Nhà văn Makenzy Orcel: “Văn chương cũng phải sục cả vào những vùng tối”

Ngày 8.12.2023, Makenzy Orcel được trao giải Lựa chọn Goncourt của Việt Nam, một giải thưởng do sinh viên Pháp ngữ ở các trường đại học ở Việt Nam lựa chọn.

Makenzy Orcel, nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia, sinh năm 1983 tại Port-au-Prince, thủ đô Haiti, người từng cho biết “chưa bao giờ thích đi học (trả lời phỏng vấn với nhật báo hàng đầu Haiti Le Nouvelliste). Anh bỏ ngang việc theo học ngôn ngữ học để toàn tâm cống hiến cho văn chương.

Nhà văn Makenzy Orcel

Thuở niên thiếu, Makenzy đã có khát khao kể chuyện mãnh liệt. Anh quan tâm đến văn chương từ rất sớm dù trong nhà không có quyển sách nào, khu phố anh sống cũng không có một thư viện nào. Đôi khi anh ra chợ kiếm được một cuốn sách cũ, đọc xong rồi mang đi trao đổi với bạn bè để có một cuốn sách khác.

“Tôi đọc nhiều lắm, nhiều phát điên ấy. Có lần tôi còn ngất xỉu vì đọc nhiều quá và đầu nóng rực lên” – anh nói.

Năm 2017, Makenzy trở thành Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng. Năm 2022, anh lọt vào danh sách chung khảo giải Goncourt cho tác phẩm Une somme humaine (tạm dịch: Tóm tắt đời người).

Năm 2023, tác phẩm này đã mang lại cho anh giải Lựa chọn Goncourt của rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ với sự tham gia bình chọn của sinh viên nhiều trường đại học danh giá như Harvard, Yale. Ngày 8.12.2023, Makenzy Orcel được trao giải Lựa chọn Goncourt của Việt Nam, một giải thưởng do sinh viên Pháp ngữ ở các trường đại học ở Việt Nam lựa chọn.

Trong Tóm tắt đời người, Makenzy Orcel “vào vai” một phụ nữ đã chết để kể lại cuộc đời mình, dưới dạng một tự truyện. Cô là người Pháp da trắng, lớn lên tại một ngôi làng miền Nam nước Pháp, tự vẫn khi chưa đến 40 tuổi. Cô trưởng thành trong một gia đình khá giả nhưng không có tình yêu, trừ sự quan tâm của người bà và một người bạn đã mất sớm.

Câu chuyện dày hơn 600 trang được kể gần như một mạch, không dấu chấm, thấm đẫm chất thơ và đầy những thể nghiệm hình thức, hé lộ cho độc giả thấy tuổi thơ mờ nhạt, tuổi niên thiếu tan vỡ và tuổi trưởng thành tha hương của cô, với những bi kịch đời sống và xã hội khiến cô đi đến quyết định tồi tệ nhất.

Cuộc trò chuyện dưới đây được thực hiện trước khi anh nhận giải Lựa chọn Goncourt của Việt Nam.

* “Tóm tắt đời người” liên hệ như thế nào với cuốn tiểu thuyết trước đó và sau đó, khi chúng đều nằm trong bộ ba tiểu thuyết của anh?

– Tóm tắt đời người là một cạnh của một tam giác. Cạnh đầu tiên kể câu chuyện của một phụ nữ già người Haiti đã chết và lần giở lại con sông ký ức của cuộc đời từ khi sinh ra đến khi qua đời.

Khi tái hiện lịch sử đời mình, bà cũng lần giở lại lịch sử xã hội, lịch sử đất nước, lịch sử chính trị. Cạnh thứ hai là câu chuyện của một phụ nữ Pháp trẻ da trắng cũng không may mắn trong đời sống, cũng phải đi đến cái chết, cũng lội ngược dòng sông đời mình. Cạnh thứ ba là câu chuyện của một thiếu nữ Mỹ khoảng 15, 16 tuổi.

Tôi cố gắng vẽ ra một tam giác xuất phát từ Haiti đi sang tận Mỹ sau khi đã qua Pháp bởi xét trên bình diện lịch sử, xét trên bình diện ký ức thì tam giác này có tồn tại. Haiti là thuộc địa cũ của Pháp và bị người Mỹ chiếm đóng từ 1915-1934, có lịch sử cùng những trao đổi và ký ức ở đó.

Tôi muốn thử nghiệm tam giác này, phác họa nó, bởi tôi nghĩ con người mà tôi vẫn là, nhà văn mà tôi vẫn là xuất thân từ cái tam giác ấy, thuộc về cái tam giác ấy. Tôi đã học đọc, học cách tồn tại, học cách xây dựng thế giới quan của mình cũng từ cái tam giác ấy, vì vậy mới có người kể chuyện là ba gương mặt phụ nữ thuộc ba thế hệ khác nhau ở ba quốc gia khác nhau, nói cách khác đó là ba văn hóa, ba tiếng nói.

Tóm tắt đời người kể câu chuyện của một phụ nữ Pháp trẻ đã lớn lên trong một ngôi làng, khám phá ra những điều có thể nói là rất kinh khủng. Câu chuyện của cô thật ra là một câu chuyện bình thường về một con người bình thường, với những nhu cầu hạnh phúc rất đời thường.

Người phụ nữ ấy mong muốn được hạnh phúc và đã làm tất cả, đi đến tận cùng trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc của mình đến mức cô biến mất trên cuộc đời này. Cuối cùng nước Pháp, xã hội của cô, thế giới của cô, cơ thể của cô không còn thuộc về cô nữa. Cô quyết định rời bỏ sự hiện diện của chính mình.

Chúng ta thường rời một căn phòng khi không cảm thấy thoải mái, rời bỏ một đất nước khi không còn mong muốn sống ở đó nữa, hay người vợ rời bỏ người chồng của mình nếu người chồng đó bạo lực… Tức là người ta có quyền từ bỏ, nhưng người ta có quyền rời bỏ cuộc đời của mình hay không? Tiểu thuyết của tôi đề cập đến những khả năng của sự tồn tại.

* “Tóm tắt đời người” mở đầu bằng câu “Mọi thứ trở nên sáng tỏ kể từ sau cái chết” và kết thúc bằng câu “kể từ sau cái chết mọi thứ lại bắt đầu”. Và các nhân vật mà anh tập trung vào đều đã chết, tìm cách cố kể lại câu chuyện của mình. Tại sao phải chọn cách tiếp cận là cái chết?

– Câu đầu và câu kết tác phẩm đơn giản là để thể hiện ý tưởng tạo ra một vòng tròn khép kín, một chu kỳ sống, một chu kỳ tồn tại, nghĩa là không có nơi nào mà ở đó sự sống và cái chết, gió trời và biển cả bắt đầu, cũng không có nơi nào tất cả những điều đó dừng lại.

Tôi muốn thể hiện điều đó trong một câu chuyện mà sự sống không có khởi đầu và không có kết thúc, mọi thứ bắt đầu lại kể từ sau cái chết và ta quay trở lại với câu đầu tiên của tác phẩm.

Sở dĩ tôi đứng từ góc nhìn của một người đã qua đời là vì điều đó trao cho người kể chuyện một tự do rất lớn, nghĩa là từ nơi chốn này, từ điều xa lạ chưa ai biết tới mà với tôi chính là nơi chốn của ngôn ngữ, nơi chốn của sự thật, người kể chuyện có thể kể ra mọi điều, bởi cô đã trải qua chuyến du hành và từ hiện tại, quá khứ, tương lai, từ nơi chốn của cái chết, ta không còn chiều kích của thời gian nữa, ta không còn sáng trưa chiều tối nữa, ta không còn gì thuộc về những gì ta từng có nữa.

Đó là một hiện tại liên tục, một giọng nói cất lên, kể cho chúng ta mọi điều bởi nhân vật đã hiểu mọi điều từ nơi chốn ấy, cô thấy rõ hiện tại, quá khứ, tương lai, cô tự do và có được tầm nhìn bao trọn chúng ta bởi chúng ta không thể nhìn thấy cái chết, ta không biết điều gì diễn ra trong cái chết, đó là thứ không ai biết.

Có những tôn giáo khiến chúng ta tin rằng Chúa trời tồn tại sau khi chết và cũng có những học thuyết khác thì không, tóm lại tất cả những điều đó là những phóng chiếu, những quan điểm, góc nhìn, những tín ngưỡng song trên thực tế điều gì diễn ra ở nơi chốn đó thì chúng ta đâu biết.

Nhân vật kể chuyện, vì cô đã trải qua hành trình nên cô biết, cô nói lại với chúng ta mọi điều, đưa chúng ta đắm chìm vào những tình cảm, cảm xúc của riêng ta, nhận thức của riêng ta. Đứng từ góc nhìn của người đã qua đời là như vậy đó.

* Tại sao anh lại thường chọn kể các câu chuyện từ góc nhìn của người phụ nữ?

Lý do đầu tiên là tôi tới từ một đất nước rất kỳ lạ – điều mà tôi phát hiện ra qua nhiều chuyến đi. Tôi sống trong một khu phố nơi phụ nữ làm mọi thứ nhưng không bao giờ có tiếng nói, không bao giờ cất tiếng, như mẹ tôi với câu chuyện của riêng bà, và cả những câu chuyện của người khác, những người phụ nữ đã qua đời.

Chính người phụ nữ này đã đem lại cho tôi ý tưởng kể lại những câu chuyện về những người phụ nữ không còn nữa. Những người phụ nữ này có rất nhiều điều muốn nói với chúng ta nhưng không thể. Tôi muốn thông qua câu chuyện của mình tôn vinh sự im lặng đầy biểu cảm trong ánh nhìn của mẹ tôi, của những người phụ nữ.

* Viết về người nữ mà bản thân là nam giới, anh có lo ngại những phê phán khi giờ đây cái gọi là chính trị bản sắc đang lên rất cao, rất dễ bị vu là “chiếm đoạt văn hóa” không?

– Ồ không, vấn đề chiếm đoạt văn hóa chỉ diễn ra khi ta tìm kiếm tất cả những gì tiêu cực trong văn hóa của người khác, của nước khác, trong cách họ sống, cách họ hiện hữu để có thể khéo léo thể hiện ưu thế vượt trội của ta so với nền văn hóa đó. Tôi không có bất cứ điểm gì như vậy.

Văn chương là sự tự do tuyệt đối, ta được tự do, ta không phải đàn ông, không phải phụ nữ, không phải chó mèo, ta chẳng là gì nhưng cũng là tất cả khi ta cầm bút viết. Và tôi, với tư cách nhà văn, tôi có quyền ra đi, có quyền rời bỏ đất nước tôi, rời bỏ cơ thể, thân xác tôi, rời bỏ ý thức của tôi, rời bỏ cách nhìn nhận nhỏ bé của tôi về thế giới, để đặt mình vào điều khác, vào thế giới khác, điều đó cũng cho phép tôi nhìn thấu bản thân mình.

* Đĩ điếm, thiên tai động đất, cưỡng hiếp, đạo đức giả và sự lấp liếm của gia đình, xã hội thực dụng và đầy bạo lực đen tối. Những đề tài này trở đi trở lại trong các tác phẩm của anh. Tại sao anh lại chọn tập trung vào những thân phận ở dưới đáy xã hội hay những con người mang trong mình rất nhiều đau khổ, tổn thương?

– Tôi hay tập trung vào tất cả những gì nghiền nát, vùi dập thế giới, vào tất cả những gì nghiền nát, vùi dập con người, tôi tìm cách để mọi người nhìn thấu những con người mà họ không nhìn thấu ấy, những con người không được trao micro để có thể cất lời ấy, những con người không được quyền tham gia cuộc chơi ấy. Với tôi, việc làm cho họ hết vô hình, được thấy rõ là việc hết sức quan trọng, bởi văn chương cũng phải sục cả vào những vùng tối chứ, những vùng bí ẩn, kỳ lạ của con người, của nhân loại nói chung.

* Paris trong “Tóm tắt đời người” ban đầu như một nơi chốn mơ ước của cô gái tỉnh lẻ, nơi cô khao khát được đến, nhưng rồi thực tế Paris lại thành một nơi chốn vỡ mộng, một thành phố với những người nhập cư chật vật khổ sở, nơi chốn nhơ nhuốc, đen tối. Anh có đang đáp trả lại đế quốc thực dân bằng cách miêu tả kinh đô ánh sáng như thế từ góc nhìn của một thành viên của cựu thuộc địa?

– Ồ không, không hề. Thực ra người ta rất dễ nhầm lẫn về một thành phố lớn, ở đó có rất nhiều điều, rất nhiều người, rất nhiều quốc tịch, rất nhiều văn hóa, rất nhiều ngôn ngữ, rất nhiều thành phố lớn khác trong lòng một thành phố lớn.

Nhân vật kể chuyện tự nhủ sẽ rời ngôi làng của mình để đi lên Paris, để có thể quên đi mọi chuyện, sửa sai mọi chuyện. Khi cô tới Paris, quả thực cô đã trải qua rất nhiều điều, có cả những điều rất tốt đẹp, nên không phải Paris là thứ nghiền nát và giết cô, chính những gì cô trải qua khi còn trẻ mới là thứ hủy hoại cô.

Ta có thể làm gì với một câu chuyện như vậy? Liệu có phải hành trình, hay việc rời một lãnh thổ để đi đến nơi khác, liệu có phải việc gặp gỡ những con người khác, việc hình dung bản thân qua những mộng tưởng là đủ để loại bỏ quá khứ?

Loại bỏ một câu chuyện khủng khiếp mà ta từng phải chịu đựng khi còn trẻ, vào một lúc nào đó, nhân vật kể chuyện cũng nói ra điều đó, cô những muốn vòng quay ký ức đó dừng lại. Ta có thể dành ra hẳn 20 hay 30 năm để cố quên đi, cố kìm hãm một câu chuyện nhưng khi nó đã trỗi dậy trở lại, nó cứ trỗi dậy trở lại thôi.

* Đọc “Tóm tắt đời người” như thể đọc một đồ đệ của James Joyce với ngôn ngữ chảy như một dòng nội tâm từ đầu tới cuối, không hề sử dụng dấu chấm, mà cực kỳ nhiều dấu phẩy. Sự liên văn bản thể hiện rất rõ trong các tiểu thuyết của anh. Anh tiếp thu ảnh hưởng của những tiền bối trong văn chương như thế nào? Tại sao anh lại theo đuổi loại văn chương thể nghiệm rất kén độc giả này?

– Trước James Joyce tôi có đọc Albert Cohen. Trong tác phẩm La belle du Seigneur, Cohen cũng viết những câu chảy hoài chảy mãi như một dòng sông. James Joyce cũng như vậy trong Ulysse, thậm chí trước các tác giả này đã có Jean-Claude Charles với tác phẩm cực kỳ quan trọng là Sainte dérive des cochons, trong đó những câu chữ nối tiếp nhau, thậm chí còn không có cả dấu chấm. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi hình thức và sự phong phú của tác phẩm đó, và cả bởi sức mạnh toát ra từ tác phẩm thông qua sự chính xác về mặt ngôn từ của nó.

Tuy nhiên trong tác phẩm của tôi, sự thiếu vắng dấu chấm tương ứng một nhu cầu cấp thiết, nhu cầu được nói của người phụ nữ – nhân vật kể chuyện, bởi cô từng phải sống trong im lặng, một sự im lặng khủng khiếp, nên từ khi bước được qua phía bên kia thế giới, cô quyết định lên tiếng, cô có nhiều điều phải nói tới mức không sao dừng nổi nên tôi không sử dụng dấu chấm bởi chức năng của dấu chấm trong câu là để dừng lại, ngắt nghỉ mà cô thì lại không thể dừng.

Với tôi, cuộc sống không bị đánh dấu chấm vì một cơn gió, không bị đánh dấu chấm bởi biển khơi hay đại dương, nên đánh dấu chấm câu ở đây không có ích gì cả. Một chuyển động xảy đến rồi lại ra đi, tôi muốn tác phẩm của mình phản ánh được chuyển động ấy, điệu vũ ấy của cuộc sống.

PHÙNG HỒNG MINH và ZÉT NGUYỄN/TTCT thực hiện

Trích nguồn: Vanvn.vn