Lại nhớ lúc ở rừng (Truyện ngắn của Bùi Minh Vũ)

Nắng nhạt. Dép mòn. Bụng đói. Tôi đang ở đâu đây?

Tôi chỉ ước được gặp một người quen để hỏi về…A, nhưng mãi chỉ là điều ước sao? Những hạt mưa bắt đầu rớt từ trời cao xuống, ngày càng dày hơn, tôi ghé mình vào một gốc cây to bằng chân con voi cái.

Người ướt. Thân lạnh. Gió rung. Cây nghiêng. Mưa nhảy. Trời cười.

Tôi đi, giữa đường phố hay trên suối nước? Mưa lớn dần, nước ào ạt chảy, đục ngầu, buộc tôi phải bước vào một góc hiên nhà, trụ đứng. Tôi không còn nghe gì ngoài tiếng nước, không thấy gì ngoài những giọt mưa, không mơ gì ngoài việc phải đến…A, dù thế nào đi nữa.

“Nhìn kìa, một cô em té xe, nước trôi cái giỏ xách,” tôi thì thầm, rồi nhanh chân chạy đến, băng qua nước như con cá vược, níu, ghì, đỡ chiếc xe em đứng lên.

“Em có bị gì không?”

“Em không sao, cảm ơn anh nhiều!”

Mưa tiếp tục hắt lên người tôi như một trò chơi miễn cưỡng. Những tòa nhà như những gương mặt trầm ngâm, và tôi là nốt nhạc dại khờ.

“Thôi mưa, thôi mưa,” tôi tự nhủ. Mùi thơm từ căn nhà nơi tôi đứng cứ níu kéo cái miệng; mưa như đôi tay của tạo hóa ghì giữ tôi ở lại giữa mâm cơm của đất trời, mời mọc. Nhưng tôi không dễ dàng đứng đây, phải nghiêng mình đi theo những mái hiên, qua cánh cổng gỗ, đến một vỉa hè, bước trên một tam cấp đá hoa cương. Người lạnh như đá, rụt cổ vào đôi vai, nghe tiếng mưa, tôi nhớ rừng, nhớ cái chòi, nhớ hốc đá, nơi tôi từng lưu trú.

* **

Tại sao tôi nhớ, có phải vì tiếng mưa gợi nên sự hoang vu, gợi nhớ những ngày đi săn trong rừng, mưa tầm tã, chẳng thấy con thú xa, con thú gần. Đến cuối ngày, qua một vạt rừng non, đến một đồng cỏ, qua một vạt rừng già, đến một vạt rừng non, thân ướt sũng nước mưa, nhìn lên một hốc đá thấy có một cái chòi rộng bằng bảy người ôm, mái lợp bằng lá, cửa khép hờ. Từ khe cửa của cái chòi lọt ra một hơi thở nhẹ như hương hoa hồng, dài bằng một đốt tay, tròn như khuy nút áo, có màu tim tím, tôi nghĩ chắc chắn trong chòi sẽ có người, vội đến để xin trú qua đêm.

“Xin lỗi, có người trong chòi không?”

Cánh cửa từ từ kéo ra. Tôi thấy bàn tay ngón thon ngà, rồi mái tóc, và đúng là cô gái mảnh khảnh bước ra:

“Ông là ai? Dòng nước nào đã đưa ông tới cái chòi này?”

“Ta là người đi săn, một ngày trôi qua, ta tìm con thú hoang, chẳng thấy con thú to, con thú nhỏ, trời mưa, thân lạnh cóng, không có nhà để trú, không có nơi để ăn, cô làm ơn cho ta nương nhờ qua đêm.”

“Ông có ngại không, khi trong chòi chỉ có một cô gái nhỏ?”

“Ta chẳng làm gì cả, chỉ sưởi ấm thôi mà!”

“Ông nên tự nhiên như hòn đá!”

Tôi đưa tay lên bếp than hồng, như ôm lửa vào lòng, bên ngoài trời mưa lớn, có tiếng khóc của cành cây vừa bị gió tướt ra khỏi thân cây mẹ, rơi trên mái chòi, khiến cô gái kéo cánh cửa lại. Trong không gian rất nhỏ, bằng một tấm đắp đôi, tôi đưa mắt về phía cô gái, trông có vẻ duyên dáng, tay dệt vải, mắt đăm chiêu. Khi người tôi đã ấm, mưa tạt vào khe cửa, tôi đứng dậy, kéo tấm cửa khít lại, tay chạm nhẹ lên mái tóc đen huyền.

“Ông ơi, không nên nữa, những con thú bên ngoài thấy, cây rừng thấy, người nhìn kìa, em xấu hổ lắm!”

Tôi cứ nghĩ con gái hay nói ngược, vậy nên, vẫn tiếp tục vuốt ve mái tóc, chạm phải cái lỗ tai. Cô gái từ tốn, nói:

“Vậy là quá lắm đó ông!”

Khi vuốt ve đến sau gáy, tôi thấy người tôi rân rân, dâng lên một cảm xúc như thuốc ngon nửa điếu. Khi ấy, cô gái đứng dậy, đi ra khỏi chòi và biến mất trong đêm mưa. Nhìn ra bên ngoài, chẳng thấy gì ngoài bóng đen và tiếng mưa ngày càng lớn dần, phía dưới là tiếng nước chảy. Tôi ngồi bên bếp lửa chờ cô gái, mắt không rời khung dệt, tôi mong cô gái trở lại để tôi có quyền bước ra khỏi cái chòi nhỏ nhoi này bằng một lời xin lỗi và cảm ơn. Lửa bắt đầu tàn dần, ý nghĩ của tôi ngày càng nóng hổi, rằng “Ai đã dẫn cô gái đi trong đêm?” biến thành những ký hiệu khó trả lời, xoay trong tâm trí tôi, bao phủ như bóng đêm buồn ập xuống, ngưng đọng. Hay là tôi hé cánh cửa, chui ra và đi. Không thể, phải chờ cô gái trở lại! Mưa vẫn mưa, tôi vẫn chờ, cô gái đâu rồi, không biết nữa. Thật kinh khủng cho tôi, chỉ vì đôi tay khờ dại, cái trí mù lòa. Tôi lắng nghe tiếng nước, có bàn chân của em rón rén xen vào?

Tôi gọi:

“Ơ, cô gái, đâu rồi, đâu rồi!”

Từ rừng mưa, tiếng nước vọng lại:

“Ông không thích ở lại cái chòi này ư?”

“Ta không muốn ở lại cái chòi này một mình, ta sợ không có người dệt vải, ta sợ không có ai để nhìn, ta muốn nghe tiếng nói!”

“Ngoài kia không có lối về, ông muốn đi à?”

“Dẫu sao, ta nên rời cái chòi này thì tốt hơn.”

“Không nên, không nên đi trong đêm, mưa nguồn sẽ mang ông về cuối bể.”

“Ta cũng nghĩ vậy, nhưng tại sao phải ở đây?”

Chẳng còn tiếng vọng, chỉ còn tiếng nước. Tôi bắt đầu ngồi câm lặng như đá bên bếp lửa tàn. Tôi thấy mình hổn xược khi ngồi trong cái chòi này ấm áp, trong khi cô gái lủi thủi bước đi ngoài mưa rừng. Tôi đứng dậy, mò tìm một cái gì đó để ăn nhưng không thấy, tìm bầu nước cũng không biết ở đâu, tôi đẩy cánh cửa qua một bên, đủ để lòn cành tay ra ngoài hứng lấy một vốc tay nước mưa và uống, rõ ràng ngon và ngọt, tôi lại hứng lấy một vốc nữa, uống tiếp và trở lại ngồi bên bếp lửa tàn. Hình như có một cô gái áp má vào tôi, mái tóc như những chiếc đinh ghim.

“Cô gái này là ai nhỉ? Có phải em là chủ nhân của cái chòi bé nhỏ này? Giữa đêm mưa rừng, ai đến đây ngoài em? Cái khe cửa nhỏ thế kia, cô gái nào đi qua lọt?”

Tôi vốn xem thường mọi việc, nhưng trong hoàn cảnh này, cần phải xem xét, phán đoán và có những cách ứng xử thích hợp. Tôi nhắm mắt trong bóng đêm lan tràn, và chẳng thấy gì cả, hình như, ảo giác hay là cơn mơ lỗ mãng về cái bóng còn lại của cô gái. Tôi ngã lưng trên sàn chòi làm bằng tre nứa, vòng hai tay lên ngực, cố gắng quên tất cả, khấn thần cho đủ đầy sức khỏe để trở về…A.

Mưa tiếp tục dội xuống mái chòi, như muốn xô trôi cái nơi sinh tồn bé nhỏ. Điều tôi quan tâm chính là tiếng nước kéo dài, chưa bao giờ đứt đoạn. Nếu cô gái trở lại, dễ nhận ra tôi đang chậm rãi dõi theo tiếng nước chảy, tiếng mưa rơi một cách say đắm, và nghĩ rằng, tôi đang bị thu hút bởi ngoại cảnh, hay ít nhất là bị ám ảnh bởi cơn mưa rừng như thời hồng hoang. Nhưng đó cũng chỉ là những mớ âm thanh hổn độn, không thể xóa nhòa hình ảnh…A đang hiện ra to hơn bảy khoảnh đất thả trâu, dài hơn sử thi Dăm Săn. Thật trớ trêu, trong khoảnh khắc đơn độc này, tôi muốn chắp đôi cánh của chim đại bàng để bay về…A; và la lên thật to “…A có bị mưa không?”

Mắt tôi nhắm lại, tay tôi nắm lại, chân tôi co lại trước khi gốc cây cổ thụ bật gốc phía dưới cái chòi bảy bước chân, âm thanh chói tai và lạ lẫm khiến tôi bị chi phối mạnh mẽ. Rồi tôi cố trấn tĩnh, đặt tay lên trán. Lẽ nào ta lại ở đây? Sống thế nào? Bao giờ thì về… A? Tôi hiểu, chỉ cần bản lĩnh và nghị lực con người có thể làm những chuyện phi thường, bóp vỡ cục đá trên bếp thành bảy mảnh vỡ, rùng mình và xúc động trước sự cương nghị của con người.

Đột nhiên, tôi quay đầu ra phía trước chòi, lấy hai tay kéo nhẹ cánh cửa đủ để con rắn lục trườn vào, một ánh chớp nhay nháy như muốn đốt cháy và thiu rụi vạt rừng khiến tim tôi ngộp thở, may mà 0,7 giây sau, tôi sững người lại, nhanh chóng kéo cánh cửa qua, như cố ghì giữ sự sống mong manh trước sự hung dữ của thiên nhiên.

Tôi lo, không biết…A có ngập nước không, gió có giật từng mái nhà không, cái chòi lúa của ông bà có trôi theo dòng lũ? Tôi lắng nghe tiếng nước, có gì đó hân hoan khi tiếng nước nhỏ dần, nhưng lo sợ nơm nớp khi tiếng mưa lớn hơn bảy lần đêm nay. Tôi nghe tiếng mưa trong lòng tôi chảy qua nội tạng, ngập đầy buồng phổi, ứ đọng trong tim. Tôi quay đầu vào bếp, nhặt một hòn đá bóp vỡ vụn thành bảy cục, nhắt vào bảy đầu ngón chân, cầu mong cho bàn chân cứng cõi. Tôi thiếp đi trong cơn mưa dài dằng dặc.

***

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi bỗng thấy mình ở trên một cành cây to, chứ không phải trong cái chòi rộng bằng bảy người ôm, không còn bếp lửa, không có khung dệt, nước phía trước chảy thành dòng đục ngầu. Tôi lấy làm lạ, thấy hoàn toàn bất ngờ, “chuyện gì đã xảy ra?” vội leo xuống và nghĩ cách đi săn một con thú nhỏ.

Mưa tạnh.

Mây mù.

Rừng tối màu than tro.

Tôi vất vả lắm mới băng lên tảng đá, tìm một cái rể cây, màu đất ba zan, độc hại, ngắn chừng bảy đốt tay, một đoạn dây leo độc, xanh lét, một miếng vỏ cây độc, màu bã trầu, đặt trên tảng đá bàng, cầm một cục đá đập dập, giả lấy nước, bôi lên đầu một khúc cây vót nhọn, rồi lững thững đến nơi con thú thường đi qua, nép mình vào gốc cây, ngồi mai phục. Khi thấy con mang đi qua, nhanh như gió, tôi phóng khúc cây vót nhọn, xuyên thân, con vật ngã quỵ. Đột nhiên, con cọp mon men đến. Tội vọt lên cây cao.

“Sao mày dám giết con mồi của tao?” Nói xong, con cọp tha con mang bỏ chạy.

Tôi run lẩy bẩy không phải vì lạnh, vì sợ té, mà sợ con cọp quay lại mai phục, chặn đường ban ngày lẫn ban đêm. Tôi bẻ một đoạn cây dài 1,7 mét, leo xuống, đến tảng đá bàng mài nhọn một đầu; quả thật, con vật lại đến. Tôi run như cầy sấy, vẫn dặn lòng: “Bình tĩnh, ngồi xuống, chỉa cây nhọn về phía trước, tay ghì chặt”, con cọp vồ tới, định cõng tôi vào rừng sâu, bị mũi nhọn đâm trúng “họp số”, con vật bỏ chạy. Nghĩ đến hình ảnh con cọp to béo, dữ tợn, tôi rợn tóc gáy, người xanh như tàu lá; vẫn cố gắng bước đến dòng nước rửa vết máu ở đầu nhọn của cây, chờm người xuống uống một hớp nước cho nguôi cơn khát.

“Mình đã chiến thắng ông cọp, thì còn sợ con gì nữa”. Tôi động viên tôi và tự dặn lòng.

Tiếp tục đi tìm cái ăn. Chung quanh nước lênh láng, đục ngầu, có nơi chảy xiết. Tin tưởng sẽ tìm ra cái ăn, bỗng dưng mặt tôi rạng rỡ, vẻ minh mẫn như một dũng sĩ, tay nắm chặt thanh cây, một thứ vũ khí từng đối đầu với chúa sơn lâm. Ngay lập tức, sự lo lắng, đề phòng lại xuất hiện, chờn vờn, hơi thở hổn hển tràn qua hai vành môi khô, hai con mắt căng thẳng nhìn phải, rồi lại nhìn trái, nhìn trước rồi lại nhìn sau diễn ra chóng vánh, tai lắng nghe tất cả các tiếng động, hình như có tiếng đái của con voi cái nghe xè xè, mạnh như ống nước vỡ òa, nhanh như sóc tôi chui vào một hốc đá tối như mực. Khi đàn voi đi ngang qua, tôi nhìn trừng trừng qua mép đá, run rẫy, hồi hộp chừng bảy phút, mắt bị thu hút bởi hình ảnh con voi đi đầu tiên có vẻ hoang dại, hùng dũng. Nếu có ai nhìn trộm tôi, cho rằng thân tôi lạnh cứng đờ, nhưng sự thật không thể cưỡng lại, và hình ảnh đàn voi bảy con mất hút trong khu rừng già cũng chẳng làm tôi yên vui.

“Phải đi khỏi nơi này, đi ngay, không thì mang họa vào thân”, tôi lẩm bẩm, và lách qua một lùm cây gai, chui qua chùm dây leo, trèo lên một cái cây để quan sát chung quanh.

phút giây khủng khiếp tưởng chừng chưa qua, cái nơm nớp lo sợ còn chờn vờn, tôi sững người lại khi thấy con khỉ già đu trên một cành cây cao, miệng nhanh nhảu:

“Ơ bạn, đi đâu vậy, quay lại đây nào!”

“Tôi đi săn, nhiều ngày rồi nhưng chưa có con thú nào.”

“Ông trời chuẩn bị đái cái nước, bạn nên vào đây nghỉ tạm!” Con khỉ già nói, vẻ nhiệt tình.

Thấy con khỉ tỏ vẻ thân thiện, tôi xúc động, bước đến, hóa ra đây là một cái nhà dài giống như nhà của bà tôi ở…A. Tôi leo lên chiếc cầu thang, phía trên có hai núm vú tròn như quả bưởi, đen bóng như núm chiêng đồng, tôi chạm tay vào ghì giữ để lấy thăng bằng bước lên sàn được làm bằng nứa đập dẹp. Khỉ già bắt một con gà lên ổ, đập nghe cái choát, bỏ vào lửa than hồng thui mùi bay thơm thơm, rồi nấu cơm chín tới trắng như trứng gà bóc. Trong khi con khỉ ngồi, để lộ “của quí” đỏ như cục than hồng, tôi thấy buồn cười nên quay mặt ra cửa sổ của gian khách. Khỉ già tinh ý, lấy chiếc lá che lại. Tôi được mời ăn uống thịnh soạn, hậu hĩ, no nê.

“Bây giờ bạn nghỉ ở gian khách!” Vừa nói khỉ già vừa đưa cho tôi một tấm đắp thổ cẩm với những họa tiết trang trí cách điệu hoa lá, cây cỏ, chim thú bằng sợi chỉ màu rực rỡ, khó phai, tỏ ra tử tế và thân thiện.

Tôi ưng ý, và rất khó để đánh giá tình cảm của tôi giành cho con khỉ già này ở mức độ nào. Tôi tò mò, tự hỏi, sao lại có một con khỉ cử xử tốt đến vậy? Tôi không đủ khả năng hay thiếu óc phán đoán để phân tích, mổ xẻ mối quan hệ này, ở góc độ nào đó có thể là sự ngẫu nhiên, tạm thời, bản năng, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi ít nhất là trong thời khắc này.

Thấy tôi kéo tấm đắp qua bụng, khỉ già nói:

“Bạn đi săn cũng mệt rồi, cứ ngủ ngon giấc.”

Sáng hôm sau, tôi nghe tiếng gọi của khỉ già:

“Dậy bạn ơi, ta cùng đi kiếm cái ăn.”

Tiếng mưa rả rích, cùng với nỗi se lạnh khiến tôi quấn chặt tấm đắp, nằm co ro, ngủ quên không biết trời sáng tự bao giờ. Khi tỉnh giấc, con khỉ cũng vừa đi. Tôi thấy mình nằm trong một hốc đá tối như hũ nút. Tôi không biết phải làm gì, vừa sợ, vừa lo có con rắn cạp nia thì khó thoát thân; liền bò một cách thận trọng đến khe hở, nhìn ra ngoài thấy bóng sáng le lói, tập trung nghị lực để bê hòn đá, nhưng bất thành. Tôi thò tay ra ngoài, đụng phải một bụi cây lá nhỏ và dài, bức một cọng, hóa ra là bụi xả, bức thêm vài cọng nữa, dùng hai tay, bẻ từng cọng xả, nắm và siết mạnh trong lòng bàn tay, vò nát và rải chung quanh nơi ngồi đề phòng rắn độc; rồi tựa lưng vào vách đá lồi lõm, lơ mơ, tự hỏi khi nào mình về…A, về với người mẹ thân yêu duy nhất trên đời.

“Ôi, thời gian, sao dài vô tận; không gian sao nhỏ vô cùng; màu sắc sao tối như đêm ba mươi.”

Tôi không đủ cản đảm và sức lực để nhích hòn đá, đưa đầu hay toàn thân chui ra qua chỗ hẹp, đành tiếp tục chờ đợi một điều gì đó mơ hồ, có thể là một quyết định vượt qua cái nghiệt ngã không thể khước từ; bất chợt, nghe tiếng nước rơi độp trên vai, tôi há miệng đón từng giọt nước như chờ đợi một điều gì đó thiêng liêng, duy nhất. Khi giọt đầu tiên rơi vào cổ họng, tôi nghe vị ngọt thấm loang khắp vùng miệng, chờ đến giọt thứ bảy quả là quá lâu, đến nỗi tay tôi không còn cử động, người tôi trơ trơ, mệt mỏi đến nhu nhược. Như thể, có thể là tôi đầu hàng, có thể là tôi đang tìm cách để thoát ra ngoài, có thể là còn cơ hội để khỉ già tìm lại tôi như một người bạn tốt. Rồi một ý nghĩ, hay đúng hơn là một quyết định hấp dẫn hình thành trong đầu tôi là ngủ, ngủ để quên cái hốc đá nhỏ nhoi, tối tăm, đầy những nguy hiểm đang rình mò, chợt đến.

Rồi khỉ già cũng về, hốc đá tôi ở bỗng hóa thành cái nhà dài quen thuộc.

“Này bạn, sáng nay mình gọi nhưng bạn ngủ say sưa. Bạn không đi cùng nên ở nhà không có gì ăn. Trời nắng, căn nhà này ban ngay là cây đa; trời mưa nó hóa thành hốc đá, bạn sẽ không ra được nếu không có mình bên cạnh.”

“Đúng thế”, tôi nói, và nhìn ra cửa sổ gian khách, mưa lớn, rừng tối mù mịt, không nhìn thấy gì.

Khỉ già hiểu ý tôi, liền đến bếp chuẩn bị cơm nước. Trong một khoảnh khắc ngắn, khỉ dọn lên món gà nướng, cơm lam, canh chua cá lăng, muối ớt xanh. Bên trái, có một ché rượu nhỏ, có hai cái cần đã cắm sẵn. Tôi và khỉ cùng ăn, cùng uống. Khỉ uống rượu nhiều, tôi uống ít; khỉ ăn nhanh, tôi ăn từ tốn; khỉ hút thuốc, tôi ngồi nhìn; khỉ dọn mâm, tôi xỉa răng; khỉ ra phía sau, tôi ra phía trước; khỉ nói một, tôi nghe hai. Khi có vẻ ngà ngà say, tôi cảm thấy con khỉ này già rồi, nhưng năng động, đầy sức sống, tự đi kiếm cái ăn hằng ngày dù có lúc mưa xối xả như trút nước.

“Tối nay, bạn ngủ với mình! Mai mình gọi bạn dậy sớm.” Khỉ nói, giọng thiện cảm.

“Tôi thích ngủ ở gian khách.”

Khỉ đưa cho tôi một tấm đắp, “bạn yên tâm ngủ ngon, đừng nghĩ ngợi gì! Đây là chiếc lá vàng, khi cần có cái gì, điều gì thì bạn ước.”

Bên ngoài mưa như đổ nước, trong lúc khỉ già ngủ, tôi bỏ chiếc lá rừng vào túi áo, cố nhìn căn nhà trong bóng tối, có vẻ giống những căn nhà ở…A, nhưng không thấy người.

Tôi nghĩ:

“Điều tốt nhất là sáng mai dậy thật sớm, khỉ già gọi, cứ giả vờ không nghe; mắt đăm đăm theo dõi, làm thế nào để khỉ biến cây đa thành hốc đá, biến hốc đá thành nhà dài, biến nhà dài thành cây đa, và phép tắc này có từ đâu?

Quả vậy, hôm sau, khỉ già đi rất sớm, tôi vốn không biết uống rượu, nên hể có chất men ngấm vào dạ dày là say. Khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong hốc đá chật chội, ẩm ướt. Tôi cố suy nghĩ và tìm câu trả lời trước cái cảnh ngộ kỳ quặc này, nhưng không thể lý giải được; bỗng nhiên nỗi kinh hãi ùa đến. Chẳng có cái khe để nhìn ra ngoài. Tiếng nước chảy nghe như dội từ đá xuống, thật rợn người. Tôi không thể làm gì ngoài việc tựa vào vách đá, thấy bóng đen lan tràn, chỉ còn điều duy nhất là muốn thoát khỏi cái hốc đá nhỏ nhoi này để về với…A, dù có chăn bò, chăn trâu cũng thỏa lòng. Tôi nhắm mắt lại, rồi lấy chiếc lá vàng ngậm vào miệng và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Tôi ngủ mơ thấy có một người có nhiều mắt, nhiều tay, nhiều lỗ tai, nhiều đầu đến bên hốc đá hỏi:

“Ông có nhớ ông ngậm cái gì không?”

“Một chiếc lá vàng!”

“Chính đó là hồn con khỉ già, tổ tiên của chúng tôi. Ông có muốn đi ra khỏi hốc đá này không dễ đâu, phải mất một kiếp người!

***

Mưa hoài, mưa mãi. Tiếng nước đục, tiếng nước trong. Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi muốn tìm cho ra…A, hoặc một người quen để hỏi tại sao tôi không biết…A, không tìm ra…A, không thấy ngôi nhà dài của bà. Mẹ tôi ở đâu, gầy hay mập? Năm nay bao nhiêu tuổi?

Tôi cài lại chiếc nút áo, bước đến một cái hẻm đứng im lặng như tờ, chỉ còn nghe một thứ âm thanh lộp độp: tiếng nước. Tôi dừng lại như đứng đợi một người quen. Tôi nhìn qua khe cửa sổ, thấy bên trong có người đang ăn cơm, bụng nhói lên; tay hứng lấy những giọt nước và đưa lên miệng. Tôi không hiểu tôi đang đứng ở đâu, vào lúc nào đây, cảnh vật khác lạ, chẳng có cái cây để tựa, chẳng có hốc đá để nằm. Tất cả các nhà đã đóng cửa; một vài chiếc xe chạy trên đường lênh láng nước. Tôi rúm người lại, biết rằng rồi sẽ qua cái thời khắc cô đơn này, nhưng sao thấy kinh hãi bao trùm; người run lên như cơn sốt, nhưng đã kịp trấn tĩnh, ngồi xuống, tựa vào một bức tường cũ kỹ.

“Mình về đâu?” Tôi lẩm bẩm, mắt nhìn vài giọt ánh sáng le lói hắt sang đường. Thật khó đoán định khi nào thì mưa chấm dứt, khi nào tìm ra…A. Chuyện tưởng đơn giản, hóa ra là câu hỏi khó. Tôi không muốn đi nữa, biết đâu đây chính là…A. Khi còn lạc trong rừng, tôi cũng cho rằng đây là…A. Ngay cả khi trong mơ,…A chính là nơi tôi đứng. Tôi vẫn không tin điều ấy là thật, vì chẳng có gì để minh chứng cho ý tưởng võ đoán. Tôi tiếp tục nhớ lại…A trước khi đi săn, nhưng không tài nào hình dung ra những con đường, những căn nhà dài, bến nước, bãi chăn trâu bò, từng gương mặt thân quen và như thế, tâm trạng bứt rứt cứ nhân lên. Tôi đang ở trạng thái mất hết khả năng phản ứng với các kích thích bên ngoài. Chân tay run lẩy bẩy, mắt đờ đẫn, lim dim.

***

Trước mặt, mưa chảy thành dòng, đường như suối, nước đục ngầu, giống như nước từng bao bọc tôi trong rừng từ trăm mùa rẫy trước. Ở trong rừng, tôi mơ về nơi ở, khi về nơi ở lại nhớ lúc ở rừng. Ôi những quen thân, những đổi thay bên ngoài hay trong ta có nhiều thay đổi, hỡi yàng.

B.M.V