Kim đưa con về quê. Con vịt ở trong giỏ kêu quàng quạc. Giỏ đằng trước đựng bánh dày, xôi, một gói bánh quy, chai rượu nếp. Thằng Quý lon ton chạy trước. Cánh đồng mùa đông chỉ còn trơ những gốc rạ gầy guộc. Phía trước là cây cầu bắc qua con sông nhỏ. Mùa này nước trong, xanh biếc. Mấy cái cọn nước vẫn kẽo kẹt quay. Thường thì người ta cho cọn nghỉ vào mùa đông vì cánh đồng cũng nghỉ, phải ra giêng mới cấy vụ mới. Nhưng ở quê Kim, mùa đông cọn vẫn quay. Để nước không tràn vào đồng thì người ta lấy bùn chặn con mương lại. Nước cứ việc chảy vào lại chảy ngược ra sông. Người già bảo nghe tiếng cọn quay, tiếng nước chảy đỡ buồn cái tai vì bọn thanh niên giờ bỏ làng đi làm thuê hết rồi, vắng quá.
Hai mẹ con chuẩn bị bước lên cầu thì có tiếng xe máy còi bim bim, chiếc xe màu xanh dừng lại. Trên xe là một người đàn ông. Dừng xe, bỏ mũ bảo hiểm ra, thằng Quý reo lên:
– Chú Quyết! Quyết, đúng là anh ấy, mỉm cười:
– Chào hai mẹ con. Về thăm cụ đấy à?
Kim dừng lại, gánh quà biếu vẫn ở trên vai. Tự dưng tim đập thình thịch. Chính Kim cũng không hiểu tại sao mình bối rối đến thế.
Quyết nhấc bổng thằng Quý đặt lên yên xe.
– Chú chở Quý về cụ trước nhé.
Thằng bé cười toe toét, gật đầu lia lịa. Kim cuống quýt từ chối:
– Ôi không. Không được đâu. Anh để nó đi với em.
Thằng Quý nhăn nhó:
– Nhưng mà con mỏi chân.
Vừa nói nó vừa nhìn mẹ với ánh mắt năn nỉ. Quyết mỉm cười dễ chịu:
– Trẻ con mà. Đi mãi thì phải mỏi chân chứ. Mẹ thong thả đi sau nhé!
Kim không nói thêm được câu gì. Quyết nổ máy xe, thằng Quý ôm chặt lấy lưng Quyết, ngoái đầu lại vẫy vẫy tay chào mẹ. Chiếc xe chở hai người băng qua cây cầu gỗ kêu lộp cộp và khuất sau khúc quanh dưới gốc cây đa. Ở đây, làng nào cũng có một cây đa ở đầu làng và một cây gạo ở cuối làng.
Kim sinh ra và lớn lên ở đây. Gội đầu, giặt váy áo dưới con sông kia từ khi cây cầu này còn chưa có, mỗi khi qua sông phải đi bằng mảng. Mùa đông thế này, nước cạn, có thể vén váy lội qua chỗ nông được. Nhưng mùa hè thì lúc nào cũng đầy ứ, chảy xiết, thậm chí nước lũ vượt bờ, tràn vào và phủ kín những cánh đồng.
Khi Kim về đến nhà thì thấy bà nội đang ngồi chờ ở bậc trên cùng của cầu thang. Bà đã già lắm rồi, lưng còng gập xuống. Cổ tay cổ chân bé tí ti. Tóc trắng như cước lơ phơ bên ngoài vành khăn. Những nếp nhăn sâu, chi chít trên gương mặt từng là bông hoa đẹp nhất trong ngôi làng dưới chân núi này. Bà rất già, nhưng hoàn toàn minh mẫn. Hầu như không quên bất kì chuyện gì đã xảy ra trong suốt cuộc đời mình. Bố Kim mất rồi, và dường như sự ra đi của bố đã cộng thêm tuổi thọ cho bà. Bà đã một trăm linh hai tuổi.
– Kim à!
Kim đứng trân trân dưới chân cầu thang nhìn lên, gánh quà biếu vẫn ở trên vai. Cái máng dẫn nước vào ang đang chảy ào ào không át được tiếng bà nội.
– Bà! Là cháu đây.
Kim đặt gánh quà xuống, múc nước rửa chân, vội vã bước lên. Kim ôm lấy bà. Bà đã bé lắm rồi, như một đứa trẻ.
– Nó đi rồi à?
Bà hỏi khẽ. Kim vẫn đang ôm bà, gật gật đầu. Nước mắt tự dưng chảy ra đẫm cả mặt.
– Thế đứa nào đưa thằng Quý về?
Kim quệt nước mắt vào ống tay áo:
– Anh Quyết con nhà ông Minh Thiện đấy bà.
– Mày định làm gì với nó?
Bà hỏi. Kim lắc đầu:
– Cháu không định làm gì. Bà ừ khẽ và chống gối đứng dậy. Cái lưng vẫn còng gập, cúi hẳn xuống chỉ còn cách mặt sàn một đoạn. Kim chưa từng gặp người già nào lưng còng như bà nội. Người già hơn một trăm tuổi lại minh mẫn tới mức đọc được cả ý nghĩ người khác như bà nội càng hiếm.
Sau khi bố mất, mẹ Kim đi lấy chồng, tít bên Đản Ván. Bà nội sống một mình, mấy đứa cháu con nhà bác của Kim ngày ngày đều ghé qua, xem bà cần gì thì giúp. Cả Quyết cũng thỉnh thoảng đến, xem nhà hỏng gì thì sửa. Căn nhà rộng thênh thang, những căn buồng đóng cửa im lìm. Buồng bố mẹ, buồng hai cô, buồng Kim, tất cả đều đóng kín, và có lẽ trong đó mạng nhện đã giăng đầy.
Kim làm thịt con vịt và nấu bữa tối. Ba bà cháu ngồi ăn bên bếp, bóng điện duy nhất sáng vàng vàng trên đầu. Ăn xong, Kim dọn giường cho thằng Quý đi ngủ, đưa bà nội vào buồng bà, đắp chăn cẩn thận rồi ra bếp ngồi. Gió mùa về, những cánh cửa sổ đập đập vào chấn song. Và trời cũng mưa nữa. Mưa tí tách nhỏ giọt…
Kim nhớ ngày nhà Thào đón Kim đi làm dâu, trời cũng mưa phùn, rét, cả thung lũng và cả dòng sông chìm trong mưa phùn dày đặc. Kim không biết mình có vui không nữa. Bố Thào là bạn tồng của bố Kim, hai người họ đã hứa gả con cho nhau từ ngày còn chưa lấy vợ. Thào kém Kim 3 tuổi, lúc ấy mới mười bốn. Kim về làm dâu mà Thào nhất định không ngủ chung, vẫn ngủ với mẹ. Một năm sau mẹ đuổi quá mới chịu sang ngủ với vợ. Hai năm sau nữa thì có thằng Quý.
Cũng ngày Kim lấy chồng, Quyết đi khỏi làng. Quyết đi làm thuê, tít dưới tỉnh, đi hai lượt ô tô mới tới. Quyết đã đứng ở đầu ngõ nhà Kim không biết bao nhiêu đêm, muỗi đốt chi chít vào mọi chỗ hở ra. Nhưng Kim đã được hứa gả cho nhà người ta rồi, thế nên bao nhiêu đêm Quyết đứng đập muỗi thì bấy nhiêu đêm Kim ngồi trong nhà nhìn ra qua cái khe của vách gỗ, nước mắt rơi lộp độp xuống sàn.
Lại nói chuyện Kim với Thào. Khi Kim đẻ thằng Quyết thì Thào như người vừa lớn. Thào cao ngộc lên, lưng to ra, tóc cứng và đen nhánh, lông mày rậm, hàm răng to và trắng. Bằng cách nào đó Thào biết rằng từ trước khi Kim về làm dâu nhà Thào thì Quyết đã theo đuổi Kim nhưng không thành. Bây giờ Quyết mở tiệm sửa xe máy ở phố huyện. Phiên chợ nào Thào cũng đi qua cửa hàng của Quyết. Tất nhiên chưa bao giờ bước chân vào vì chẳng có lý do gì. Thào chẳng làm gì ra tiền để mua xe máy, biết lấy gì hỏng để sửa? Thào chỉ đi qua đi lại, mắt liếc liếc vào trong cửa hàng. Quyết không để ý, cứ mải miết làm, gõ gõ đập đập choang choang inh tai. Quyết vẫn chưa lấy vợ. Có vẻ kiếm tiền tốt, vì lúc nào cũng đông khách đứng chờ đến lượt sửa xe. Bây giờ làng nào cũng có xe máy chạy ầm ầm, còi inh ỏi. Càng có nhiều xe máy chạy thì Quyết càng lắm việc. Có lần Thào đứng nhìn Quyết đếm tiền lúc người ta lấy xe máy đi, trong lòng rất khó chịu. Thào là con út, chẳng phải làm gì, chân tay trắng trẻo, mặt mũi cũng trắng trẻo. Chẳng làm gì và cũng chẳng có tiền để mà tiêu thoải mái.
Minh họa: Hoàng Minh
Thào đi chợ về, uống say, chân nọ đá chân kia, khật khưỡng leo lên nhà. Vợ đang nấu bếp, mùi canh măng nấu ếch thơm lừng. Thằng Quý theo bà nội đi chơi đâu đó. Thào nhìn thấy sữa thấm ướt cả ngực áo vợ, tự dưng thấy thèm. Thào lôi vợ vào buồng, dằn ngửa vợ ra, đòi uống sữa. Kim giãy dụa chả ăn thua gì. Thào uống sữa ừng ực, rồi bất chấp nồi canh măng đang sôi trào xèo xèo xuống bếp, Thào phải yêu vợ một cái. Nhưng không hiểu sao cái hình ảnh Quyết đếm tiền xoèn xoẹt cứ hiện ra trước mắt Thào. Thào gằn giọng:
– Mẹ Quý, sao ngày xưa lại không thấy thằng Quyết?
– Quyết nào? Bố mày nói gì không hiểu.
– Thằng Quyết sửa xe ngoài chợ huyện ấy. Thích nhau lắm mà. Đúng không, hả? Hả? Hả? Sau mỗi lần “hả”, Thào lại ấn mạnh vợ xuống giường. Sàn nhà rung lên.
Thào nhận ra vợ mình dạo này xinh quá. Đẻ xong, ở cữ, ăn nhiều trứng gà hấp với rượu nếp, má hồng rực ra, mông thì to, ngực cũng to, mắt lại ướt. Thế mà bao lần nó tự đi chợ phiên mình lại không đi cùng. Chết thôi, thế chả phải thằng Quyết tha hồ ngắm vợ mình hay sao? Nghĩ thế, đầu Thào nóng ngùn ngụt như bốc khói.
Thào đi tìm Quyết lúc trời sắp tối. Thào không ngờ là Quyết lại dám công nhận là ngày xưa có thích vợ Thào lắm, chẳng qua Kim đã được hứa gả rồi nên Quyết phải chịu thua thôi. Nhưng Quyết cũng nói, ngày xưa là ngày xưa, bây giờ làm chồng người ta rồi, Thào phải lo mà chăm sóc vợ đến nơi đến chốn. Đừng có để người ta khổ, xấu mặt đàn ông.
Ái chà! Dám gọi vợ mình là người ta cơ đấy. Thào lao vào định táng cho Quyết một cái tát thì không may Quyết tránh được, Thào ngã uỵch vào đống dụng cụ sửa xe, máu mũi toé ra. Quyết mặc kệ Thào tự lau máu mũi, bỏ đi. Cửa quán cũng chẳng thèm đóng.
Thào còn tìm cách gây sự với Quyết vài lần nữa nhưng đều chẳng đâu vào đâu. Quyết không cần đánh lại, chỉ tránh hoặc ẩy khẽ một cái thì Thào đã lăn quay ra rồi. Không phải vì Thào bé tuổi hơn nên yếu hơn, mà vì Thào nghiện thuốc phiện rồi. Thế quái nào mà Thào lại nghiện thuốc phiện được nhỉ? Chịu, cả nhà không ai biết Thào nghiện từ khi nào và tại sao. Bố mẹ đã bắt vợ chồng Thào ra ở riêng từ khi thằng Quyết được tròn một tuổi. Có nhà riêng, có vườn có ruộng nương, nhưng Thào chẳng làm lụng gì hết. Thuốc phiện hút thử lần đầu còn hơi khó chịu, những lần sau thì thành ông tiên hết. Để có tiền hút thuốc, Thào đã bán sạch sành sanh bất kể thứ gì có thể bán được trong nhà.
Buổi sáng hôm ấy, mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi bên kia sông thì Quyết đã dừng xe ở trước cổng nhà Thào. Thào không ở nhà. Thào đã đi khỏi nhà hai ba hôm chưa về. Kim đang địu con trên lưng và nấu một nồi cháo. Nhà không còn cửa. Hai cánh cửa gỗ cũng bị Thào gỡ ra đi bán từ lúc nào. Để che gió, Kim dựng tạm lên hai tàu lá cọ. Thằng Quý ốm, sốt hầm hập trên lưng Kim. Kim không còn một đồng tiền nào để có thể đưa con đi bệnh viện.
Mắt Kim nhoà nước khi nhìn thấy Quyết. Đã lâu lắm rồi Kim không khóc nữa. Nước mắt đã cạn khô vì muộn phiền. Không hiểu sao nhìn thấy Quyết nó lại trào ra như suối.
Quyết đưa mẹ con Kim ra trung tâm y tế huyện, thu xếp xong xuôi thì về.
Ngày hôm sau, Kim đưa con về đến nhà thì đúng lúc Thào bị hai ông chú đang lôi đi xềnh xệch. Nhìn thấy mẹ con Kim, Thào hét toáng lên:
– Mẹ mày cứu tao với. Các chú đòi đưa tao đi trại. Tao sẽ chết trong trại đấy. Cứu đi.
Thằng Quý ôm chặt lấy mẹ, Kim im lặng. Kim có ghét Thào không? Có. Kim có thương Thào không? Cũng có. Vừa thương vừa ghét, không biết thứ gì nhiều hơn. Kim đã ở với Thào sáu năm rồi. Ngoài những lúc dở người lớn dở trẻ con, ngoài những lúc lên cơn nghiện sẵn sàng dốc vào túi chỗ gạo cuối cùng trong nhà để mang đi bán, Thào cũng thương Kim thật. Thào cũng yêu con nữa. Lúc thằng Quý mới đẻ, ba tháng liền không chịu ngủ, đêm nào cũng khóc từ chập tối đến mờ sáng, người thức để bế thằng bé là bố nó. Cái thằng thanh niên còn chưa lớn hết ấy thức bế con mà như anh trai bế em. Giọng thằng bố ồm ồm khàn khàn dỗ con, thằng con khóc như mèo, nhà thì bé, cứ ầm ĩ cả lên.
Kim ngồi bên bếp. Trên kiềng có ấm nước. Bên ngoài mưa mãi rồi cũng tạnh. Gió cũng bớt thổi đi. Có tiếng cánh cổng kêu kẹt một cái, giống như mở ra rồi khép lại. Ai đó múc nước ở trong ang, rất khẽ. Đêm thanh vắng tới nỗi có thể nghe thấy tiếng nước chảy lép bép. Nhưng không có tiếng bước chân lên cầu thang.
Kim không dám thở mạnh. Chỉ nghe thấy ấm nước cứ lục bục sôi, nắp ấm bị đẩy lên lạch cạch. Một điều gì đó đang khiến Kim nghẹt thở, ứ một cục trong ngực. Và cũng một điều gì đó rất nặng nhọc kéo Kim xuống, như thể bị kéo xuống hố bùn, mỗi lúc một sâu, rất khó cưỡng lại. Sau lưng Kim là hai cánh cửa. Chỉ cần Kim đứng dậy thôi thì có lẽ hai cánh cửa nhiều tuổi hơn cả tuổi bố của Kim nếu ông còn sống, sẽ tự mở ra.
Có lẽ nó sẽ tự mở ra.
Kim thấy mệt mỏi. Sau bao nhiêu năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, chưa lúc nào Kim thấy mình mệt thế này. Rất mệt. Cực kì mệt. Kim chỉ muốn được gục xuống, được nằm nhoài ra, được mặc kệ cuộc đời trôi đi như mây trên trời.
Nhưng cuối cùng thì Kim vẫn không thể gục xuống, vẫn không thể làm mây trời, và vẫn cứ ngồi yên bên bếp lửa đang cháy đỏ. Ấm nước sôi mãi cũng cạn, đã có mùi khen khét của đáy ấm bị đốt cháy. Kim đứng dậy, lấy cặp bếp gắp cái ấm mang ra đầu hồi bên kia nhà để hứng nước. Kim phải đun ấm nữa. Nếu cần phải đun mười ấm nước thì Kim cũng sẽ đun mười ấm…
Hai cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Có tiếng gà gáy rất mảnh cất lên từ rất xa. Hình như tiếng gà rừng. Bọn gà rừng thường thức dậy sớm hơn gà nhà. Cửa thì vẫn đóng nhưng cổng ngõ thì đã vừa mở ra, lại kêu khẽ một tiếng.
Kim gục đầu trên hai đầu gối. Bố thằng Quý phải ăn tết trong trại cai nghiện nên Kim sẽ không về nữa mà ở nhà ăn tết với bà. Chắc bà sẽ vui lắm nếu biết tết này bà có thể gói bánh chưng gù cho thằng Quý ăn.
Bài viết liên quan: