Việc dịch thơ thế giới tới người đọc trong nước cũng như dịch thơ văn Việt Nam ra nước ngoài, các dịch giả giúp cho độc giả có cơ hội tìm hiểu nền văn hóa khác. Tuy nhiên, việc dịch thơ có cái khó hơn với việc dịch các văn bản khác. Sau đây là một số luận bàn về việc dịch và quảng bá thơ hiện nay.
1. Bàn về người dịch
Yêu cầu tố chất dịch giả là phải thông thạo ngoại ngữ và có khả năng vận dụng ngôn ngữ đọc, viết tiếng mẹ đẻ thuần thục. Để dịch văn xuôi, cần hiểu biết về văn học, để dịch được thơ cần khả năng am hiểu thi ca.
Người dịch thơ, cần có năng lực sáng tác thơ, trang bị kiến thức tổng hợp về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của quốc gia sử dụng ngôn ngữ dịch. Để hiểu sâu sắc về văn bản nguyên bản, chọn phương án dịch hợp lý nhất.
Nếu tác giả là người sáng tác lần thứ nhất thì dịch giả là người sáng tác lần thứ hai. Dịch giả phải đồng cảm xúc cùng tác giả, làm cho cảm xúc ấy được tái hiện lại bằng ngôn ngữ của anh ta, tương ứng với nền văn hóa đương đại. Đó là công việc khó khăn song là sự đồng sáng tạo này đòi hỏi dịch giả phải nén cái tôi của mình để thực hiện việc sáng tạo lại tác phẩm.
Mặc dù bản dịch xuất sắc thì dịch giả vẫn xếp,sau tác giả. Tuy nhiên vì có bản dịch mà tác phẩm vượt qua khỏi biên giới quốc gia, đưa con người xích lại gần nhau hơn, làm phong phú cho kho tàng văn học và văn hoá nhân loại.
Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Việc dịch nguyên tác mà giữ được phong cách riêng tác giả, đồng thời biểu đạt được những ý nghĩa sâu sắc có trong trong nguyên bản. Mặt khác, dịch giả phải có cách biểu đạt tối đa hình thức ngôn ngữ và nội dung tinh thần trong nguyên tác.
Đây là một mâu thuẫn trong dịch thuật, người dịch vừa phải bám vào hình thức của nguyên tác, vừa phải trình bày dưới một hình thức mới tương ứng với văn hoá và ngôn ngữ của anh ta ở bản dịch, yêu cầu sự phóng khoáng, không câu nệ hình thức, trong khi phải truyền tải được tinh thần của tác phẩm.
1.2. Bàn về phương pháp tra cứu và công cụ tra cứu trong quá trình dịch
Về phương tiện tra cứu, trong thời đại thông tin bùng nổ, chúng ta dễ dàng tra cứu thông tin trên mạng internet nhanh chóng, hiệu quả, là cách mọi người áp dụng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu chuyên sâu, nên coi từ điển mạng là kênh tham khảo thứ yếu. Hãy dùng từ điển của nhà xuất bản có uy tín, tin cậy. Ví dụ, khi tra tiếng Hán nên dung Từ Hải do Trung Hoa thư cục ấn hành, Hán Việt từ điển của Thiều Chửu; dùng Oxford Dictionary khi tra tiếng Anh.
Việc dùng từ điển truyền thống giúp cho việc ghi nhớ và hiểu sâu các lớp nghĩa của từ. Dịch giả cần đầu tư và tập trung vào ngôn ngữ mà mình nắm chắc nhất thì việc dịch thuật đạt kết quả tốt hơn.
Về phương pháp tra cứu, thì việc sử dụng Google dịch là một phướng pháp tra cứu tệ hại, chỉ phù hợp cho người nhập môn học ngoại ngữ. Google dịch không phù hợp cho việc dịch thuật bậc cao và dịch mang tính chất chuyên sâu như khi dịch văn học. Bởi vì bản chất của Google là công cụ phổ thông, ngôn ngữ dịch khá ngô nghê, chỉ thấy được một nghĩa đơn giản. Đặc biệt, thuật toán chưa xử lí được các vấn đề ngữ pháp và từ vựng tiếng Việt. Việc dựa vào google để đưa ra bản dịch thể hiện việc dịch thuật không hướng tới sự nghiên cứu tìm tòi nghiêm túc, mang tính học thuật.
– Đôi khi ở bản dịch tiếng Việt có sự tranh luận về việc dung từ ngữ, hình ảnh phù hợp hay không? Việc bảo vệ quan điểm đối với một vài từ đã khiến quên đi thực tế rằng chúng ta đã dịch một bài thơ ở phiên bản ở ngôn ngữ khác với tiếng Việt. Vì thế nên căn cứ vào bản dịch nghĩa tiếng Việt để thảo luận. Các bản dịch khác nên mang tính chất tham khảo
2. Bàn về tính khả dịch và các trở ngại cho việc dịch thơ
Hiểu đúng và biểu đạt chuẩn xác, dịch giả nếu nhìn qua lăng kính văn hoá của mình, có thể dẫn tới hiểu sai nguyên bản. Hoặc hiểu đúng về nội dung, lại không biểu đạt chính xác do không thể tìm thấy từ tương đồng, khi mà mỗi dân tộc và nền văn hoá đã có sự khác biệt.
Sự khác biệt về mức độ phát triển ngôn ngữ của mỗi đất nước là không giống nhau. Đôi khi thật khó tìm trong kho từ vựng của dân tộc này từ mô tả một khái niệm mới ở một ngôn ngữ khác, người ta bắt buộc phải dùng ngôn ngữ thứ ba. Sự khác biệt về văn hoá dân tộc là một trở ngại lớn trong việc chuyển ngữ, vì dẫn tới tư duy ngôn ngữ khác nhau. Chỉ khi vượt qua rào cản khác biệt về tư duy này, đặt được suy nghĩ của mình vào luồng tư duy của văn hoá nơi mà ngôn ngữ kia ngự trị thì người ta mới có thể thể hiện một cách chính xác nhất trong văn bản dịch. Sau đây là bài thơ ‘Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu trong việc dịch một số tác phẩm tiếng Hán ra tiếng Anh và tiếng Việt để thấy được sự khác biệt.
昔人已乘黃鶴去, (Phiên âm chữ Hán)
此地空餘黃鶴樓。 Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
黃鶴一去不復返, Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
白雲千載空悠悠。 Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
晴川歷歷漢陽樹, Bạch vân thiên tải không du du.
芳草萋萋鸚鵡洲。 Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
日暮鄉關何處是, Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
煙波江上使人愁 Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Bản dịch thơ tiếng Việt (bản dịch thơ tiếng Anh)
(của nhà thơ Tản Đà) THE YELLOW CRANE TERRACE
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? (Bản dịch của Witter Bynner)
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ. Where long ago a yellow crane bore a sage to heaven
Hạc vàng đi mất từ xưa, Nothing is left now but the Yellow Crane Terrace.
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. The yellow crane never revisited earth,
Hán Dương sông tạnh cây bày, And white clouds are flying without him for ever.
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non. …Every tree in Hanyang becomes clear in the water,
Quê hương khuất bóng hoàng hôn. And Parrot Island is a nest of sweet grasses;
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? But I look toward home, and twilight grows dark
With a mist of grief on the river waves.
Xin lưu ý, bản dịch tiếng Anh được dịch bởi nhà thơ Mỹ Witter Bynner, do nhà xuất bản đại học Virginia Hoa Kỳ ấn hành. Mặc dù từ ngữ được dịch bám sát nguyên bản, nhưng do khác biệt văn hóa, độc giả của bản tiếng Anh chắc khó có thể có cảm nhận sâu như khi đọc bản Hán tự. Do sự tương đồng về văn hoá, có lẽ tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ thuận lợi nhất để dịch thi ca tiếng Hán, chúng ta có thể cảm nhận được nguyên tác giống như người trong ngôn ngữ đó cảm nhận.
Trong sáng tác, mỗi tác giả luôn có phong cách riêng, tạo nên sự độc đáo, đa dạng cho nghệ thuật. Vấn đề là người dịch phải chuyển ngữ được phong cách nghệ thuật và tư tưởng tác giả. Người dịch cần tìm hiểu đời sống tác giả, bối cảnh ra đời của tác phẩm để đưa ra bản dịch sát nghĩa nhất.
Sự khác biệt về thủ pháp nghệ thuật và hình thức. Ngôn ngữ tiếng Việt với 6 cung bậc âm sắc hàm chứa nhạc tính cao, lối sử dụng vần điệu phù hợp với thể thơ. Tuy nhiên, dịch giả cần phải lựa chọn hình thức gần gũi nhất trong văn hoá của mình để chuyển ngữ.
Tôi lấy thêm một ví dụ nữa
古風(憫農)其二 Cổ phong (Mẫn nông) kỳ 2 – Lý Thân
鋤禾日當午, Sừ hoà nhật đương ngọ
汗滴禾下土。 Hãn trích hoà hạ thổ
誰知盤中飧, Thuỳ tri bàn trung xan
粒粒皆辛苦。 Lạp lạp giai tân khổ.
Bản dịch tiếng Việt (ca dao):
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
Bản dịch tiếng Việt này rất xuất sắc, kết quả là bài thơ phổ biến như ca dao, trở thành một phần của văn hoá và tâm hồn Việt. Những bản dịch thơ thế này dường như xoá nhoà đi ranh giới ngôn ngữ.
Bàn về tiêu chuẩn dịch thuật thơ ca, tiêu chí Tín – Đạt – Nhã được coi trọng trong dịch ngôn ngữ. Người xưa quan niệm, đó là ba điều khó. Trong đó, TÍN (faithfulness) chỉ việc trung thành với nguyên bản; ĐẠT (expressiveness) chỉ bản dịch rõ ràng, thông suốt; NHÃ (elegance) chỉ bản dịch có hành văn dùng từ chính xác, rõ ràng, ưu nhã). Các tiêu chuẩn đó là thước đo đánh giá văn bản dịch thuật.
Tôi đưa ra tiêu chí riêng cho việc dịch thơ, thể hiện ở 4 chữ sau đây:
THẦN – HÌNH – VẬN – HỢP
THẦN chính là hồn cốt của bài thơ, nó bao gồm cả phong cách tác giả, đặc trưng văn hóa và nội dung tối cao mà tác phẩm muốn mang đến. Qua ngôn từ, “Thần” như một tia sáng mong manh, tinh khiết mà chỉ có sự rung cảm của tâm hồn thi nhân mới cảm nhận được, và dịch giả cảm nhận và truyền sang cho người đọc dưới ngôn ngữ mới. THẦN là mình chứng cho sự khác biệt giữa việc dịch thơ với bất kì việc dịch một văn bản nào khác. Ví dụ ở bài thơ “Thu hứng” của Đỗ Phủ:
秋興其一 Nguyên tác:
玉露凋傷楓樹林, Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
巫山巫峽氣蕭森。 Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
江間波浪兼天湧, Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
塞上風雲接地陰。 Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
叢菊兩開他日淚, Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
孤舟一繫故園心。 Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
寒衣處處催刀尺, Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
白帝城高急暮砧。 Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
Bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Công Trứ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.
Nguyễn Công Trứ với bản chất phóng khoáng, không câu nệ bám sát từng chữ nên đã đưa cảm xúc thăng hoa cùng nguyên tác để đưa ra một bản dịch hoàn hảo.
HÌNH có nghĩa là dịch giả cần phải bảo lưu nội dung của tác phẩm qua hình dáng bên ngoài của nó, cần trình bày bản dịch sao cho gần giống nhất với hình thức ban đầu. Ví dụ bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin được Thúy Toàn dịch rất thành công.
(Nguyên tác tiếng Nga) (Bản dịch thơ tiếng Việt)
Я вас любил Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Я вас любил: любовь еще, быть может, Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
В душе моей угасла не совсем; Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Но пусть она вас больше не тревожит; Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Я не хочу печалить вас ничем. Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Я вас любил безмолвно, безнадежно, Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
То робостью, то ревностью томим; Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Я вас любил так искренно, так нежно, Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Как дай вам бог любимой быть другим.
VẬN nghĩa là vần, là nhạc tính, là một thuộc tính quan trọng của thơ, làm cho thơ khác với văn xuôi. Thơ là khúc nhạc của tâm hồn mà ca từ được viết lên trên nền nhạc của vần điệu. Tính nhạc trong thơ phải được rung lên từ cách cảm nhận thế giới một các tinh tế và cảm xúc chân thực của tâm hồn, thì lời thơ ấy mới có thể mang rung động đến trái tim người đọc. Nếu thơ thiếu đi vần điệu thì cảm xúc biểu đạt què quặt, ẻo lả và không tạo thành tính thơ. Thơ dịch cần phải có vần điệu, người dịch cần cố gắng giữ được hình thức và vần điệu trong nguyên tác để mang đến cho người đọc một tác phẩm có nhạc tính.
HỢP là sự phù hợp của văn bản tới văn hoá và ngôn ngữ đích, trong trường hợp của chúng ta là tiếng Việt. Bởi dịch cho người Việt đọc, cho nên ngôn ngữ dịch phải phù hợp với văn hoá Việt. Là thơ nước ngoài, song yếu tố ngoại lai nên được giữ ở mức vừa phải, như một thứ gia vị, vừa đủ cho người đọc nắm bắt được yếu tố văn hoá ở văn bản gốc, đồng thời gần gũi thân quen với văn hoá Việt Nam.
Người dịch truyền tải văn hoá, rút ngắn khoảng cách giữa các nền văn hoá, truyền cảm hứng tới độc giả. Ví dụ bài thơ “Đợi anh về” của Simonov do Tố Hữu dịch rất gần với văn hoá Việt, phù hợp với tư duy của người Việt, là bản dịch hoàn hảo.
Việc dịch thơ luôn là một công việc sáng tạo thách thức các nhà thơ và dịch giả. Làm sao cho ra một bản dịch hoàn hảo chưa bao giờ dễ dàng. Những vấn đề nêu ra trên đây nhằm cho bạn đọc hiểu những tiêu chí cơ bản, để cho công việc dịch tác phẩm văn học hướng tới tính chuyên nghiệp và đảm bảo chất lượng nghệ thuật, trong quá trình tìm hiểu và cảm thụ tác phẩm văn chương. Có thể phát sinh những quan điểm khác nhau, nhưng chúng tôi cho rằng những vấn đề đã nêu là hết sức cơ bản và đúng đắn, trên tinh thần cầu thị cho cả người dịch và người đọc.
Dịch giả: Linh Chi
Bài viết liên quan: