đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài nhất huyện (tương đương với số đường biên của bốn đồn kia cộng lại), chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị để nhà văn khám phá. Đúng như Thu nói, điều thú vị đầu tiên mà tôi gặp ở Quang Chiểu chính là cái sự huynh đệ chi binh và phụ tử chi binh đều có ở đồn này. Đó là trung tá đồn trưởng Lê Đình Phú hiện có một người em là thiếu tá Lê Đình Thọ đang đảm nhiệm chức vụ đồn phó Đồn Pù Nhi, còn thượng úy người Mông Thao Văn Chứ, đội trưởng Đội vận động quần chúng có bố là trung tá Thao Duy Lênh đang là chính trị viên của C1, D19 trực thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh. Từ cái sự tình đặc biệt này, tối đến, khi trăng bắt đầu tỏa ánh vàng xuống con suối Sim chạy ngang qua cổng đồn, tôi rủ Thu, Phú và Chứ ra ngồi hóng gió trước hiên nhà chỉ huy. Quản lý 22 mốc giới cùng địa bàn hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh tiếp giáp với 9 bản ngoại biên thuộc tỉnh Hủa Phăn của Lào, chắc chắn những người lính biên phòng ở đây phải làm rất nhiều việc để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Nhưng tôi muốn hỏi đồn trưởng Phú về những người anh em biên phòng Lào của chúng ta hiện nay sống như thế nào. Tôi nói với Phú rằng, lên đến đây tự nhiên tôi lại nhớ đến một “thành phần đặc biệt” của Đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào – Việt năm xưa. Đoàn Tây Tiến vốn có một trung đội lính chủ yếu là học sinh, sinh viên Hà Nội, một trung đội nhạc binh vốn là những người lính kèn của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, còn một trung đội nữa, đó chính là các chiến sĩ… giải phóng quân Lào! Khi nghe tôi nói vậy, cả Thu, Phú và Chứ đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên nhưng thích thú. Tôi bảo, theo hồi ký của nhà thơ Quang Dũng thì trung đội lính Lào khi nhập Đoàn Tây Tiến là “một đoàn người đen giòn khỏe mạnh, đầu đội ca lô có đính sao vạch xanh mặt giăng trắng trên nền đỏ”. Trung đội trưởng là Thao Phim, các cán bộ trung đội khác là Thao Ma, Thao Ki, Thao Hanh… Cán bộ chỉ huy của Lào khá cao tuổi. Như Thao Ki chẳng hạn, ngoài năm mươi tuổi, bụng phệ, râu mép vuốt cong như râu mèo, có bảy vợ và hai chục người con, lúc nào cũng đội một cái mũ vành to, lưng đeo khẩu Chiêu Hòa báng gỗ sáng bóng. Các chiến sĩ “trung đội giải phóng quân của nước Ai Lao độc lập” ấy đã hòa nhập rất nhanh với công việc tuyên truyền vận động bà con hai bên biên giới và chiến đấu vô cùng dũng cảm khi gặp kẻ địch. Mỗi lần đơn vị di chuyển, họ chính là những người giúp đỡ đội nhạc binh khi nhận về mình phần mang vác những chiếc trống cái hay những cây kèn đại. Vào những đêm đốt lửa trại, diễn kịch hay biểu diễn văn nghệ, họ đóng góp những điệu nhảy gợi cảm, cuốn hút, thắm tình đoàn kết các dân tộc Việt – Lào. Khi Đoàn Tây Tiến được lệnh rút về xuôi để chuẩn bị thành lập Trung đoàn Tây Tiến, những chiến sĩ giải phóng quân Lào đã ôm lấy những người lính Việt Nam không nỡ rời xa. Trung đội phó Thao Ki còn nói với nhà thơ Quang Dũng rằng, bao giờ độc lập sang Lào ở với chúng tôi nhé, làm rể bên tôi luôn nhé, tôi có mười đứa con gái đẹp lắm, chọn được đứa nào tôi gả cho đứa ấy.

Thế nên, nhiều lúc, tôi cứ nghĩ không biết bây giờ những đồng chí Thao Ma, Thao Ki, Thao Hanh, Thao Phim đang ở đâu? Có lẽ họ đều đã gặp nhà thơ Quang Dũng ở thế giới bên kia và đang cùng nhau nhảy theo điệu bài hát quen thuộc “Pa Thét Lào đoàn kết”. Hẳn họ cũng đã hóa thân vào những người lính biên phòng Lào hôm nay để tiếp tục công việc từ nhiều năm trước, trên dải biên giới khắc nghiệt này, giống như những người lính biên phòng xứ Thanh chăng? “Đúng thế” – đồn trưởng Phú tiếp lời tôi – “Chỉ có điều đồng bào và cán bộ chiến sĩ của bạn vẫn còn vất vả lắm, anh em bên này vẫn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bạn đấy nhà văn ạ”. Theo đồn trưởng Phú kể thì đúng là những người anh em biên phòng Lào còn khó khăn lắm. Điều kiện xây dựng đồn trạm của họ cũng chưa được tốt. Thỉnh thoảng đồn Quang Chiểu cũng giúp bạn xi măng, sắt thép, gạch, cát để bạn xây nhà ở cho các tổ đội biên phòng công tác ở những điểm xa dân. Còn dân bên ta với dân bên bạn thì đoàn kết hữu hảo lắm. Bạn có một bản ở gần ta nhất là bản Pó thuộc cụm Mường Háng, huyện Viêng Xay, giáp với bản Na Hin thuộc xã Mường Chanh mà đồn biên phòng Quang Chiểu đang quản lý. Ngày xưa các cụ trong đoàn quân Tây Tiến vừa đánh giặc vừa làm công tác tuyên truyền vận động bà con “Mán, Mèo, Kinh, Thái cần đơ cần đơ si à Việt Nam mớ” (Mán, Mèo, Kinh, Thái ai ai cũng là người Việt Nam cả) thì bây giờ bộ đội biên phòng cũng tuyên truyền vận động bà con dân bản chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần bảo vệ đường biên mốc giới, ổn định đời sống an sinh xã hội, nâng cao dân trí, phòng chống hoạt động tội phạm… Hình thức vận động, tuyên truyền có thể khác so với các cụ ngày xưa, nhưng xét cho cùng cũng chỉ để làm sao cho dân nghe, dân hiểu, dân tin, dân làm theo, dân ủng hộ, dân bảo vệ cán bộ và chính quyền. Công tác vận động quần chúng luôn là công tác quan trọng bậc nhất đối với những người lính biên phòng. Chả thế mà Đồn biên phòng nào cũng có một đội công tác lấy tên là Đội vận động quần chúng. Nhưng bây giờ đi vận động bà con dân bản thì cách thức vận động như thế nào? Hình thức vận động ra sao? Không thể cứ đốt lửa trại, diễn kịch, biểu diễn văn nghệ rồi kết thúc bằng một bài ca kết đoàn là xong. Nghe tôi nói vậy, đồn trưởng Phú bảo đúng là cách vận động bây giờ có nhiều cái khác, chủ yếu vận động theo hình thức phong trào hóa, chương trình hóa, mô hình hóa. Nhà văn cứ ở đây với chúng tôi vài tháng, đi cùng anh em trong Đội vận động quần chúng tới các bản người Dao, người Thái, người Khơ Mú trải dài trên biên giới sẽ hiểu anh em vận động bà con như thế nào!

Hôm sau tôi đi theo Chứ vào bản Na Hin để xem một mô hình mới mà đội của Chứ đang triển khai ở đây. Đó là mô hình mang cây trám đen về trồng bên đường biên. Những mô hình như thế này tính “thí nghiệm” rất cao. Tức là đưa cây giống về trồng thử nghiệm trên đất của hai chục hộ dân, sau ba đến bốn năm, nếu hiệu quả thì nhân rộng, nếu không đạt lợi ích kinh tế như mong muốn thì bỏ. Để có một mô hình thành công, quả thực mất rất nhiều thời gian, tâm sức của bộ đội biên phòng. Suốt bao nhiêu năm qua mong muốn mang lại một đời sống ấm no cho bà con nơi biên cương vẫn luôn là điều trăn trở của những người lính mang quân hàm xanh. Mỗi việc làm của những người lính ở đây, dù được gọi là phong trào, chương trình, chiến dịch hay mô hình thì cũng đều hướng tới một mục tiêu rất rõ ràng, đó là để người dân biên giới “ấm no và được học hành”. Nghe thì có phần đơn giản nhưng để biến điều đó thành hiện thực thì vô cùng nhọc nhằn, gian nan. Tôi quay sang hỏi Chứ, hiện các anh đang thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình nào cho 22 bản giáp biên này? Chứ bảo, nhiều lắm, từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” cho đến “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, rồi “Xuân biên cương ấm lòng dân bản” cho đến “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi biên phòng, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Tiết học biên cương”… Không chỉ là phong trào, chương trình được triển khai từ trên xuống hoặc của các đồn bạn phát động, đưa sang, mà còn cả các mô hình do chính đồn Quang Chiểu phát kiến ra nữa. Không chỉ thực hiện với bà con dân bản trên đất mình, mà còn áp dụng cho cả bà con dân bản trên đất Lào nữa. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về điều này, Chứ xin phép lãnh đạo Đồn cho tôi qua thăm bản Pó ở ngay bên kia biên giới. Bản Pó là một bản người Thái, chừng ba mươi nóc nhà, chưa đến hai trăm nhân khẩu, nằm cách cửa khẩu vài chục mét. Trưởng bản là anh Xeng Phon Vị Lay Thoong, sinh năm 1972, nói được vài câu tiếng Việt bập bẹ. Khi đã yên vị trong căn nhà sàn quây kín gạch ở tầng dưới, đội trưởng Đội vận động quần chúng Thao Văn Chứ mới kể cho tôi nghe về chương trình “Nâng bước em đến trường”. Đây là một chương trình lớn do Bộ tư lệnh biên phòng phát động, nay đã đi vào đời sống các xã vùng biên một cách sâu rộng. Nội dung của chương trình này là cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng quyên góp quỹ để giúp các cháu học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học nửa chừng. Đồn Quang Chiểu nhận đỡ đầu cho 4 cháu, hai cháu ở xã Quang Chiểu và hai cháu ở xã Mường Chanh. Quá trình tìm hiểu để lập danh sách các cháu đưa vào diện đỡ đầu thì phát hiện ra bản Pó ngay bên kia đường biên của nước bạn Lào cũng có hai cháu là Thạo Phờn Vị Lay Thoong và Nàng Vun có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nếu không được trợ giúp thì các cháu sẽ phải bỏ học. Thế là bộ đội biên phòng đồn Quang Chiểu nhận đỡ đầu luôn cả hai cháu người Lào. Ngoài sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, mỗi tháng các chú bộ đội lại gửi cho mỗi cháu năm trăm ngàn đồng. Tôi ngỏ ý muốn gặp và tặng quà cho hai cháu người Lào, trưởng bản lập tức cho người đi gọi các cháu tới. Khá rụt rè và nhút nhát, mặc dù các cháu đều mặc đồng phục học sinh lớp 7 nhưng nhìn gầy gò và bé nhỏ như học sinh cấp một. Ở bản chỉ có lớp tiểu học, bé Thạo Phờn và Nàng Vun giờ đã lên cấp hai, nên phải vào xã học, tức là phải đi xa nhà hơn 15 cây số. Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần nên các cháu được về thăm nhà. Các cháu đều không nói được tiếng Việt. Tôi nhìn hai cháu lại nhớ đến hình ảnh Thao Ma, người lính Pa Thét Lào trong đoàn quân Tây Tiến đã nói với nhà thơ Quang Dũng rằng: “Bao giờ độc lập, không còn thằng Tây nữa, sang nước Lào ở với chúng tôi nhé, làng tôi có nhiều phù sao (con gái đẹp) lắm!”.

Rời bản Pó của nước bạn Lào, tôi hỏi Chứ rằng, ngoài mô hình đưa cây trám đen về cho bà con trồng, với tư cách là một đội trưởng Đội vận động quần chúng, Chứ còn nghĩ ra mô hình gì nữa không? Chứ gật đầu rồi tâm sự: Em mới về địa bàn này công tác được hai năm. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Thái, Khơ Mú… Cuộc sống của đồng bào vẫn còn lạc hậu lắm. Các mô hình giúp bà con thoát khỏi đói nghèo là rất tốt, nhưng về lâu dài thì cần nâng cao dân trí cho bà con mới là việc làm căn cơ hơn cả. Muốn nâng cao dân trí thì trẻ em phải được đến trường học. Bản thân em là người Mông, em hiểu cái sự học nó quan trọng như thế nào đối với sự trưởng thành của một con người. Bố em ngày xưa cũng từng là đội trưởng Đội vận động quần cúng của Đồn biên phòng Na Mèo, từng được đi dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, từng được lên báo và được gọi bằng cái tên trìu mến là “giáo sư tiếng Mông”. Xuất phát từ ý nghĩ muốn vận động bà con làm gì thì trước hết phải nói được tiếng của bà con, bố em đã mạnh dạn xin phép mở lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ chiến sĩ trong đồn. Từ những lớp học đó, sau này tỉnh Thanh Hóa chủ trương mở rộng các lớp dạy tiếng dân tộc Mông cho bộ đội biên phòng, công an, bộ đội quân khu 4, cán bộ công chức một số ngành và năm huyện biên giới. Bố Thao Duy Lênh của em trở thành một trong những “chuyên gia”, được mời về Sở Nội vụ làm tổ trưởng tổ biên soạn giáo trình dạy tiếng Mông. Bố em đã đọc, nghiên cứu và tham khảo rất nhiều tài liệu để cho ra đời 76 bộ giáo án, trình bày hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ pháp, từ đơn giản đến phức tạp kèm cách viết theo mẫu tự Latin tiếng Mông Đơ, Mông Lành và Mông Đu. Nội dung giáo trình đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực với các chuyên đề như: “Không hút, không trồng cây thuốc phiện”, “Bác sĩ của người Mông”, “Không di cư tự do”… Trong bài Bác sĩ của người Mông, bố em lý giải ốm đau không phải do ma làm, cúng bái không thể khỏi bệnh mà phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Giáo trình đó sau này được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép làm tài liệu giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông trên toàn quốc. Em rất tự hào về bố. Khi trở thành đồng đội của bố, em cũng nghĩ phải làm điều gì đó cho bà con các dân tộc vùng biên. Nếu các em nhỏ hôm nay được đi học thì mai sau họ sẽ là những người Mông, người Dao, người Thái, người Khơ Mú có tri thức, có hiểu biết, họ sẽ tiếp cận được văn minh và nhanh chóng đưa gia đình mình, bản làng mình, dân tộc mình thoát nghèo, thoát khổ. Em chưa làm được những việc lớn lao và có ý nghĩa như bố, em mới chỉ nghĩ đến một mô hình nhỏ, ấy là “Góc học tập”. Em báo cáo với chỉ huy đồn và được đồng ý nhân rộng triển khai trong hai xã mà đồn đang quản lý. Theo mô hình này, chúng em đã chọn ra được hai chục cháu có thành tích học tập tốt, 7 cháu ở xã Mường Chanh, 13 cháu ở xã Quang Chiểu, mỗi cháu sẽ được hỗ trợ một góc học tập gồm một bộ bàn ghế với đầy đủ đèn chiếu sáng, giấy vở, cặp sách, bút mực, đảm bảo để các cháu không phải lo gì cả, chỉ tập trung đến trường và học cho giỏi. Ngoài số tiền do cán bộ chiến sĩ trong đồn đóng góp thì chúng em kêu gọi thêm xã hội hóa. Cũng may là bây giờ có khá nhiều các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện, sẵn lòng hướng về biên cương nên chúng em cũng có người đồng hành trong những hoạt động vì cộng đồng như thế này.

Ở Quang Chiểu mấy ngày, tôi rủ Thu sang Tén Tằn để tận mắt thấy sông Mã chuyển hướng đổi dòng “trở lại quê nhà” như thế nào. Ngay câu thơ đầu tiên của bài thơ Tây Tiến bất hủ, nhà thơ Quang Dũng đã nhắc đến con sông này. Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi… Sông Mã bắt đầu từ đâu? Tại sao lại có một con sông Mã gắn liền với hình ảnh “chào sông Mã anh hùng” của Thanh Hóa, đồng thời lại có một huyện có tên Sông Mã thuộc tỉnh Sơn La? Thì ra, khởi nguồn của con sông này được bắt đầu từ một số con suối và sông nhỏ ở tỉnh Điện Biên. Khi chúng hợp lưu lại và chảy qua tỉnh Sơn La thì chính thức có tên là sông Mã. Từ Sơn La, sông Mã chảy sang Lào, qua hai huyện của tỉnh Hủa Phăn rồi vòng trở lại Việt Nam, đổ vào cửa khẩu Tén Tằn. Vậy thì Sông Mã trong thơ Quang Dũng chính là đoạn sông chảy qua Mường Lát để xuôi về đồng bằng Thanh Hóa trước khi đổ ra biển. Sông Mã đoạn chảy qua các huyện phía Tây Thanh Hóa rất dốc, ít phụ lưu, vì thế mỗi khi có mưa rừng thì lũ dâng lên rất nhanh, dòng nước trở nên cô độc và hung dữ, chỉ có thể “gầm lên khúc độc hành” giữa bao la đất trời biên giới. Hình ảnh con nước xiết ấy càng làm cho cảnh huống thê lương hơn khi nhà thơ của chúng ta bắt gặp “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, chứng kiến phút giây “áo bào thay chiếu anh về đất” sau nhiều lần “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Từ cửa khẩu Tén Tằn, tôi cố dõi theo hướng đi của dòng sông Mã xem có còn sót lại một dáng độc mộc nào đang xuôi dòng đến với những cánh hoa trẩu rung rinh trên mặt nước hay không. Nhưng thượng tá Nguyễn Xuân Tuyên bảo, giờ không còn thuyền độc mộc đâu nhà văn ơi, bộ đội biên phòng vẫn đi thuyền đến với các bản ven sông, nhất là vào mùa mưa lũ, nước dâng ngập các lối đi, để tiếp tế cho đồng bào, nhưng chủ yếu là bằng thuyền tôn, thuyền sắt thôi. Tuyên là đồn trưởng đồn biên phòng Tén Tằn, đồn có cửa khẩu chính thông thương với nước bạn Lào. Gặp Tuyên, tôi lại thêm một lần ngạc nhiên nữa vì ông cụ thân sinh ra Tuyên cũng là… một người lính biên phòng. Ông cụ tên là Nguyễn Xuân Chuẩn. Trước khi chọn biên phòng Thanh Hóa là “nhà”, biên giới Thanh Hóa là “quê hương”, chàng trai Thái Bình Nguyễn Xuân Chuẩn từng là Phân đội trưởng phân đội 3 Công an vũ trang bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong những ngày giặc Mĩ đánh phá ác liệt cây cầu biểu tượng cho sự hiên ngang của đất và người xứ Thanh, ông Chuẩn luôn có mặt ở hai bên mố cầu, vốn là túi đựng bom của giặc Mỹ. Chính ông là người đã nghiên cứu địa hình, hướng đánh của địch để bố trí lực lượng sao cho hạn chế tổn thương nhất mà vẫn bảo vệ được cầu. Trong thời điểm gian khó ác liệt của cuộc chiến, ông là người có sáng kiến dùng dây ròng rọc thay cho sức người gánh nước dưới sông Mã lên sinh hoạt hàng ngày, vừa đỡ vất vả lại vừa tránh được hiểm nguy cho đồng đội. Ông cũng là người sáng tạo ra cách làm giá súng bán cơ động để chiến đấu một cách hiệu quả ở hai bên đầu cầu. Sau này, khi lực lượng Công an vũ trang chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, ông đã kinh qua lần lượt các vị trí, từ đồn trưởng, trưởng phòng tham mưu, chỉ huy phó, đến chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Tuyên là con trai út của ông cụ. Trên Tuyên có ba chị gái, Tuyên hoàn toàn có thể chọn một công việc khác, đỡ vất vả hơn, để được ở gần chăm sóc bố nhưng Tuyên lại chọn Đại học biên phòng để nhập học dù đỗ mấy trường một lúc. Từ đó đời lính cứ thế cuốn Tuyên đi. Duyên nợ thế nào, Tuyên toàn lên Mường Lát trấn ải lưu đồn. Từ đồn Quang Chiểu, đồn Trung Lý, cho đến khi Tuyên nhận chức đồn trưởng đồn Tén Tằn thì ông cụ (lúc này nghỉ hưu đã lâu) mới nói với Tuyên rằng, ngày xưa bố không quản hy sinh, gian khổ chiến đấu ở cuối nguồn sông Mã, còn bây giờ con lại phụ trách địa bàn nơi đầu nguồn sông Mã. Phụ tử chi binh, hai cha con mình đều làm người lính, đều sống, chiến đấu, công tác và gắn bó với dòng sông Mã lịch sử này. Bây giờ mỗi khi có dịp ghé qua nhà thăm bố, Tuyên lại được ông cụ dặn rằng, con lên biên giới công tác, đồng bào trên đó chủ yếu là dân tộc ít người, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải nắm, hiểu, hòa nhập vào với đời sống, phong tục, văn hoá của đồng bào. Hãy luôn nhớ một điều là phải chân thành với dân, không được xa rời dân và luôn phải gắn bó, đồng hành với cấp ủy địa phương.

Câu chuyện của đồn trưởng Tuyên làm tôi lại nhớ đến hình ảnh cha con ông Sự trong Đoàn binh Tây Tiến. Cung đường thơ của Quang Dũng khiến tôi không chỉ tìm được những địa danh trong thơ ông mà còn gặp rất nhiều những hình ảnh người lính Tây Tiến năm xưa hóa thân trong những người lính trấn ải lưu đồn hôm nay. Đồn Tén Tằn nằm cách thị trấn Mường Lát chừng chục cây số. Tối đến, tôi tự tìm vào thị trấn để hình dung ra câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” thực sự có ý nghĩa như thế nào. Mường Lát hiện lên trong mắt tôi là một vài con phố bám theo lòng thung nhỏ hẹp nhưng điện sáng lung linh, những đại lý xe máy to rộng, những cửa hàng quần áo tràn ra lòng đường, những gian hàng lâm thổ sản đầy chật hàng hóa, đặc biệt hơn cả là những quán trà sữa cho tuổi teen cũng đã hiện diện trên đất này. Không thể tìm thấy “hoa” hay “đêm hơi” trong thơ Quang Dũng ở thị trấn Mường Lát hôm nay. Tôi lại trở về đồn Tén Tằn và thao thức với câu thơ vốn có nhiều cách hiểu khác nhau. Tại sao lại là “hoa về trong đêm hơi?”. Hoa cài nắp ba lô trên lưng người lính Tây Tiến, hay những cây đuốc nở hoa trong đêm đen tĩnh mịch, hay là chính các anh, những người con tinh hoa của đất trời? Đêm hơi là một đêm tràn đầy hơi sương hay là khói bếp tỏa ra từ những ngôi nhà sàn nép mình bên chân núi? Hay đêm vừa mới xuống? Hay là bóng đêm nhẹ mỏng như một làn hơi? Giấc ngủ mộng mị khiến tôi choàng tỉnh vào lúc ba giờ sáng. Tôi dạo bước một vòng quanh đồn, ngước mắt nhìn về hướng Mường Lát. Núi đồi chìm trong đêm đen. Thỉnh thoảng trên vách núi xa hiện lên một đốm sáng như ánh thiên thạch rớt xuống giữa trời đêm. Có thể đó là ánh sáng điện của một tổ đội biên phòng, cũng có thể đó là ánh sáng phát ra từ một bếp lửa nhà ai dậy sớm nơi bản xa. Hay đấy chính là “hoa về trong đêm hơi” của một người lính Tây Tiến âm thầm hành quân cùng đồng đội tới Mường Lát hơn nửa thế kỷ trước?

Nói đến Mường Lát thì không thể không nhắc đến Sài Khao. Ngay khổ đầu tiên của bài thơ Tây Tiến hai địa danh này đã được nhắc đến như một cặp bài trùng có sức mời gọi ghê gớm: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Mường Lát hoa về trong đêm hơi. Mường Lát thì tôi đã đến, đã tự tìm thấy một cách hiểu thêm về câu thơ tài hoa của Quang Dũng, còn Sài Khao ở đâu? Nghe mông lung, xa vời, vô định lắm. Theo hồi ký của thi sĩ xứ Đoài thì lên Sài Khao đến nửa đường sẽ gặp những bãi đất rộng với “bát ngát màu hoa thuốc phiện, thỉnh thoảng lác đác có một cái chòi lợp lá”. Bây giờ Sài Khao là một trong 16 bản của xã Mường Lý. Muốn lên Sài Khao có hai đường, một là đến trung tâm xã Mường Lý, đi tiếp qua các bản Muống, bản Xu Luông, bản Trung Thắng sẽ đến. Đường này khá dài, đi lâu và mất nhiều thời gian. Đường thứ hai là từ Mường Lát qua xã Tam Chung đến bản Suối Lóng, ngược lên những con dốc cao thẳng đứng, tới ngọn núi cao nhất (hơn 1000 mét so với mực nước biển) là vào đến bản Sài Khao. Thu hỏi tôi muốn đi lối nào? Theo địa bàn quản lý của biên phòng, nếu đi theo đường Mường Lý thì phải nhờ đến các anh ở Đồn Pù Nhi dẫn đường, còn đi theo đường Suối Lóng thì phải nhờ các đồng chí ở Đồn biên phòng Tam Chung. Tôi bảo Thu, tôi chọn đi theo lối Suối Lóng. Không phải vì đường này ngắn hơn, cũng không phải vì có nhiều đoạn dốc đứng hiểm trở, mà đường này có nhiều nét giống với con đường mà đoàn quân Tây Tiến đã từng đi. Theo nhà thơ Quang Dũng thì “Sài Khao – Cái ngọn núi mờ nhất ở sau hàng núi sẫm, cứ đứng ở chân núi mà nhìn lên các miền mây thăm thẳm ấy, người ta thấy nản bước trèo, thương cho những vó ngựa…”. Ngày xưa các cụ Tây Tiến đi bằng ngựa, còn bây giờ chúng tôi đi bằng… xe máy. Chở tôi đi là thiếu tá Lê Văn Nhất, một cán bộ biên phòng từng 30 năm lăn lộn ở biên giới, hiện đang công tác tại tổ đội biên phòng Suối Lóng. Dốc càng lên cao càng hẹp. Đường dân sinh rải đá núi lởm chởm, bụi mù, xe máy cứ nẩy tâng tâng, tôi ngồi sau vừa ôm chặt Nhất vừa nín thở mỗi khi qua những khúc quanh bên hẻm núi. Ngày xưa lính Tây Tiến đi hai ngày mới lên tới Sài Khao. Nhà thơ Quang Dũng kể: “Hai ngày đường lặng lẽ, chỉ cắm đầu xuống mà trèo, chỉ trông thấy mây và đá núi, chỉ nghe thấy gió ù ù thổi như hắt hơi lửa vào mặt”, thỉnh thoảng lại thông thấy “những bãi hoa thuốc phiện”. Giờ thì không còn bãi hoa thuốc phiện nào nữa. Tới một đỉnh dốc, Nhất dừng xe lại, chỉ xuống một lòng thung với những mái nhà sàn nhấp nhô, bảo: “Đó là bản Pọng. Ngày xưa bản đó trồng rất nhiều anh túc, tức là cây thuốc phiện. Vào mùa hoa anh túc nở bạt ngàn, nhìn như muôn vàn cánh bướm bay rợp cả thung lũng này”. À, vậy thì đúng là con đường mà nhà thơ Quang Dũng từng đi là đây rồi. Chỉ có điều cây anh túc bây giờ đã bị phá bỏ. Thay vào đó, đường lên Sài Khao mọc rất nhiều ban trắng.

Cảm giác một Sài Khao trong thơ Quang Dũng đang hiển lộ trước mắt càng rõ ràng hơn khi bước chân vào tới đầu bản đã bắt gặp ngay một bức phù điêu khắc hình ảnh những người lính Tây Tiến với áo trấn khủ, súng khoác vai. Bức khắc có phần sơ sài nhưng khá trang nghiêm. Nghe nói để có được bức phù điêu này dựng ở đây, con gái nhà thơ Quang Dũng cùng các đồng chí trong Ban liên lạc Trung đoàn Tây Tiến đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức. Sau khi thắp hương trước bức phù điêu, tôi nhờ thiếu tá Nhất đưa đến nhà trưởng bản. Nhưng trưởng bản đi làm không có nhà. Lại vào nhà phó bản. Phó bản cũng không có nhà. Tìm đến nhà bản đội trưởng, chỉ gặp một bà cụ già người Mông đang ngồi ăn sắn luộc bên một con khỉ nhỏ dưới một mái hiên rộng. Bà cụ tên là Giàng Thị Ly, năm nay đã 75 tuổi, bị đau chân nên ở nhà một mình, chồng và con đều đi làm cả. Qua câu chuyện với bà cụ, tôi hiểu là đàn ông trong bản hầu hết đều đi làm nương từ sáng sớm đến chiều tối mới về, trẻ em thì đi học tại các điểm trường, ở nhà chỉ còn phụ nữ già yếu mà thôi.

Từ đầu bản đến cuối bản là một con đường đất hẹp, dài chừng hơn cây số, hai bên có khoảng bảy chục nóc nhà nằm lúp xúp bên những vạt đồi. Hầu như không có nhà xây, những ngôi nhà của người Mông ở Sài Khao đều quây bằng vách gỗ, mái lợp tôn hoặc fibro xi măng. Bản được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, do những người Mông di cư từ Sơn La sang, đến nay vẫn chưa có điện lưới và nước sạch. Như vậy đây là một bản mới chứ không phải bản Sài Khao mà những người lính Tấy Tiến năm xưa đã từng đến, từng ăn ở và làm công tác vận động cách mạng với đồng bào. Theo hồi ký của Quang Dũng thì sau khi leo lên đỉnh Sài Khao, ra đón đoàn quân Tây Tiến vào bản là những người Dao “dùng tiếng quan hỏa, lai nhiều tạp âm”, phụ nữ đầu đội mũ hình phễu cao vút bằng vải xanh viền đỏ, mặc quần áo lòa xòa thêu sặc sỡ, nhiều vạt, đàn ông ăn mặc như người Xạ Phang, đầu cạo trọc để một chỏm tóc dài ở giữa khoáy. Nhà thơ tài danh cũng kể rằng, nhà ở đây tường đắp bằng đất, không có ngưỡng cửa, giữa nhà lợn bò hứng chí lúc nào cứ việc ra vào tự do, có mấy cái giường căng bằng da gấu, bàn thờ có mấy hàng chữ Hán… Vậy cái bản người Dao đó bây giờ ở đâu? Liệu Sài Khao này có phải là “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” trong thơ của Quang Dũng? Hay còn có một Sài Khao khác mà chúng ta chưa tìm ra? Hay ở đây từng có những đồng bào Dao cư ngụ nhưng đó chỉ là khoảng thời gian tạm canh, tạm cư ngắn ngủi, sau đó họ lại theo bước chân du mục mà tìm đến những vùng đất khác sinh nhai? Suy diễn thế nào thì cũng phải minh định một điều rằng: ở đây có quá nhiều đặc điểm của một Sài Khao trong thơ Quang Dũng. Đơn giản như, chỉ cần đứng ở cuối bản, theo hướng tay chỉ của thiếu tá Nhất, tôi có thể nhìn thấy dãy Pha Luông kỳ vĩ ẩn hiện trong mây trắng. Nếu không phải đứng đây, nhìn về Pha Luông cao gần 2.000 mét, nóc nhà biên giới của ba tỉnh Thanh Hoa – Sơn La – Hủa Phăn vào một chiều mưa trắng trời trắng đất thì làm sao có thể nảy ra câu thơ tuyệt bút “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”? Có vẻ như, cái thơ mộng đại ngàn bên ấy của Pha Luông đối diện với cái mờ ảo mù sương bên này của Sài Khao mới thật là đỉnh điểm cảm xúc của người thơ Quang Dũng sau những “heo hút cồn mây” mà ông đã trải qua.

Loanh quanh ở Mường Lát thế mà cũng hết cả tuần trời. Từ Quang Chiểu qua Tén Tằn, từ Tén Tằn sang Tam Chung, rồi từ Tam Chung lại về Pù Nhi, ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người lính biên phòng như đang tiếp nối công việc của những người lính Tây Tiến trước đây: bám nắm địa bàn, vận động quần chúng, giúp dân lập nghiệp, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn bình yên biên cương tổ quốc. Đến khi nhìn vào cuốn lịch treo trong phòng đồn trường Đồn biên phòng Trung Lý, tôi mới giật mình nhớ đến ngày hẹn với Na Mèo. Tôi và Hồ Ngọc Thu vội rời Mường Lát về Quan Sơn để kịp có mặt tại cửa khẩu quốc tế Na Mèo trước 8 giờ sáng ngày 25 tháng 5. Tôi được biết Đội qui tập hài cốt liệt sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa vừa tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 16 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào. Hôm nay là ngày đón nhận và đưa tiễn các liệt sĩ về nước an táng. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, chúng tôi đứng cùng các đại biểu, cán bộ, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh, người dân xã Na Mèo thành kính dâng hương hoa và dành một phút tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả của hai dân tộc Việt – Lào.

Khi chiếc xe chở những chiếc hòm đựng hài cốt phủ cờ đỏ sao vàng từ cửa khẩu Na Mèo di chuyển sâu vào lòng đất mẹ để đưa các tình nguyện quân về nằm tại nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, tôi và Thu bất giác cùng đọc to lên khổ thơ cuối cùng của bài Tây Tiến:

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

 

Rồi chúng tôi cùng quay đi, lẳng lặng đưa tay lên lau những giọt nước mắt không biết ứa ra từ lúc nào…

Nguyễn Đình Tú