Đông về trên tây bắc (Tản văn của Hạnh Nguyễn)

Mỷ sinh ra và lớn lên trên miền quê Tây Bắc, giữa những cánh rừng bạt ngàn xanh biêng biếc, bên những con suối trong vắt bốn mùa róc rách chảy luồn lách giữa những khe đá gồ ghề đầy rêu xanh. Xuân, hạ, thu, đông xoay chuyển đều đem lại cho Mỷ những cảm xúc và trải nghiệm khác nhau. Những cảm xúc này ăn sâu vào tiềm thức trong vắt của một cô gái núi rừng như Mỷ. Chính vì vậy, nó mang lại nỗi nhớ nhung da diết khi Mỷ sống xa quê.

Mùa đông về, ngày ấy Mỷ còn nhỏ lắm, Mỷ đâu thấu hết cái lạnh, cái buốt giá của ngày đông mù mịt. Bếp củi đỏ hồng giữa nhà sàn cháy suốt cả mùa đông dài dằng dặc. Tiếng củi cháy lách tách nghe thật vui tai. Đêm đêm, sau ngày dài đi học và đi nương rẫy về, Mỷ và mấy đứa trẻ thường ngồi dính quanh bếp lửa. Bếp lửa ngày đông có một sức hút mãnh liệt, nhìn ngọn lửa nhảy múa trên những khúc củi khô Mỷ tưởng tượng ra rất nhiều điều. Mỷ ước ao có thân hình mềm mại, bốc lửa, ấm áp và đầy năng lượng như ngọn lửa cái to nhất đang bốc cháy để chẳng lạnh nào có thể làm Mỷ buốt giá.
Nhiều khi nghịch ngợm, Mỷ cùng mấy đứa lấy nắm muối hạt rắc vào than hồng, các hạt muối nổ tung tóe như pháo hoa làm bọn trẻ thích thú lắm. Những buổi chiều chạng vạng tối, ngồi bên bếp than, cơm nếp mẹ vừa xôi xong bốc hơi nghi ngút còn dẻo quánh, Mỷ nắm từng nắm xôi nhỏ trong lòng bàn tay, cắm cái đũa vào nắm xôi ấy và hơ tròn trên than hồng cho vỏ xém vàng rồi bóc ra ăn, hết lớp nọ tới lớp kia cho tới khi nắm xôi chỉ còn vài hạt bám trên đầu đũa. Cái cảm giác vừa nướng, vừa thổi , vừa ăn lớp vỏ cháy giòn thơm lựng ấy thật ngon. Ăn xong thì đôi má đứa trẻ nào cũng đỏ hồng như được nướng trên than vậy.

Mùa đông, ngày ấy Mỷ đâu biết lạnh là gì. Sáng dậy sương muối phủ dầy khắp nơi. Cả vùng rừng núi là một màu trắng đục, lạnh toát.

Màn sương lạnh dày tới mức đi cách nhau 2m là không thể nhìn thấy người đi trước. Những ngọn cây, ngọn cỏ bám sương lạnh đông cứng.

Vậy mà, Mỷ và lũ trẻ trong xóm vẫn đi học với những tấm áo mỏng manh, đôi dép lê rách nát, vừa đi vừa đá những ngọn cỏ đông cứng ấy để nghịch và để lấy lối đi. Để chống chọi lại cái lạnh, khi đi học bọn Mỷ đứa nào cũng cầm theo một cái ống bơ treo trên một sợi dây thép nhỏ, trong ống bơ là những viên than củi hồng được lấy từ bếp nhà sàn mang đi. Khi tới lớp, những ống bơ ấy sẽ được quay tít cho tới khi tất cả những viên than ấy hồng rực và sưởi ấm cho bọn trẻ. Mỷ ngày ấy, khôn lanh hơn bọn trẻ trong xóm một chút là Mỷ luôn gói thêm các viên than nguội để trong cặp sách. Khi những viên than hồng đã cháy gần tàn mà buổi học chưa kết thúc là Mỷ sẽ lén bỏ thêm vào ống bơ của mình những viên than dự phòng ấy. Vì vậy, ống bơ của Mỷ luôn đỏ hồng suốt cả một buổi học mà không bị tắt.

Mùa đông ngày ấy đối với bọn trẻ vùng cao như Mỷ chẳng có gì là đáng sợ cả, cho dù lớp học vách nứa gió thổi vù vù, cho dù quần áo mỏng manh, cho dù chân đi dép lê, thậm chí có đứa còn đi chân đất mà chẳng đứa nào thấy sợ cái lạnh cắt da, cắt thịt ấy.

Có lẽ một phần do từ nhỏ đã được tôi luyện, đã được sống trong cái lạnh ấy nên quen rồi. Một phần do bọn trẻ luôn chạy nhảy, hò hét, nghịch ngợm nên chẳng biết lạnh là gì. Khi mùa đông qua đi, nắng xuân ấm áp trải khắp núi rừng, Mỷ và bọn trẻ vui mừng lắm. Vì ít ra khi đi học không phải mang theo mấy cái ống bơ đầy than để sưởi ấm cho đôi tay giá buốt nữa.

Mùa đông 2022

H.N