Elfriede Jelinek, nữ nhà văn đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên của Áo (2004), nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa nữ quyền đầy cấp tiến.
Từ lâu, Jelinek đã không xuất hiện trước công chúng, song bà vẫn không ngừng cho ra đời các tác phẩm mới tạo sức ảnh hưởng. Gần nhất, tại Áo đã có buổi ra mắt vở kịch Larm – được Jelinek viết trong đại dịch Covid-19.
Đáng nói, Jelinek không bao giờ mài giũa từ ngữ trong bài viết của mình bởi bà cho rằng “cả thế giới là một sân khấu vô cùng bất hợp lý”.
Giọng văn “bất cần đời”
Jelinek viết về tình dục, bạo lực, văn hóa đại chúng… Trong thập kỷ 1980 và 1990, Jelinek là nhà văn ăn nói sắc sảo và “bất cần đời”. Phản ứng gay gắt với những gì mình coi là xã hội bảo thủ, cố chấp, lại có phong cách viết mỉa mai, khiêu khích, Jelinek được cho là đã khiến một nửa nước Áo quay lưng lại với mình.
Tại Áo, thái độ của công chúng đối với Jelinek khá phức tạp, nhiều người tố cáo bà là một “người xúc phạm nghệ thuật và văn hóa”, đặc biệt sau vụ bê bối do hài kịch Burgtheater (Nhà hát Burg, 1984) của bà gây nên. Ở vở diễn ấy, Jelinek chỉ trích quyết liệt việc nước Áo từng dính líu với Đức quốc xã và sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan chính trị, tới mức bà gọi Áo là “quốc gia của bọn tội phạm”.
Năm 1998, nhà cầm quyền Áo cấm trình diễn các vở kịch của Jelinek. 2 năm sau đó, bà tuyên bố không cho phép trình diễn kịch của mình tại các nhà hát Áo. Mặc dù vậy, Jelinek vẫn được đánh giá là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng trong nền văn học đương đại Áo và là tác giả viết tiếng Đức danh tiếng hàng đầu hiện nay.
Jelinek trình bày nhiều ý tưởng của mình trong các bài tiểu luận, kịch và tiểu thuyết. Năm 2003, bà viết bài báo cho tờ Der Standard của Vienna (Áo) với tựa đề Schreiben mussen (Sự cần thiết phải viết), trong đó khẳng định “ngôn ngữ mở ra mọi thứ và kết thúc mọi thứ”. Quả thực, với ngôn ngữ, không thể phủ nhận bà là một bậc thầy.
Trong nhiều thập kỷ, Jelinek đã viết về những bất công và lạm dụng trong đời sống chính trị, cũng như về cuộc sống riêng tư trong xã hội Áo. Phong cách đầy khiêu khích của bà thường gắn với câu chuyện mối quan hệ của mọi người với nhau, từ đó khiến người ta liên tưởng tới các sự kiện hiện tại.
Vở kịch mới của bà, Larm (Noise) là câu chuyện về đại dịch Covid-19, được công diễn tại Deutsches Schauspielhaus ở Hamburg hồi tháng 6.2021. Trong vở kịch, người xem được thấy một loạt vấn đề từ tin tức, lý thuyết, lời giải thích, và cả những “thuyết âm mưu” quanh loại virus gây ra dịch bệnh này.
Trong khi đó với vở kịch Anger, Jelinek đáp trả cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris vào năm 2015. Nội dung vở kịch xoay quanh cơn thịnh nộ của những người cuồng tín về tôn giáo và sự tức giận của những công dân được cho là tử tế. Trước đó một năm, một nhóm cực đoan cánh hữu đã xông vào khán phòng của Đại học Vienna, khi vở kịch Die Schutzbefohlenen (The Supplicants) của Jelinek đang được trình diễn ở đó.
Thần đồng âm nhạc trở thành bậc thầy viết lách
Jelinek, sinh ngày 20.10.1946 tại Murzzuschlag, miền Đông nước Áo, lớn lên ở Vienna. Khi còn là một phụ nữ trẻ, bà đã phải đối mặt với những vấn đề tâm lý của chính mình và căn bệnh thần kinh của cha. Dưới sự tác động của người mẹ Jelinek kể bà đã được “đào tạo” để thành một thần đồng về vũ đạo và âm nhạc. Khi mới 13 tuổi, bà đã được nhận vào Nhạc viện Vienna. Jelinek đã tìm đến việc viết lách để thoát khỏi hành vi bảo trợ, chi phối của mẹ mình.
Jelinek không tổ chức sinh nhật kể từ khi còn nhỏ, bà từng chia sẻ với với tạp chí News của Áo hồi năm 2016: “Mẹ tôi không quan tâm tới sinh nhật mà chỉ chú ý đến màn trình diễn”.
Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, Jelinek học piano và sáng tác tại Nhạc viện nhưng cũng theo học ngôn ngữ, sân khấu và lịch sử nghệ thuật tại Đại học Vienna. Mẹ của Jelinek đã lên kế hoạch cho con gái mình trở thành một nhạc sĩ, tuy nhiên Jelinek đã trở thành một nhà văn. Cụ thể, khi hoàn thành khóa học đàn organ vào năm 1971, Jelinek đã chuyển sang cầm bút.
Cuốn truyện đầu tiên của bà We’re Decoys Baby (1970) cũng như tiểu thuyết Die Ausgesperrten (Những kẻ bị cấm cửa – 1980) đều khiến các nhà phê bình thích thú, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt ở mức độ tương tự. Trong các tác phẩm văn học này Jelinek đề cập một cách nghiêm khắc đến các chủ đề tình dục, bạo lực và quyền lực.
Jelinek đã tạo nên bước đột phá vào năm 1983 với cuốn tiểu thuyết Die Klavierspielerin mô tả bạo lực đằng sau những cánh cửa đóng kín. Đó là câu chuyện về cô giáo dạy dương cầm Erika Kohut bị mắc kẹt trong mối quan hệ với người mẹ độc đoán của mình. Câu chuyện này đã được đạo diễn Michael Haneke đưa lên màn bạc với Isabelle Huppert thủ vai chính đã đoạt 3 giải thưởng tại Cannes năm 2001.
Chủ đề này được Jelinek tiếp tục với cuốn Lust (Ham muốn – 1989). Để rồi, trong bộ phim truyền hình về người tị nạn – The Supplicants (2014) – Jelinek đặt nhiều câu hỏi về việc những người đã trốn khỏi quê hương mình.
Ở Áo và Đức, Jelinek đã giành được nhiều giải thưởng lớn. Mới đây, Hiệp hội Sân khấu Vienna đã trao giải Nestroy nhằm tôn vinh những tác phẩm của Jelinek. Một số tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Anh, chẳng hạn như cuốn Die Klavierspielerin (The Piano Teacher). Để tri ân Jelinek khi bà nhận được giải thưởng Buchner, nhà phê bình Ivan Nagel đã gọi bà là “người kể chuyện tinh tế và giàu kỹ năng nhất”.
Khi nghe tin Jelinek đoạt giải Nobel Văn học năm 2004, ngay cả các nhà xuất bản Berlin của bà cũng rất ngạc nhiên. Những nhà phê bình khẳng định: Tác phẩm của bà đã khắc một thế giới tàn nhẫn của bạo lực và sự dối trá. Ở đó, những trang viết của Jelinek mang đầy nhạc tính và năng lực đặc biệt về ngôn ngữ, để làm phát lộ sự bất hợp lý của những khuôn mẫu sáo mòn và cứng nhắc trong xã hội.
Luôn mắc chứng rối loạn lo âu
Elfriede Jelinek đã không đến Stockholm (Thụy Điển) để nhận giải vì sợ đám đông. Chứng rối loạn lo âu này vẫn là một trở ngại lớn đối với bà cho đến nay. Jelinek đã chia sẻ với tờ báo Italy La Repubblica trong cuộc phỏng vấn cực kỳ hiếm hồi năm 2020: “Đó thực sự là nỗi đau khổ lớn nhất của tôi”.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Báo Thể Thao Văn Hóa
( Trích nguồn Vanvn.vn)
Bài viết liên quan: