Từ phi hư cấu, tìm hiểu một cách nhìn về chiến tranh của người viết trẻ. (Nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan)

Thời gian gần đây, không chỉ là sách phi hư cấu nói chung đang rất được quan tâm mà trong văn học, mảng sách này cũng thu hút độc giả. Do đặc trưng là nội dung thể hiện các sự kiện nhân vật có thật trong thực tế nên phi hư cấu có hấp lực nhất định cả với người viết lẫn người đọc và điều đó khiến cho văn chương trở nên đa dạng, phong phú hơn nhất là khi vùng biên được mở rộng, về phương diện nào đó thì rào cản đến vùng cấm địa dường như được dỡ bỏ.

Nói đến chất trẻ trong văn học viết về chiến tranh ở Việt Nam, tôi muốn nêu hai điều: nhân vật là những người trẻ tuổi và lực lượng viết trẻ. Là cuộc chiến tranh toàn dân nên mọi tầng lớp nhân dân đều tham gia vào cuộc chiến tranh giữ nước, tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong cuộc chiến tranh đó, lực lượng trẻ – những người lính, những thanh niên xung phong, dân quân du kích – là một lực lượng nòng cốt đóng vai trò rất quan trọng. Cho nên, trong các tác phẩm văn chương viết về chiến tranh, hình tượng người lính trẻ bao giờ cũng nổi bật nhất. Mặt khác, lớp nhà văn chống Mĩ, xưa được gọi là trẻ, có nhiều đóng góp nay đã cao niên và đang được một thế hệ mới thay thế, mà thế hệ trẻ dù ở thời kì nào cũng có nhiều tìm tòi trên thế mạnh của lứa tuổi, điều kiện sống… Chúng ta đã có rất nhiều công trình, bài báo, những luận văn, luận án viết về vấn đề này. Từ một góc nhìn phi hư cấu, trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi muốn nói về tác phẩm của hai tác giả: bộ ba Tôi là con gái của cha tôi, Đừng kể tên tôi, Những trích đoạn của các anh của Phan Thúy Hà – một người viết sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, và cuốn nhật kí Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân viết trong những năm tháng khi cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn gay go và ác liệt nhất – trước và sau năm 1970.

Nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan

Chắc nhiều người không quên những năm đầu của thế kỉ XXI, nhật kí chiến tranh trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Ở đây tôi chưa bàn kĩ đến những yếu tố xã hội khiến nhật kí chiến tranh được hâm nóng và rất nhiều nhật kí của các liệt sĩ, rất nhiều lá thư thời chiến được in và phát hành rộng rãi, vì công tâm mà nói, dù là thế nào, tâm tư ấy, tinh thần ấy, cuộc sống ấy… của những con người ấy cần được biết đến để cho hậu thế hiểu một cách cụ thể hơn về một thế hệ dù ai cũng rất yêu bản thân và tuổi thanh xuân của đời người nhưng đã dũng cảm hi sinh tất cả vì độc lập của Tổ quốc. Và Nhật kí Đặng Thùy Trâm của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc – chàng sinh viên khoa toán cũng là người từng giành giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi môn văn toàn miền Bắc – cùng nhiều cuốn nhật kí khác ra mắt, được đón nhận và ở đó văn chương – đời thực, tác giả – nhân vật cùng hòa quyện.

Điều tôi muốn nói ở đây là cùng với hiện tượng đó, trên văn đàn, phi hư cấu trở thành một xu hướng rất đáng chú ý. Thật ra với những Ông cố vấnVán bài lật ngửa… có từ trước đó, nhất là sau 1975, khi nhiều nguồn tư liệu trước đây còn nằm trong vùng cấm, trong kho, thì nay đã được phép dùng và trở thành một nguồn tư liệu phong phú và quý giá. Nhiều cuốn, trong đó đáng chú ý hơn, theo tôi, là Biên bản chiến tranh 1,2,3,4-1975 của Trần Mai Hạnh và Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Làm thế nào để giữ được sự chân xác của sự kiện lịch sử mà vẫn bảo đảm được tố chất văn chương của một tác phẩm văn học khi hào quang của chiến thắng vẫn còn sức lan tỏa? Hơn nữa hư cấu như thế nào khi lịch sử có một độ lùi chưa xa mà trong lịch sử ranh giới giữa chính sử và dã sử có những khi thật khó phân biệt? Cái được nhất trong tác phẩm của Trần Mai Hạnh là ông đã dựng lại không khí của Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung vào thời điểm đầu năm 1975 với thế thắng của chúng ta và trong tình hình tan rã của quân đội Sài Gòn như một phép thử, có những tướng tá tên tuổi của phe đối phương hiện lên là những con người có lòng tự trọng đã chấp nhận tự sát vì họ thấy mình có trách nhiệm trong sự sụp đổ của thể chế hoặc có những thái độ, tình cảm đối với cấp dưới rất đáng cảm kích. Cũng theo tôi, cái được của Nguyễn Thị Ngọc Hải là xây dựng nên chân dung vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã chiến thắng kẻ thù không chỉ bằng các thuật của nghề nghiệp mà còn bằng nhân cách, ứng xử… của một người có văn hóa, có trình độ. Như vậy là văn chương dù hư cấu hay phi hư cấu đều hướng đến con người với các số phận khác nhau.

Nằm trong dòng phi hư cấu hiện hành, những năm gần đây, Phan Thúy Hà là một người viết trẻ có cách tiếp cận mới về đề tài chiến tranh.

Cái khác của Phan Thúy Hà với bộ ba tập sách gồm Tôi là con gái của cha tôi, Đừng kể tên tôi và Những trích đoạn của các anh là đã tạo cho mình một cách nhìn về chiến tranh hoàn toàn từ những cứ liệu xác thực với những tên đất, tên người cụ thể; tương tự là cảm nhận của họ về con người, đất nước và chiến tranh. Trước tiên, chị cho thấy một lứa thanh niên bước vào chiến tranh mà không có sự hiểu biết về chiến tranh (điều này tôi đã đọc được trong Di cảo của Nguyễn Minh Châu): ra trận hoàn toàn với nhiệt tình của tuổi trẻ khi lòng yêu nước được chiến tranh thức tỉnh; nhưng không ít người nhập ngũ chỉ với ước mong sẽ được đến những chân trời mới vì ở nhà cơ hội vào đại học hoặc học nghề khó có thể đến, thậm chí là mong có được bữa ăn no. Và tương phản với điều đó là những cái chết xót xa đau đớn đến thế nào, nhất là đối với những người lính trẻ vào trận chỉ với nhiệt tình mà chưa có kinh nghiệm trận mạc! Chị cũng cho thấy trong tình cảm của những người lính nỗi nhớ gia đình, quê hương luôn thường trực, dai dẳng và ai cũng thiết tha mong có ngày được trở về. Tuy nhiên, chiến tranh là chiến tranh: vô cùng nghiệt ngã, lạnh lùng qua những con số thương vong của từng trận đánh, qua từng câu chuyện của các nhân chứng còn sống đã được Phan Thúy Hà ghi lại đầy ấn tượng.

Viết về những thân phận đàn bà, tôi cho cũng là thể hiện cách nhìn khác của tác giả Phan Thuý Hà. Những hình tượng nhân vật phụ nữ tham gia chiến tranh đã trở nên những tượng đài trong văn chương sử thi thời đó, như chị Sứ trong Hòn Đất, như chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng chẳng hạn. Từ một nguyên mẫu ngoài đời, ngòi bút của Anh Đức đã hư cấu thành nhân vật văn học chị Sứ. Nhân vật chị Út Tịch của Nguyễn Thi gần như trùng khít với một nguyên mẫu sau trở thành Anh hùng quân đội: chị Nguyễn Thị Út, thường gọi là Út Tịch. Hai nhân vật đó được nhìn dưới cái nhìn sử thi. Cả Hòn Đất và Người mẹ cầm súng đều ra đời vào những năm đầu chiến tranh nên về phương diện nào đó, có thể nói họ được xây dựng gần như trong “bầu không khí vô trùng” bởi mọi khó khăn, khốc liệt dường như không ảnh hưởng nhiều lên đời sống riêng tư của nhân vật.

Phan Thúy Hà đã mang đến cho người đọc những nguyên mẫu người phụ nữ khác nhau để thấy chiến tranh đã tác động tới họ ghê gớm thế nào. Đó là người phụ nữ chờ chồng đằng đẵng hơn mười hai năm trong “biệt vô âm tín”. Buộc phải lấy chồng vì bà biết phụ nữ sinh nở có thì mà đàn bà thì ai mà chẳng muốn được làm mẹ, nhưng bà vừa lấy chồng mới, một người bộ đội được ghé qua nhà mấy hôm trước khi vào lại chiến trường, thì chồng cũ trở về. Đau khổ vì thương người chồng cũ nhưng bà không thể bỏ người chồng mới vì hoàn cảnh riêng tư của người lính này cũng quá khổ; vậy mà rồi bà lại phải đợi chờ thêm ba năm nữa, đủ để cho tuổi xuân mười lăm năm trôi qua trong vò võ nỗi thương nhớ, âu lo và cả khao khát. Phan Thúy Hà viết về cảnh người phụ nữ này hai lần lên “xe hoa” về nhà chồng mà những cô chiêu cậu ấm thời nay dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng thật khó hình dung khi đó là sự thật không hề được hư cấu. Hoặc vợ một người lính khác – một anh hùng ngoài đời – sau sáu năm anh vào chiến trường rồi lại sau một thời kì dài không sinh nở, một thời gian dài chữa vô sinh, cho đến khi chữa được thì lại đẻ ra rặt những quái thai. Trời thương, rồi cũng cho vợ chồng chị một mụn con gái nguyên lành. Nhưng không lâu sau thì bệnh sốt rét rừng tái phát, người chồng thường xuyên lên cơn điên: sống lại quá khứ trận mạc, tỉnh ra thì khóc thương đồng đội… Phan Thúy Hà cũng ghi chép về những người phụ nữ khác ở bên kia sông Bến Hải có chồng đi tập kết, nhảy núi đã phải chịu đựng tra tấn, tù đày… Trước đây, chúng ta đã có những Nước mắt đỏ của Trần Huy Quang, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân… nhưng với những trang tư liệu xác thực này, Phan Thúy Hà đem đến cho người đọc hình tượng những con người bằng xương bằng thịt cụ thể về nỗi đau, về thân phận người đàn bà trong chiến tranh – một sự hi sinh trong lặng thầm mà sự thể hiện của văn chương chưa thật tương xứng với những gì mà họ đã chịu đựng. Tác động từ những tư liệu xác thực này đến người đọc chắc chắn khác so với những hình tượng đã qua nghệ thuật chưng cất của nhà văn.

Cái nhìn khác đó là cái nhìn trẻ của một người viết sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Đây là sự dấn thân của một người trẻ với tinh thần hòa hợp, tinh thần của những người trong cùng một dân tộc đã cùng chịu nỗi đau của hoàn cảnh, của thân phận với cái nhìn hướng tới tương lai. Phan Thúy Hà đã bỏ công ăn việc làm ở một cơ quan nhà nước khá ổn định để theo đuổi công việc ghi chép lại những tư liệu bởi trước đó, chị quan sát và luôn day dứt về thân phận những người đi qua chiến tranh từ chính những con người chị gặp, đặc biệt từ cha chị vốn cũng là một sinh viên tham gia chiến tranh và khi cuộc chiến kết thúc, ông chọn việc trở về quê nhà làm ruộng mà không đi học tiếp. Hành trình tìm kiếm của chị còn lấn sang cả những người của giới tuyến bên kia. Những con người của phe đối phương đó được tái hiện với cảm thức rất nhân văn khi với cái nhìn đồng cảm chia sẻ của tác giả, họ hiện lên là những người cam chịu và lấy tình người như một liều thuốc an thần để xoa dịu nỗi đau giữa những người cùng cảnh ngộ trong cuộc sống đầy khó khăn về vật chất và định kiến của thời hậu chiến.

Lấy Phan Thúy Hà như một trường hợp tiêu biểu cho thế hệ những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nhìn lại những con người đã đi qua chiến tranh, viết về mặt trái của tấm huy chương như một nhắc nhở, một cảnh báo. Đặt những sáng tác của chị trong tương quan với những tác phẩm phi hư cấu khác tùy thuộc vào hoàn cảnh ra đời của cả tác giả lẫn tác phẩm, chúng ta sẽ thấy sự vận động của thể loại này như một tất yếu trong sự vận động chung của văn chương.

Tôi xin được trở lại với nhật kí chiến tranh của một tác giả cũng là người lính trẻ, một liệt sĩ và cuốn sách được ra đời trên cơ sở những cuốn nhật kí ghi trên đường hành quân, dưới chiến hào, giữa hai trận đánh…, nghĩa là ghi bất cứ lúc nào có thể cầm được bút: cuốn Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân – một trí thức trẻ, sống và lớn lên ở Thủ đô, bị thương, trở ra Bắc điều trị, được về báo Quân đội nhân dân nhưng anh đã từ chối, xin trở lại chiến trường và đã hi sinh vào năm 1971 ở chiến trường Quảng Trị khi mới hai mươi lăm tuổi…

Đó là một chàng trai tài hoa với những năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh: tranh của anh từng được giải trong những cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi quốc tế ở Ấn Độ và Ba Lan, là người biết chơi một số nhạc cụ như guitar, sáo, harmonica, accordion và học mĩ thuật cùng lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng. Anh vào chiến trường với tâm thế của một thanh niên mang trong mình dòng máu yêu nước và yêu nghệ thuật từ truyền thống gia đình. Nhật kí của anh, cũng như nhiều cuốn nhật kí cùng thời khác, ghi lại những cảm xúc về tình yêu đất nước quê hương, về nỗi nhớ gia đình, về lòng căm thù giặc, những cảm nhận về chiến tranh và người lính dưới cái nhìn của một người tham chiến. Tài hoa ra trận không chỉ cho thấy sự trưởng thành của một người lính, một trí thức trẻ qua sự thể hiện đời sống chiến tranh thu nhỏ, ở đó không chỉ có sự chịu đựng hi sinh cùng các biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước, yêu con người. Trong những trang sách này có độ chín vừa đủ của một người thanh niên ý thức về cây súng trong tay hơn là cây bút cây cọ và vì thế nhật kí của anh mang tính thế sự đậm đà bên cạnh chất trữ tình vốn là phẩm chất bẩm sinh.

Chính ngay từ những ngày đó, nhìn đoàn quân đi về Nam, Hoàng Thượng Lân đã tự hỏi lòng: “Rồi đây, ai mất, ai còn? Ai sẽ có cái may mắn được trở về sum họp với người thân của mình?” Câu hỏi gợi lên những âu lo chính đáng từ một trái tim đã đồng nhịp với những rung lắc của chiến tranh và dự cảm về những tai ương mà chiến tranh gieo rắc, về những tai họa sẽ đến đối với đoàn quân đang đi về hướng có tiếng bom rơi đạn nổ. Ta gặp trong nhật kí của anh câu chuyện bi hài về một kẻ chiêu hồi, gặp dân quân, tưởng đó là dân vệ nên đã khai báo, nói xấu bộ đội nhưng rồi đã “ngã ngửa” khi bị dẫn độ về chính đơn vị của mình; cùng đó là những trang viết về tâm trạng đầy ẩn ức của Hoàng Thượng Lân về một ông cán bộ và những đồng phạm của ông ta trong sinh hoạt hàng ngày, trong đối xử với anh em, nói một đằng làm một nẻo… Tôi cũng thật sự ấn tượng khi anh viết về một người lính tìm mọi cách thoái thác mong tìm cơ hội được về tuyến sau để quay ra Bắc và bị chính Hoàng Thượng Lân bóc mẽ; ấn tượng về cuộc hỏi chuyện một tù binh – thương binh và nghe những câu trả lời của người lính Sài Gòn “da mặt xanh lét vì máu ra nhiều” nhưng Hoàng Thượng Lân thấy “không hề ghét hắn một tí nào cả” bởi câu chuyện cũng như hình thể của người lính bị thương đã gợi nên niềm trắc ẩn và làm dịu lòng căm phẫn trong anh. Như mọi quy luật của chiến tranh, người lính nào cũng buộc phải giương súng vào đối phương vì mình không giết họ thì họ cũng giết mình. Tuy nhiên, lòng nhân từ trong sâu thẳm bản chất con người nhiều khi đã làm hạ nhiệt những cơn cuồng nộ, hạn chế được sự đổ máu. Đây là một nét nhân văn trong tâm thế người lính trẻ Hoàng Thượng Lân và chắc chắn cũng là của nhiều người lính khác. Tất cả những cứ liệu ấy cho thấy tính muôn mặt của đời sống người lính trong chiến tranh cũng như những cung bậc cảm xúc của Hoàng Thượng Lân trước những gì tai nghe mắt thấy.

Thời đó, trong cuộc sống và trong văn chương, tình cảm gia đình, riêng tư chưa thực sự được coi sóc, chăm chút và thường bị cái “ta” lấn át. Hoàng Thượng Lân cũng không tránh khỏi khi anh từ chối tình yêu của người bạn gái mà nửa năm sau anh nhận tin người yêu đi lấy chồng với trái tim tan nát, cũng như anh đã từng chạy trốn tình cảm đến bất chợt với một thôn nữ nơi anh đóng quân trước ngày vào chiến trường. Đọc nhật kí của anh, trong một xâu chuỗi, ta hiểu sự từ chối đó không phải kiểu dẹp tình riêng vì nghĩa lớn mà xuất phát từ việc anh nghĩ đến số phận mong manh của người lính trong chiến tranh cũng như thân phận người phụ nữ có chồng, người yêu là bộ đội – điều mà bao nhiêu năm sau Phan Thúy Hà đã tái hiện và tôi đã có dịp nói đến ở trên. Cho nên, nhìn một cách tổng thể, người lính trẻ Hoàng Thượng Lân rất có trách nhiệm không chỉ trong công việc hàng ngày với tư cách một người cầm súng mà còn ở lĩnh vực tình cảm đối với đất nước và gia đình. Đất và người Vĩnh Linh đã sống trong những trang nhật kí của anh với xúc cảm mạnh mẽ của một chiến sĩ – nghệ sĩ trẻ. Giữa những trang ghi chép đó, xuất hiện nỗi nhớ cháy lòng về ba mẹ, các em, nỗi lo của một người con cả trong gia đình sau một thời gian chưa được về thăm nhà vì liên miên là những cuộc hành quân, những trận chiến đấu đầy gian khổ và nguy hiểm. Anh không giấu nỗi nhớ nhà, thậm chí, mong ước được về nhà: “Ba mẹ ơi, giờ đây con cứ muốn được về nhà, con sẽ lê đôi chân mỏi mệt của mình (vì mệt mỏi lắm rồi) leo lên cầu thang, gõ cửa phòng 48, con sẽ khuỵu xuống cửa nhà và… con sẽ òa lên khóc.” Một chút yếu đuối, mềm lòng rất người của một người lính trẻ mơ “khuyụ xuống” trước cửa nhà và “òa khóc”. Vì mệt? Vì xúc động? Vì nỗi nhớ tích tụ đã bao lâu? Và cả những ẩn ức?… Có thể đọc ra sau cảm xúc này, đặt trong bối cảnh cuộc chiến ác liệt mà anh vừa trải qua, nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc tạo được hiệu ứng đồng cảm ở người đọc. Trong Tài hoa ra trận, có rất nhiều đoạn văn viết về nỗi nhớ, về lo lắng của anh đối với gia đình khi mà mẹ anh sức khỏe không được tốt. Đây là biểu hiện của sự hài hòa trong tình cảm riêng – chung, cho thấy tình cảm gia đình là hậu phương quan trọng trong tâm hồn con người một khi họ ý thức cầm súng là để bảo vệ Tổ quốc trong đó có gia đình và quê hương bản quán của mình.

Tài hoa ra trận là nhật kí của một người lính trẻ viết khi cuộc chiến đang diễn ra và vì thế chúng tôi tiếp cận ở hai góc độ. Đó là những trang viết trực tiếp về chiến tranh từ cái nhìn của một người lính. Mặt khác, anh là một trí thức trẻ tiêu biểu đi vào trận mạc khi ít nhiều đã có độ chín về tình cảm, tư tưởng, kinh nghiệm chiến đấu nên những trang nhật kí đó vượt thoát được chất học trò dễ gặp. Có thể nói Tài hoa ra trận thể hiện một cách nhìn, cách nghĩ về chiến tranh của một thế hệ cầm súng. Tác phẩm toát lên được hình tượng tác giả khá có bản sắc qua một diễn ngôn phù hợp, có chất văn.

Đặt một tác giả trẻ bên một tác giả trẻ khác không cùng thời cùng viết về chiến tranh, tôi muốn cho thấy được tính ưu việt của người trẻ khi nhìn và nghĩ về chiến tranh thể hiện qua loại hình phi hư cấu. Sự tương tác này có thể chưa hẳn là đồng bộ nhưng điều tôi cố gắng tìm sự gần gũi qua hai tác giả Phan Thúy Hà và Hoàng Thượng Lân là để thấy được tâm thế của tuổi trẻ đối với chiến tranh: cần phải bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc thì họ lên đường, sẵn sàng hi sinh kể cả tính mạng, nhưng với mỗi con người thì cuộc sống, gia đình, quê hương là những tài sản vô giá rất được nâng niu. Và nữa, chiến tranh bao giờ cũng là thảm họa cho con người, cho môi trường sống. Thông điệp mà người viết bài này lĩnh hội qua hai tác giả là thông điệp về hòa bình cho mỗi dân tộc, cho từng đất nước và cũng có nghĩa là cho mỗi gia đình. Thông điệp đó cùng hòa vào thông điệp đã phát trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kì Joe Biden mới đây, tôi coi như là một thỉnh cầu.

TÔN PHƯƠNG LAN

Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

(Trích nguồn : Vanvn.vn)