Nhà văn Annie Ernaux: Tôi đọc sách mọi nơi, sống với từng trang sách

Annie Ernaux – nữ nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2022 – nói có thể đọc sách bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, song “điều kiện đầu tiên là sự yên lặng”.

Annie Ernaux, 83 tuổi, đã viết hơn 20 cuốn sách trong 50 năm sự nghiệp của mình. Giải thưởng Nobel văn học 2022 đã đưa tên tuổi bà đến gần hơn với độc giả trên thế giới.

Trong suốt sự nghiệp, nữ nhà văn Pháp đã được trao rất nhiều giải thưởng: Renaudot (1984), giải thưởng về ngôn ngữ Pháp, François Mauriac (2008), Marguerite Yourcenar (2017), Nobel văn học (2022).

Trong bài phỏng vấn mới nhất trên The New York Times, Annie Ernaux đã chia sẻ thói quen đọc sách hàng ngày của mình.

Chân dung nhà văn Annie Ernaux

Những cuốn sách gối đầu giường của bà?

– Hiện tại, tôi đang đọc lại cuốn sách mà tôi đã đọc cách đây 60 năm – Tragic Sense of Life (tạm dịch: Cảm giác bi kịch cuộc đời) của Miguel de Unamuno.

Tôi cũng đang đọc một tác phẩm vừa được xuất bản, tựa đề là Tombé du Ciel. Cuốn sách kể về hành trình tìm hiểu cha mình của một người thợ lợp mái bằng đã chết ở tuổi 30 khi rơi khỏi tòa nhà nơi anh đang làm việc.

* Cuốn sách hay nhất gần đây nhất của bà?

– Tôi có thể nói không chút do dự, đó là Triste Tigre của Neige Sinno – một tác giả người Pháp sống ở Mexico.

Cuốn sách mất 20 năm để viết kể lại 7 năm cô gái bị cha dượng cưỡng hiếp. Được xuất bản tại Pháp vào mùa hè này, đây là cuốn sách sâu sắc và mạnh mẽ nhất mà tôi từng đọc về sự tàn phá tuổi thơ của đứa trẻ bởi một người lớn.

* Với bà, trải nghiệm đọc lý tưởng là như thế nào?

– Điều kiện đầu tiên là sự yên lặng, đọc ở đâu, đọc khi nào không quan trọng. Mặt khác, tôi cần ngồi thoải mái với cuốn sách đặt trên đầu gối chứ không phải trên bàn.

Tôi cũng cần một cây bút chì để gạch chân các đoạn văn và ghi lại những suy nghĩ của mình.

* Cuốn sách yêu thích của bà mà chưa ai từng nghe đến?

– Có lẽ là quá tự tin khi nghĩ rằng ngày nay chưa có ai nghe đến cuốn sách Little Boy Lost (tạm dịch: Cậu bé mất tích) của Marghanita Laski.

* Bà xem cuốn sách nào là “thú vui tội lỗi”?

– Không, tôi không xấu hổ thừa nhận thú vui đọc sách của mình, trong quá khứ và hiện tại.

 

* Cuốn sách đưa bà đến gần người khác?

– Khi một người mà tôi không thích lại thích cùng một cuốn sách với tôi, tôi có xu hướng ít gay gắt hơn với người đó. Và tôi chưa bao giờ đi xa đến mức bất hòa với ai đó chỉ vì một cuốn sách.

Nhưng tôi rất thất vọng khi có người không thích cuốn sách mà tôi thích và ngược lại, khi ai đó khen ngợi cuốn sách mà tôi ghét. Tôi cảm thấy chúng tôi không nhìn thế giới theo cách giống nhau, đó là một sự bất đồng sâu sắc và tôi không bao giờ quên điều đó.

Hai trong số ba tác phẩm mới nhất của nhà văn Annie Ernaux được giới thiệu tới độc giả Việt, tháng 5.2023 (Ảnh: Nhã Nam).

* Điều thú vị nhất bà học được từ một cuốn sách gần đây là gì?

– Tôi không cảm thấy như mình đang “học” điều gì đó cụ thể từ một cuốn sách, mà tôi đang “sống” khi đọc, trải nghiệm diễn ra cả ở bên trong và bên ngoài.

* Điều gì làm bà cảm động nhất trong một tác phẩm văn học?

– Những điều bất ngờ.

* Bà sắp xếp bộ sưu tập sách của mình như thế nào?

– Tôi thường sắp xếp sách theo thể loại, như văn học Pháp, văn học nước ngoài, tiểu luận, tuyển tập thơ, sách nghệ thuật, tác phẩm đồ họa.

Trong mỗi dòng sách, tôi sắp xếp theo thứ tự chữ cái. Đơn giản đó là cách dễ dàng tra cứu hoặc tìm kiếm sách.

* Cuốn sách hay nhất bà từng được tặng?

– In Search of Lost Time (tạm dịch: Tìm kiếm thời gian đã mất) – cuốn sách chồng đã tặng tôi nhân dịp sinh nhật thứ 25 của tôi.

* Khi còn nhỏ, bà là kiểu độc giả nào? Những cuốn sách và tác giả thời thơ ấu nào gắn bó với bà nhất?

– Tôi là một người ham đọc, đủ các thể loại từ sách, tạp chí dành cho phụ nữ, nhật báo địa phương.

Jane Eyre của Charlotte Brontë; Oliver Twist của Charles Dickens; Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell – tất cả đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

* Nếu tổ chức một bữa tiệc văn học, bà sẽ mời ba nhà văn nào, dù họ còn sống hay đã qua đời?

– Gustave Flaubert, Virginia Woolf và Camus.

* Bà dự định đọc tác phẩm nào tiếp theo?

– Tiểu thuyết của tác giả người Thụy Điển, Sara Stridsberg, người viết cuốn The Antarctica of Love (tạm dịch: Tình yêu ở Châu Nam Cực) mà tôi vô cùng yêu thích.

VIÊN MINH

Dân Trí