Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn (sinh ngày 12 tháng 8 năm 1966) tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; quê ở Thạnh Phú, Bến Tre. Bà được đánh giá là nhà văn trẻ nổi tiếng trong nước. Bà được bầu làm Phó Chủ tịch khoá X, Chủ tịch khoá XII Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyên Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII, Giám đốc Trung tâm Bản quyền văn học Việt Nam. Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam từ tháng 6 năm 2021. Bà là con gái của Nguyễn Thị Ngọc Tú, một nữ nhà văn có tiếng của Việt Nam. Truyện ngắn HẬU PHÁO HOA là một câu chuyện đời thường nhưng đậm chất nhân văn.
Hồ Ngọc luôn là một điểm được chọn bắn pháo hoa đêm giao thừa.
Phần lớn các nhà có tầng một ven hồ được cho thuê bán đủ thứ. Từ những ngày áp tết, quán xá được kê thêm ghế, chăng dây khẳng định chủ quyền, chuẩn bị cho đêm giao thừa. Ven hồ, chọn nơi vỉa hè rộng, đơn vị bắn pháo hoa làm lán trại, xếp những khẩu súng chĩa về phía trung tâm. Từ chiều, nhiều nhóm người đã trải ni lông trên bãi cỏ, đường đi, bày đồ ngồi ăn uống. Nhiều người chở những ôm mía cả cây, cành lộc, bóng bay khiến những con đường ven hồ ấm hẳn.
Tất cả các nhà đều sáng đèn, mở cửa hết cỡ. Nhiều nhà treo biển “Trông xe máy” tranh thủ kiếm thêm một vài tiếng trước khi bắn pháo hoa.
Nhà bán miến lươn do hai vợ chồng ở đâu đến thuê, hôm nay dọn cất hết đồ, chỉ còn những con mèo thập thò các chân bàn ghế. Hai con chó trụi lông của nhà rửa xe ra ngã tư ngồi ngắm người qua lại. Mấy thằng cu dân tứ chiếng làm nghề rửa xe thuê năm nay không về tết, nhuộm tóc vàng như mấy bắp ngô Tây, quần áo chim cò bóng nhũ, thỉnh thoảng quát chó cấm chạy ra đường xe chẹt cho thì mất tết…
Và đêm xuống.
Người từ các ngả đổ về kín hồ Ngọc như một trò game xếp hình.
Vợ chủ quán bán miến lươn ngồi ngay vỉa hè gội đầu rồi đứng dậy vẩy tóc. Mái tóc dài dày ướt sũng quay tít tạo ra những luồng nước tròn như pha lê, bay vào mặt cặp trai gái trẻ măng đang khoác tay nhau đi bộ ra hồ. “Úi cha, lạnh quá cô ơi, nước bắn đầy mặt cháu rồi”. “Không sao đâu, bồ kết sả vỏ bưởi đấy, thơm lắm”. Vợ quán cười răng đều trắng lóa trên khuôn mặt rám nắng dù lên thành phố gần mười năm.
Biển người đen kít phủ kín mọi ngả đường, ngõ ngách. Nhiều thanh niên vắt vẻo trên những chạc cây ven hồ. Rồi đồng thanh tiếng hô lớn vang lên. Năm. Bốn. Ba. Hai. Một. Bắn rồi. Tiếng vỗ tay rào rào xong im bặt. Chỉ còn tiếng gió. Tiếng nổ bùm bụp. Tất cả chói lòa trong muôn màu ánh sáng nở bừng từ trên trời phủ xuống mặt hồ. Những chùm hoa đủ sắc màu. Những dòng thác ánh sáng chảy đi các phía. Hàng nghìn khuôn mặt đầy màu sắc ngước lên, đón nhận. Những đôi hôn nhau và chụp ảnh ắp phây. Có cậu cố lai trym pháo hoa cho người yêu bị ở nhà không được ra đường vì bố mẹ cấm yêu nhau. “Có ai bên cạnh em thế”, “Làm gì có ai, em đang trong phòng mà”. Cô gái khóc mắt sưng húp vì bị bố mẹ cấm yêu thằng mặt đầy mụn lại ngọng líu lô cậy nhà giàu tự tin thái quá. “Anh thấy có bàn tay vừa vẫy chào mà. Thấy cả cái mặt ai khoảng hơn bốn mươi em ạ”, “Khổ quá, em chốt cửa khóc từ chiều. Ông bà ấy đang xem ti vi dưới kia mà”, “Thế thì ma rồi. Ma này cũng thích pháo hoa rồi”, “Anh này, cứ trêu em. Em đang muốn chết vì nhớ anh đây”.
Âm thanh. Ánh sáng của pháo hoa giống như một thiên thạch vừa cháy bùng lên rồi rơi xuống. Cháy lên. Rơi xuống.
Rồi bục bục liên tục như trong phim đánh nhau, đạn nã lần cuối bao giờ cũng liên hoàn, quyết liệt. Xong. Trên trời, chỉ còn những vùng khói đủ màu
Vỗ tay. Rào rào tiếng vỗ tay kết thúc.
Chó mèo chạy loạn.
Tan cuộc. Mọi người đổ ra các phía. Gió bắt đầu thổi vì có khoảng trống đám đông bỏ lại. Tiếng gọi con gọi chó mèo lẫn trong tiếng xe máy rồ ga. Theo phong tục, đầu năm mua muối, cuối năm mua diêm. Các nam thanh nữ tú tay cầm những bịch muối kèm bao diêm và cành lộc, hay cây mía cao đầy đốt, cười ha ha xa dần. Vài thằng cu chở nhau trên xe máy, mắt láo liên, thấy chú chó nhà nào ngơ ngẩn, cúi xuống bế thốc phóng đi. Chó vào nhà rất may mắn, lại năm mới, bắt thôi
Sau bữa tiệc pháo hoa cho mắt, những người nhà mặt đường vội vã bưng bàn bày sẵn mâm cúng thần linh ra, đứng xếp hàng khấn vái. Hương thắp mù mịt. Khói hương ấm áp loang trong sương đêm, mưa bụi.
*
Ninh đứng ở ngã ba. Cô di chuyển trong lúc chưa bắn pháo hoa cho tới khi bắn xong. Mỗi góc một kỷ niệm. Nhân chứng duy nhất còn lại là nơi chốn này và tổ trưởng. Có vẻ thời gian không liên quan đến tổ trưởng. Cô nhận ra người đàn ông này khi anh ta lao vào đám đánh nhau để can.
Một nhà mặt đường. Chồng vừa ném cái ghế gỗ vào đầu vợ. Vợ to cao, hoàn toàn có thể né người tránh cái ghế nhưng cô đã không láo với chồng, chỉ phản kháng nhẹ nhẹ bằng cách lấy tay che mặt. Chồng mắt vằn đỏ, thanh minh với tổ trưởng “Anh xem. Tranh thủ hôm nay dân tình đi xem pháo hoa, tắc đường, em làm xe ôm, chạy một tối bằng cả tuần. Dặn nó (chỉ thẳng mặt vợ) đóng chặt cửa trông mấy mẹ con đàn mèo. Cả xóm này lạ gì em dồn hết tiền về một cục sắm con mèo Nga, lấy giống mấy triệu, ăn toàn gan gà óc lợn rồi cũng đẻ được ba con. Chính em gái bác (chỉ thẳng mặt tổ trưởng) dặn em giữ hai con làm quà biếu sếp. Còn một con nữa có khách đặt rồi. Tổng cộng đàn mèo hơn ba chục triệu. Dặn đi dặn lại mèo đẻ sợ âm thanh ánh sáng người lạ, phải ngồi cạnh ôm chúng nó. Thế mà nó tót đi xem pháo hoa ngoài hồ. Pháo ầm ầm như bom, mèo ta còn điên nữa là mèo Tây! Mất mẹ nó cả đàn rồi anh ơi”.
Vợ ngồi thất thần. Không khóc. Im lặng suy nghĩ mông lung. Chồng hét “Mày không chạy đi tìm chúng nó về, ngồi thế kia à”. Vợ vẫn ngồi. Hóa cục đá. Tổ trưởng và chồng lao ra đường. Đám đông đã vãn. Gió mùa đông bắc thổi vỏ bim bim lẫn lá cây vàng úa. Tổ trưởng lẩm bẩm “To đến như cái thằng bốn tuổi nhà kia còn lạc mẹ, huống gì mấy con mèo”.
Trong nhà. Vợ vẫn bất động. Mắt lấp lánh những tia xanh đỏ tím vàng ánh sáng sắc màu pháo hoa. Gần sáu mươi tuổi, từ quê lên phố đoàn viên với chồng vừa tận mắt thấy pháo hoa, cấm thế nào được mà cấm. Mà mèo nào chả giống mèo nào, mất rồi lại tâng giá lên quá bằng lứa lợn ở quê. Lần đầu tiên biết thế nào là pháo hoa. Đau do ghế chồng phang cũng chả hề hấn gì.
Ninh dừng trước cửa café Ngói. Quán là tầng một của một nhà tập thể cũ, nghiêng xiên về một phía. Chủ quán trang trí những viên ngói vỡ thành hình góc làng cổ. Cà phê trứng thơm nồng. Tổ trưởng sau một hồi tong tả tìm chó bắt mèo, báo công an phường có trẻ lạc, đi qua café Ngói.
“Bác ơi”, Ninh gọi. Tổ trưởng giật mình quay ngoắt lại, tinh thần phản ứng trước biến cố cao độ. Nhìn thấy Ninh, tổ trưởng hơi giãn mặt, tóc giả bị xô nhẹ sau cú xoay, một bên chọc vào nửa má. “Bác ngồi đây uống gì đi, tôi mời bác”.
Tổ trưởng vào quán, nhìn quanh “Đóng cửa muộn nhỉ, Toàn ơi, cho anh cốc Nip tông nóng như mọi khi nhé”. Tiếng Toàn dạ bên trong. Tổ trưởng ngồi đối diện Ninh, nhìn cô chằm chằm, mặt đầy biến động của trí não đang quay về quá khứ.
“Bao năm mới gặp lại cô. Giờ cô ở đâu?”,”Tôi đang sống ở Vũng Tàu”, “Cô ra ăn tết nâu không?”, “Mai tôi về lại trong kia”, “Ra chỉ để xem pháo hoa à”, “Tôi ra thăm mộ bố mẹ, và xem pháo hoa. Tất cả các thành phố đều bắn pháo hoa đêm giao thừa, nhưng tôi chỉ muốn xem ở chính nơi này”, “Ui giời. Cô quá tinh. Hồ này bao giờ bắn chả đẹp, nại nâu. Tôi căn giờ, nâu hơn Hồ Tây 1,35 phút, ở Bờ hồ thì nó nâu hơn mình gần hai phút đấy. Tôi vẫn nhớ, hồi cô và anh Đăng ở đây, hai người hay ngồi trên xe máy xem pháo hoa. Hết bắn, anh Đăng chở cô đi đâu mấy ngày mới về”. Ninh mở to mắt nhìn tổ trưởng, nhớ lại những năm tháng rong chơi sau giao thừa cùng Đăng. Trong biển người xem pháo hoa xong mà tổ trưởng cũng biết cô làm gì, đúng là tài. Cúi xuống cốc cà phê màu nâu vàng, làn khói mỏng bay lên, Ninh giấu nụ cười không nhịn được. “Này cô Ninh này. Bao năm không gặp cô, tôi hỏi chuyện này, cô đừng cho tôi vẫn tính tò mò nhé”. ” Vâng, bác cứ nói” “Cô… còn sống với anh Đăng không. Tôi nà tôi quý anh ấy nắm”. Ninh quay nhìn ra hồ, mặt hơi đờ. “Tôi lâu cũng không gặp anh ấy bác ạ”. Tổ trưởng chồm người lên, không giấu được tính tò mò cố hữu “Thế hai người chia tay nhau nâu chưa. Cô với anh Đăng ngày đấy quá đẹp đôi. Cứ ra khỏi nhà, cả phố nhìn theo đấy. Thế giờ…” Nghĩ thế nào, tổ trưởng dừng. Vừa lúc chủ quán bê cốc trà nóng ra đặt trước mặt tổ trưởng. Tổ trưởng vội đón lấy, uống luôn dù trà bốc hơi nghi ngút. Mải uống, mái tóc giả dày cộp rẽ ngôi trắng bóc xoay đi một chút. Tổ trưởng rất khéo, cầm một lọn tóc cứng kéo nhẹ, đâu vào đấy ngay ngắn. Mặt ông lại chuẩn như tranh truyền thần.
“Hồi anh Đăng chuyển đi, tôi không kịp gặp. Day dứt mãi đấy”, “Bác day dứt chuyện gì”, “Chuyện… trước đây đôi núc tôi nghi ngờ cô này kia. Rồi tôi xui hàng xóm kiện cô chuyện nuôi hai con chó béc giê quá to. Nó nại thù tôi, gặp ai cũng vui tươi nhưng cứ thấy tôi nà chúng nó gừ sùi bọt mép. Tôi vốn không ưa chó. Nhìn thấy chó nà nghĩ nó sắp ngoạm mình. Nên, ngày ấy, tôi nói thật, chỉ mong hai con đấy bị bắt đi”, “Thì anh Đăng cũng phải cho người bạn nuôi giúp vì bác kiện suốt đấy thôi”.
Ninh nhìn lên trời. Những quầng khói vẫn chưa tan hết. Rồi cô nhìn ra đường. Từ xa. Hai người đàn bà, một người đẩy xe ba bánh chở rác, người đi bên cạnh tay chổi tay xẻng quét rác thành từng đống nhỏ rồi hót vào xe. “Chuyện lâu rồi, bác băn khoăn làm gì”, “Tôi bị cái tính, chuyện gì có bắt đầu phải có kết thúc cô ạ. Mọi người ở đây, ai chuyển đi, ai chuyển đến, tôi đều nắm rõ. Trừ cô và anh Đăng. Hai người đột ngột biến đi làm tôi ngơ ngác mãi”.
“Ối giời ơi, con đi đâu mà để bố mẹ tìm không thấy thế này, Đại ơi là Đại”. Người mẹ lạc con sau pháo hoa ngồi xe máy người chồng đèo đi chậm lại kêu khóc đầu phố. Tổ trưởng nói nhanh “Cô đợi tôi nát nhá. Tôi ra nói với vợ chồng nhà kia mấy câu”.
Ninh im lặng, nhìn dáng tất tả của tổ trưởng, nhớ lại lần gay gắt cuối cùng của cô, từ khá lâu rồi.
Mấy cậu nhóc khoảng mười lăm tuổi đang đuổi theo mấy cô bé nhằm giật lại chiếc điện thoại trong tay một cô tóc chải ba màu thì va phải một người đàn ông lớn tuổi. Ông không cao, lại béo chắc nên mấy cô bé đập vào ông như va phải bức tường. Những cánh tay bọn trẻ giơ cao nhằm giữ chiếc điện thoại nên một bàn tay ai đấy đã hất tung bộ tóc giả trên đầu ông chắc nịch. Mái tóc giả khum khum hình cái vung bay lên cao rồi rơi bịch xuống mặt một người đàn bà đi ngang qua. Bà này giật nảy người, theo phản xạ, vung tay gạt mạnh cái gì vừa nặng, lại đen, có vẻ hôi vì thấy mũi bà nhíu lại, khiến bộ tóc bay thêm một khúc nữa trước khi rơi phịch xuống đất.
Bộ tóc giả trước khi tiếp đất, nó bay ngang mặt, rồi hạ xuống trước mũi giày màu xanh tím của cô. Một cô bé chạy tới, thò tay nhặt bộ tóc lên. Thả xuống. Nhặt lên, cầm bằng hai ngón tay vẻ mặt kinh sợ, quay lại đám bạn, và đưa nó cho một người đàn ông đang đứng xoa xoa tay lên đầu.
Ông tóc giả.
“Hơn mười năm rồi”, “Mười năm bốn tháng ba ngày”. Ông trả lời. “Tại sao ông biết tôi đuổi theo mà không dừng lại?”, “Tôi đi nhanh để nghĩ xem tại sao cô đuổi theo tôi”, “Ông vẫn là người quen ủ mưu, thay vì đối diện với mọi việc để hiểu ngay nó là gì”, “Tính cách mỗi người mỗi khác, tôi không giống cách của cô”, “Nhưng ông biết thừa là tôi sẽ theo ông đến cùng, vì bao năm nay, ông luôn là câu hỏi lớn của tôi”, “Cô cứ việc hỏi, và tự trả nời. Tôi không có gì để nói với cô. Chào cô”.
Người đàn ông dáng ục ịch nặng nề, mặt vuông vức, da đỏ au như vừa tắm biển, mái tóc đen nhức dày cộp quay người sang hướng khác, đi nhanh. Cô đuổi theo, gằn giọng “Tôi bắt được ông rồi, và sẽ không để ông thoát đâu. Ông đừng bám theo đời chúng tôi nữa”. Ông tóc giả quay ngoắt lại, mắt lóe những tia sáng tàn độc lạnh lẽo “Cô nhầm người rồi, đi chỗ khác chơi”.
Và đi nhanh biến vào dòng người trên phố đi bộ ngày cuối tuần.
Có vẻ biết sẽ khó thoát khỏi cô nên ông thu người lại, đi nhanh, một tay giữ tóc. Cô thì cắm cúi theo sau, mắt nhìn dán vào cái đầu đen nhức, sợi tóc thì cứng bết, gió không tác động được dù một sợi.
Cửa sổ nhà Đăng nhìn sang khu nhà của tóc giả, cách nhau một đường ngõ nội bộ. Thiết kế kiểu cũ, hai nhà nhìn sang nhau nhưng đi hai đường khác. Mỗi lần Ninh đến, Đăng thường hay kéo ri đô lại. Lần ấy. Ninh về trước. Cô tắm gội và ra cửa sổ đứng nhìn đường. Quấn chiếc khăn tắm ngang ngực, tóc xõa dài xoăn từng búp. Một tay xới những lọn tóc, một tay cầm máy sấy bật hết công suất thì chiếc khăn tắm tụt xuống. Cả khoảng ngực trần lộ ra. Ninh vẫn sấy tóc và chợt thắt ruột giật mình khi thấy bên khung cửa đối diện, một mái tóc đen nhánh trồi lên tụt xuống. Nhìn kỹ, là một chiếc ống nhòm đang hướng vào cô. Cô vội ngồi thụp xuống, vớ cái khăn, quấn lại ngang ngực rồi đứng phắt lên. Bên kia. Tóc giả đã hạ ống nhòm, ngây mặt nhìn sang.
“Anh phải sang chửi cho lão biến thái ấy một trận. Thật là ghê tởm. Lão dùng ống nhòm nhòm em đấy”, “Tại em quên kéo ri đô chứ không phải tại ông ấy”, “Nhà mình sao cứ phải che chắn thế, em điên lắm”, “Thôi, kệ lão đi, mình có bắt được tận tay đâu”.
Từ hôm đấy, thay vì tóc giả rình mò Ninh, cô quay lại rình lão. Và, lão biết điều đó nên lẩn trốn cô ở bất cứ đâu nếu chả may đối diện.
“Em ước gì đánh người không bị đi tù”, “Em muốn đánh lão tóc giả đến thế à”, Đăng cười hiền, đưa vào tay cô điếu thuốc vị cà phê dành cho nữ. Ninh rít một hơi dài. Hương cà phê sữa ngọt ngào loang trong gió lạnh. Phục vụ bê ra một ly rượu pha. Một ly cà phê đen nhức nhối. Đặt trước mặt hai người. Quán vắng. Nhạc jazz da diết buồn. Ninh làm một hơi hết ly rượu khi phục vụ vừa kịp quay lưng. Đẩy chiếc ly trơ lại vài viên đá tròn về phía Đăng “Em ơi, cho thêm ly đúp nhé”. Phục vụ giật mình quay lại, cúi đầu khẽ dạ.
“Em luôn muốn giật tung cái đống tóc giả trên đầu để xem thực sự mặt lão thế nào. Hói thì đã sao mà cứ phải úp cái nơm đấy lên đầu thế”, “Thì ông ấy thích thế, mai sau, biết đâu em cũng muốn đội tóc giả thì sao”, “Đàn bà khác, đây là đàn ông. Cố làm ra một hình thức hoàn hảo nhưng tính tình thì đểu giả, để làm gì chứ”.
Đăng cười. Ngón tay dài thẳng vê vê nhúm thuốc trong cái hộp sắt, ấn vào miệng chiếc tẩu nhỏ, bật lửa và rít mạnh. “Thời tiết này, uống rượu, hút thuốc và ngồi ở đây quá mỹ mãn. Hưởng đi em. Đừng để lão ấy lúc nào cũng chềnh ềnh giữa chúng mình. Về nhà thấy lão. Ra đây cũng thấy lão. Đêm trước, trong lúc yêu em, anh thấy em giật mình nhìn xem đã đóng cửa sổ chưa… Quên lão đi, chấp cho lão rình mình. Tự nhiên có người theo rình vô hại, cũng vui mà”.
Ninh thở hắt. Hít một hơi dài, phà ra nguyên một làn khói đặc.
*
“Xong rồi. Tôi đã báo cho bố mẹ cháu bé, công an phường đang trông cháu. Ai đời, bố mẹ gì cứ ngửa mặt nhìn giời, rồi xeo phì, nai trym để con đi nạc xong gào khóc noạn nên. May mà không bị mẹ mìn bắt đi bán nên biên giới đấy.
Ninh nhìn tổ trưởng. Đường phố lâu lâu có một hai người phóng xe máy nhanh, tay cầm những cành lộc. Vài chiếc ô tô lao vun vút.
“Cũng một giờ sáng rồi. Bác về nghỉ đi”, “Thế giờ cô đi đâu?”, “Tôi về khách sạn ngay kia”, “Khách sạn Trăng Mờ nhỉ”, “Vâng”, “Năm mới, mong cô bỏ qua chuyện cũ. May nàm sao hôm nay gặp cô, bao điều khó xử trước đây tôi được nói, không thì vẫn nặng nòng nắm cô ạ”, “Không có gì bác ạ. Đời sống là thế. Chuyện gì cũng chỉ quan trọng vào đúng thời điểm đó thôi. Qua đi, chả ý nghĩa gì”, “Thế cô… liệu có khi nào gặp anh Đăng không, cho tôi gửi lời hỏi thăm nhá”, “Tôi có số điện thoại của anh ấy. Bác lưu lại để tiện thì gọi nhé”. Mắt tổ trưởng sáng lên, vội lấy chiếc điện thoại đời mới ra đưa Ninh: “Cô bấm nưu giúp tôi. Khoản công nghệ này tôi kém nắm”, “Kém mà bác làm lãnh đạo cả một khu lớn thế này. Điện thoại xịn quá”. Ninh cười “À, thì cứ ai gọi thì nghe rồi nàm thôi. Điện thoại này chủ yếu dùng để quay phim, chụp ảnh hiện trường các việc nàm bằng chứng. Việc của tôi không thể dùng ninh cảm hay nghe thông tin. Nuôn phải có chứng cứ, dù ninh cảm cũng quan trọng trong việc phá án. Phức tạp. Cuộc sống giờ phức tạp hơn hồi anh Đăng và cô ở đây nhiều”. Ninh nén thở dài, lưu số của Đăng.
“À, tôi cũng có một chuyện muốn hỏi bác, suốt từ hồi ấy”, “Chuyện gì thế, cô nói đi”, “Chuyện khá tế nhị, nhưng làm tôi và anh Đăng xung khắc đấy”, “Ui thế á”. Mắt tổ trưởng hấp háy. Ninh hơi đắn đo, rồi nói “Bác tới giờ, đã bao giờ có vợ chưa?” Tổ trưởng đang căng người bỗng chùng xuống, mặt tư lự, loay hoay tìm câu trả lời “Tôi… tôi từng hẹn hò, và giờ vẫn chỉ là hò hẹn. Dang dở thế hóa hay cô ạ. Mà, vợ chỉ là khái niệm mang ý nghĩa hành chính. Giống cô với anh Đăng thôi. Ngày ấy hai người cũng đâu có đăng ký kết hôn”, “Bác biết cả chuyện đó à”, Ninh hơi đỏ mặt. “Tôi phải điều tra chứ. Nếu cô và anh Đăng quan hệ chính đáng thì không sao. Nhưng hai người quan hệ bất chính khi đang có gia đình, là năm năm tù đấy”, “Ngày ấy, tôi rất ghét bác”. Ninh nghĩ thầm, chẳng nhẽ lại nói là có lúc tôi muốn giết bác. “Đúng rồi. Tôi bị nhiều người ghét, không chỉ cô đâu. Ghét tôi nhưng vẫn cần tôi, đời là thế mà. Chúng ta thực ra đều cần nhau đấy”. “Bác có khi nào thấy mệt vì việc phải làm tổ trưởng không?”, “Không hề”, mặt tổ trưởng đầy phấn khích. “Công việc khiến tôi luôn ở trạng thái khám phá, tìm hiểu, để ngăn chặn những việc xấu có thể xảy ra”.
Người xấu có thể thành người tốt hoặc là xấu hơn. Nhưng người tốt không thể thành người xấu. Mình không phạm sai lầm, ông ấy không có cửa hại mình đâu em. Đăng thì thầm vào tai Ninh, trong một lần cô vào nhà, tay tháo khóa tụt váy, tay kéo rèm. Ngoài kia, nắng thu hanh vàng. Lá sấu rụng đuổi nhau và tụ thành từng đám. “Nhà anh đẹp mỗi khung cửa này, vậy mà phải đóng im ỉm vì cái thằng điên bên kia”, “Thì em cứ mở rèm ra, lão ấy không thể suốt ngày ngồi ôm chấn song sắt nhòm sang đây. Anh không ghen đâu”, “Mình gặp lão nói thẳng đi anh”, “Không ai lý giải được hành động của người khác. Ai cũng có những lý do riêng. Con người không thay đổi. Em quên lão đi”. Đăng nói, rồi cởi phăng hai lần áo. Trời lạnh, cởi trần là hành động mời gọi phía bên kia, hãy nhìn sang đây, dí mắt vào ống nhòm và tưởng tượng đi. “Tin anh đi. Hạnh phúc đôi khi đến từ những điều rất ngớ ngẩn. Trốn tránh không làm cho mọi việc biến mất em ạ. Hai đứa mình, muốn bình yên thì phải đối mặt thôi”, “Đối mặt là mình sang bảo lão thôi rình mò em và anh. Đừng có suốt ngày nhòm vào phòng ngủ nhà người khác thế”, “Thương lão đi em, nhờ nhòm mình mà lão có sức cống hiến cho việc chung đấy”.
Sau mỗi lần tranh luận về lão tóc giả, Đăng yêu Ninh dài hơi, mãn nguyện hơn như thể lão kia là thuốc kích dục. Điều đó khiến Ninh ê chề và xa dần Đăng.
*
Khách sạn Trăng Mờ ở cuối ngõ. Giữa khu nhà cũ, tự nhiên mọc ra một khách sạn xây diêm dúa phong cách Pháp. Bà chủ hơn bảy mươi, họa sĩ tự do. Trước, bà có chồng là họa sĩ nổi tiếng bán tranh nhiều và đắt. Khi ấy, bà đơn thuần là người dịch cho chồng mỗi khi có khách nước ngoài xem và mua tranh. Lập trang web giới thiệu tranh cho chồng, tiếp khách, pha trà và hầu chồng cho tới một đêm, họ cùng đưa nhóm khách nước ngoài mua tranh đi nghe quan họ trên sông ở Bắc Ninh, bà mệt về trước. Trưa hôm sau, chồng về cùng một quan họ mới vào nghề, nói chúng mình chia tay, anh yêu quan họ này rồi. Tài sản chia sòng phẳng. Bà sau vài lần tự tử bất thành, được cô bạn thân đón về ở khu này. Thấy mảnh đất trống quá đẹp để hoang, dấu tích của một gia đình từng thịnh vượng rồi suy tàn, bà mua lại. Lấy tiền chồng chia cho xây khách sạn. Tầng chín bà ở và vẽ. Tranh sơn dầu phong cách siêu thực không đụng hàng với thể loại tranh tả thực của chồng cũ bà bán được giá hơn. Chồng họa sĩ giờ về Bắc Ninh xây biệt phủ, hát như dân quan họ có nòi. Lâu lâu, bà tổ chức tiệc, thuê quan họ chuyên nghiệp về hát, thiếu mỗi chèo thuyền trên sông, mời hết hàng xóm đến nghe rồi hát theo.
Ninh bước vào sảnh lễ tân. Chủ khách sạn đang ngồi với nhân viên và khách vãng lai đêm giao thừa. Bà chủ để tóc thẳng, bạc trắng như cước. Môi son đỏ tươi và mắt viền phớt tím. Bộ váy đen dài, vòng ngọc trai tím. Bà như bước ra từ một bức tranh. “Ngồi đây với nhau và uống với tôi ly rượu, cô gái”. Bà đưa vào tay Ninh ly rượu vang đỏ. Ninh ôm lấy bà, như gặp người thân. Không khí giao thừa năm mới luôn khiến mọi người thấy thân thiết với nhau dù hoàn toàn xa lạ. Những ly rượu đỏ chạm nhau vang tiếng lanh canh. Đĩa trái cây bày hình con công thật khéo. Tiếng piano nhẹ nhẹ góc nhà. Ai đấy đang ngồi bên cây đàn đặt ở góc sảnh, mải mê gõ. Chủ đi ra góc sảnh, nơi đặt một giá vẽ. Cạnh đấy là chiếc bàn bày những tuýp sơn dầu đủ màu. Bức tranh với nhiều màu sắc cơ bản càng nhìn càng hút sâu như đi vào mê cung. Cầm cây cọ cỡ nhỏ, bà lấy từ tuýp màu cam sẫm chút sơn, ký chéo vào góc. Quay lại nhìn mọi người, bà cười mắt lấp lánh tím “Cùng chào năm mới nào”.
Cứ thế, ngày mới trườn đến.
*
Ninh không nghĩ, cô có thể ở lại Trăng Mờ cho tới cuối xuân đầu hạ mới rời đi.
Những ngày tháng mưa phùn ẩm ướt được coi là mùa thứ năm ở Hà Nội có tên là mùa nồm. Hằng sáng, Ninh thường gọi cho mình ly cà phê ở Ngói. Thỉnh thoảng, tổ trưởng chỉnh tóc giả ngay ngắn bước vào, gọi một Níp tông nóng nhiều đường, rồi kề mặt vào hơi nóng bốc lên, mãn nguyện.
Nguyễn Thị Thu Huệ
Bài viết liên quan: