Jon Fosse đã có bài diễn từ nhận giải Nobel văn học hôm 7.12 tại Học viện Thụy Điển ở Stockholm.
Ngôn ngữ thinh lặng
Hồi tôi học cấp hai, giáo viên yêu cầu tôi đọc to trước lớp. Một nỗi sợ hãi bất ngờ xâm chiếm, tôi như tan biến trong nỗi sợ hãi và đó là tất cả những gì tôi có. Tôi đứng dậy, chạy ra khỏi lớp.
Tôi nhận thấy những ánh mắt to tròn của bạn học và giáo viên đang dõi theo tôi.
Sau đó tôi cố gắng giải thích hành vi kỳ lạ của mình bằng cách nói tôi phải đi vệ sinh. Tôi có thể thấy trên khuôn mặt của những người đang lắng nghe rằng họ không tin tôi. Và có lẽ họ nghĩ tôi bị khùng. Đúng vậy, tôi đang trở nên điên rồ.
Nỗi sợ đọc to đã đeo bám tôi. Tôi can đảm xin phép thầy cô miễn đọc to, vì tôi rất sợ điều đó. Một số thầy cô tin và không hỏi nữa, nhưng cũng có người bằng cách này hay cách khác, nghĩ tôi trêu chọc họ.
Tôi đã học được điều gì đó quan trọng về con người từ trải nghiệm này.
Tôi đã học được nhiều điều khác.
Điều gì đó đã giúp tôi có thể đứng đây và đọc to bài diễn từ nhận giải Nobel văn học này. Và bây giờ hầu như không có bất kỳ sự sợ hãi nào.
Jon Fosse đã có bài diễn từ nhận giải Nobel văn học hôm 7.12 tại Học viện Thụy Điển ở Stockholm (Ảnh: Nobel Prize)
Tôi đã học gì?
Theo một cách nào đó, như thể nỗi sợ hãi đã lấy đi ngôn ngữ của tôi và tôi phải lấy lại nó. Tôi bắt đầu viết văn, thơ ngắn, truyện ngắn và nhận ra làm như vậy mang lại cho tôi cảm giác an toàn, làm tan biến nỗi sợ hãi.
Tôi đã tìm thấy một nơi bên trong mình chỉ là của tôi, và từ nơi đó, tôi có thể viết ra những gì chỉ là của tôi.
Giờ đây, sau gần 50 năm, tôi vẫn viết từ nơi bí mật bên trong mình, một nơi mà thực lòng tôi không biết nhiều về điều gì khác ngoài sự tồn tại của nó.
Nhà thơ Na Uy Olav H. Hauge đã viết một bài thơ so sánh việc viết lách với một đứa trẻ dựng những túp lều lá trong rừng, bò vào trong, thắp nến, ngồi và cảm thấy an toàn trong những buổi tối mùa thu đen tối.
Tôi nghĩ đây là một hình ảnh đẹp về cách tôi trải nghiệm viết lách. Bây giờ – cũng như 50 năm trước.
Và tôi đã học được nhiều hơn. Tôi học được ít nhất đối với tôi, có sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoặc giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ văn học.
Ngôn ngữ nói thường là cách giao tiếp độc thoại của một thông điệp hoặc là cách giao tiếp tu từ của một thông điệp với sự thuyết phục hoặc xác tín.
Ngôn ngữ văn học không bao giờ như vậy – nó không mang tính thông tin, mà mang ý nghĩa hơn là giao tiếp. Nó có sự tồn tại riêng của mình.
Theo nghĩa đó, một bài viết hay rõ ràng tương phản với những bài thuyết giảng.
Vì sợ phải đọc to, tôi bước vào nỗi cô đơn ít nhiều là cuộc sống của một người viết lách – và ở yên đấy từ đó đến nay.
Tôi đã viết rất nhiều, cả văn xuôi và kịch. Có thể nói, mỗi tác phẩm đều có vũ trụ hư cấu riêng, thế giới riêng của nó. Một thế giới mới mẻ cho mỗi vở kịch, mỗi cuốn tiểu thuyết.
Viết để thoát khỏi chính mình
Có một điều chắc chắn là tôi chưa bao giờ viết để thể hiện bản thân như người ta nói mà chỉ để thoát khỏi chính mình.
Kết quả là tôi trở thành nhà viết kịch.
Tôi viết tiểu thuyết, làm thơ và không hề mong muốn viết cho sân khấu. Nhưng với thời gian, tôi đã làm điều đó, bởi vì tôi – một tác giả nghèo – đã được đề nghị trả tiền để viết cảnh mở đầu một vở kịch, và cuối cùng viết cả một vở kịch – tác phẩm đầu tiên và vẫn được trình diễn nhiều nhất của tôi – Ai đó sẽ đến.
Lần đầu tiên tôi viết một vở kịch hóa ra lại là bất ngờ lớn nhất trong cuộc đời làm nhà văn của mình. Bởi vì trong cả văn xuôi và thơ, tôi đã cố gắng viết những điều mà thông thường không thể diễn tả bằng lời
Tôi đã cố gắng bày tỏ điều không thể nói được, vốn được coi là lý do để trao giải Nobel cho tôi.
Theo Nobel Prize, Jon Fosse được trao giải Nobel văn học vào tháng 10 “vì những vở kịch và văn xuôi sáng tạo, mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói được”.
Viết là để lắng nghe
Viết văn là một nghề cô đơn, như tôi đã nói, và cô đơn là điều tốt – miễn là con đường quay trở lại với những người khác vẫn rộng mở, trích một bài thơ của Olav H. Hauge.
Điều thu hút tôi khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy tác phẩm của mình được biểu diễn trên sân khấu, đó là sự đồng hành – trái ngược với cô đơn – để sáng tạo nghệ thuật thông qua chia sẻ, cho tôi cảm giác vô cùng hạnh phúc và an toàn.
Cái nhìn sâu sắc này đã theo tôi kể từ đó, và tôi tin nó đã đóng một vai trò quan trọng giúp tôi không chỉ kiên trì với một tâm hồn bình yên mà còn cảm thấy một loại hạnh phúc ngay cả từ những vở kịch tồi tệ của chính mình.
Đối với tôi, viết là để lắng nghe. Khi viết, tôi không bao giờ chuẩn bị, tôi không lên kế hoạch cho bất cứ điều gì, tôi viết bằng cách lắng nghe. Nếu tôi sử dụng một phép ẩn dụ cho hành động viết thì đó phải là sự lắng nghe.
Ở tuổi thiếu niên, tôi ít nhiều đã trực tiếp chuyển từ việc chỉ gắn bó với âm nhạc sang viết lách. Tôi thực sự đã ngừng hoàn toàn việc chơi nhạc và nghe nhạc, và bắt đầu viết. Trong bài viết của mình, tôi đã cố gắng tạo ra điều gì đó giống với những gì tôi đã trải nghiệm khi chơi nhạc.
Đó là những gì tôi đã làm lúc đó – và những gì tôi vẫn làm.
Một điều nữa, có lẽ hơi kỳ lạ, là khi viết, đến một lúc nào đó tôi luôn có cảm giác rằng văn bản đã được viết sẵn, ở đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi. Tôi chỉ cần viết nó ra trước khi văn bản biến mất.
Thỉnh thoảng tôi có thể làm điều đó mà không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Đôi khi tôi phải tìm kiếm câu chữ bằng cách viết lại, cắt và chỉnh sửa và cẩn thận cố gắng đưa ra văn bản đã được viết sẵn.
Và tôi, người không muốn viết cho sân khấu, cuối cùng chỉ làm việc đó trong khoảng 15 năm. Những vở kịch tôi viết thậm chí còn được trình diễn. Theo thời gian, đã có rất nhiều vở kịch được sản xuất ở nhiều quốc gia.
Tôi vẫn không thể tin được điều đó.
Cuộc sống thật không tin nổi.
Cũng như tôi không thể tin được bây giờ mình đang đứng đây, cố gắng nói gì đó ít nhiều hợp lý về chuyện viết văn, liên quan đến giải Nobel văn học được trao cho mình.
Viết lách có thể cứu được tính mạng con người
Trong quá trình viết bộ tiểu thuyết Septology, tôi đã trải qua một số khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình với tư cách một nhà văn. Tôi không có ý định viết một cuốn tiểu thuyết dài, nhưng cuốn sách ít nhiều tự viết nên chính nó. Tôi viết nhiều phần trôi chảy đến mức mọi thứ đều ổn ngay lập tức.
Tôi nghĩ đó là lúc tôi ở gần nhất với thứ được gọi là hạnh phúc.
Toàn bộ Septology chứa đựng những ký ức về phần lớn các tác phẩm khác mà tôi đã viết, nhưng được nhìn dưới một góc độ khác. Việc không có một dấu chấm nào trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết không phải là một phát minh. Tôi chỉ viết cuốn tiểu thuyết như vậy, một mạch, một mạch không cần dừng lại.
Những cuốn sách đầu tiên của tôi được đánh giá khá tệ, nhưng tôi quyết định không nghe lời giới phê bình. Tôi chỉ nên tin tưởng vào bản thân mình và kiên trì với bài viết của mình.
Nếu tôi không làm điều đó, thì tôi đã ngừng viết sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi – Raudt, svart (Tạm dịch: Đỏ, Đen) – ra mắt 40 năm trước.
Sau đó, tôi hầu hết nhận được những đánh giá tốt và thậm chí còn bắt đầu nhận được giải thưởng. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tiếp tục với logic tương tự: Nếu tôi không lắng nghe những đánh giá không tốt, tôi cũng sẽ không để thành công ảnh hưởng đến mình.
Tôi sẽ bám chặt vào bài viết của mình, bám chặt, bám chặt vào những gì tôi đã tạo ra. Tôi nghĩ đó là điều tôi đã làm được và tôi thực sự tin rằng mình sẽ tiếp tục làm điều đó ngay cả sau khi đã nhận được giải Nobel.
Khi được thông báo chiến thắng giải Nobel văn học, tôi đã nhận được rất nhiều email và lời chúc mừng. Tôi đã rất hạnh phúc. Hầu hết những lời chúc đều đơn giản và vui mừng cho tôi, có người lại cảm động rơi nước mắt.
Điều đó thực sự làm tôi cảm động.
Có rất nhiều vụ tự tử trong bài viết của tôi. Nhiều hơn những gì tôi muốn nghĩ tới. Tôi sợ rằng bằng cách này, tôi có thể đã góp phần hợp pháp hóa việc tự sát.
Do đó, điều khiến tôi cảm động hơn hết là những người đọc đã thẳng thắn chia sẻ rằng bài viết của tôi đã đơn giản cứu mạng họ. Ở một khía cạnh nào đó, tôi luôn biết viết lách có thể cứu được mạng sống, thậm chí cứu được mạng sống của chính tôi.
Và nếu bài viết của tôi cũng có thể giúp cứu sống người khác thì không gì có thể khiến tôi hạnh phúc hơn.
Jon Fosse sinh năm 1959 tại Haugesund, Na Uy. Tiểu thuyết đầu tay của ông – Raudt, svart (Đỏ, đen) – được xuất bản năm 1983. Năm 1989, ông được đánh giá cao với tiểu thuyết Naustet (Nhà thuyền).
Sau đó, ông tiếp tục viết vở kịch đầu tiên năm 1992 – Nokon kjem til å kome (Ai đó sẽ đến). Năm 1994, vở Og aldri skal vi skiljast được trình diễn ở Nhà hát Quốc gia ở Bergen.
Fosse sáng tác bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới). Đây là một trong hai ngôn ngữ tiêu chuẩn trong tiếng Na Uy, được sử dụng bởi khoảng 27% dân số.
Ông là nhà soạn kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất châu Âu, được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau. Khách sạn ở Oslo (Na Uy) có một dãy phòng được đặt theo tên ông.
Ngoài viết kịch và tiểu thuyết, Jon Fosse còn là dịch giả.
(Nguồn: Nobel Prize)
MINH NHÂN – Báo Dân Trí
Trích nguồn : Vanvn.vn
Bài viết liên quan: