Dù AI có thể công thức hoá nền văn xuôi hiện đại, thì sự sáng tạo độc đáo của các nhà văn là điều công nghệ mới này khó có thể thay thế.
Nhà văn Mỹ Anita Felicelli đã biết tới các công cụ AI tổng quát từ cách đây 3 năm. Vào thời điểm đó, bà đã có một suy nghĩ thoáng qua rằng công cụ này có thể sẽ giúp cho các tác giả tiểu thuyết toả sáng trong tương lai.
AI thay thế được nhiều hoạt động cơ học
Trong bối cảnh tiểu thuyết đương đại đang có xu hướng coi trọng lối viết tối giản thì AI là một công cụ hữu ích khi có khả năng tiêu chuẩn hóa văn xuôi hiện đại, viết ra được những câu đơn giản và xây dựng được cốt truyện theo công thức. Trong khi tính năng này của AI sẽ giúp ích cho những người muốn hiểu về văn học hiện đại một cách cơ bản thì điều này cũng sẽ giúp những điều nằm ngoài mô típ thông thường trở nên nổi bật hơn.
Trong khi Anita Felicelli hiểu được lo ngại của nhiều người rằng AI có thể khiến nhiều nhà văn mất việc khi những người sống bằng nghề viết lách vốn đang có cuộc sống khá bấp bênh, thì sự xuất hiện của AI dường như nằm trong một dòng chảy phát triển lớn hơn.
Đã từ lâu, công việc sáng tác ngày càng trở nên nhàm chán, các hoạt động ghi nhật ký, tự sự cứ lặp đi lặp lại và không có sự kích thích. Trong khi máy móc dần có thể làm những công việc này tốt hơn con người thì kỳ vọng của công chúng, bao gồm những người làm công việc hỗ trợ trong ngành xuất bản, với thế giới văn học cũng sẽ thay đổi.
Hiện tại, thế giới xuất bản đang thử nghiệm cách AI hoạt động, không chỉ liên quan đến “sáng tạo văn bản”, mà còn ở khâu tiếp thị, phân phối và sản xuất sách nói sử dụng giọng đọc của AI.
Rất nhiều nhà văn khi chia sẻ với Felicelli đều lo ngại rằng AI có thể khiến họ giảm sút nguồn thu nhập. Cho tới nay, đã có nhiều tác giả đệ đơn kiện vi phạm bản quyền chống lại OpenAI vì đưa tác phẩm của họ vào kho dữ liệu của ChatGPT.
Không thay thế được sự sáng tạo độc đáo
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiếng nói đề cập đến sự tích cực của AI. Vauhini Vara, người lọt vào vòng chung kết Giải Pulitzer dành cho tác phẩm hư cấu, đã thẳng thắn chia sẻ rằng một trong những đoạn văn hay nhất bà sáng tạo ra là viết về người chị gái đã qua đời của mình và có sử dụng AI.
Người đại diện văn học Andrew Wylie cũng bác bỏ hoàn toàn nguy cơ từ AI đối với các tác giả ông đại diện. Ông khẳng định chỉ những cuốn sách dở và phổ thông mới dễ bị sao chép.
Felicelli đồng tình với ý kiến này. Văn học được sáng tạo và phát triển nhờ vào những con người tiếp cận thế giới với sự cởi mở và đưa tiếng nói, hơi thở, những trải nghiệm của chính họ đến với công chúng.
Có thể thấy sự đặc biệt đó trong tác phẩm của rất nhiều tác giả thành danh. Ví dụ, khi nhắc đến Toni Morrison, một trong những nhà văn Mỹ vĩ đại, là độc giả nhớ ngay tới cấu trúc truyện độc đáo cùng giọng văn hòa trộn yếu tố thực – ảo, lối kể mượt mà, đẫm chất nhạc và thơ, cùng với việc sử dụng khéo léo nhiều kỹ thuật văn học.
Một thuật toán dù có được nhập dữ liệu từ hàng loạt cuốn sách nổi tiếng cũng khó có thể thể tìm ra cách kể chuyện vừa cảm động vừa độc đáo như cách Morrison đã làm. Như tiểu thuyết gia nổi tiếng người Italy Elena Ferrante đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Paris Review: “Văn học chiều theo thị hiếu của người đọc là một nền văn học thoái hóa. Mục tiêu của tôi là làm thất vọng những kỳ vọng thông thường và truyền cảm hứng cho những kỳ vọng mới”.
Trong khi con người sẽ dễ dàng hơn trong việc có được những tác phẩm theo công thức nhờ sự hỗ trợ của AI, thậm chí có thể “đạo nhái” cả những áng văn đặc sắc của Morrison hay Ferrante, thì nhu cầu sở hữu những tác phẩm văn học hiếm có, độc đáo và mang bản sắc riêng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới xuất bản.
MINH HOA – Theo Znews
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: